Cử tri lo ngại lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức

Thứ sáu, 30/11/2012, 11:19
Ủng hộ việc Quốc hội thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm và luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, tuy nhiên nhiều cử tri Hà Nội lo ngại việc triển khai sẽ không hiệu quả.

>> Lấy phiếu tín nhiệm 17 ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội 
>> Sẽ công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Hai Bà Trưng ngày 28/11, cử tri Phan Văn Bằng cho rằng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đã đem đến niềm tin trong nhân dân, nhưng cũng có thể chỉ là hình thức. Bằng chứng là vừa qua đã có đợt kiểm điểm theo Nghị quyết trung ương 4, song vẫn chưa đạt yêu cầu.

"Đại biểu khi cầm lá phiếu tín nhiệm phải thật sự công tâm, không xuê xoa, nể nang, phải thấy trách nhiệm của mình khi bỏ phiếu”, cử tri Bùi Nam Hạnh nêu ý kiến.
 

Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội thường xuyên làm
việc tại địa phương. Ảnh: Đoàn Loan

Cử tri Nguyễn Khắc Phúc cho rằng hàng loạt sai phạm đất đai ở Hà Nội là vấn đề cần đại biểu Quốc hội giám sát. Thống kê cho thấy, đất đai và công an là hai ngành tham nhũng nhiều nhất nên phải có cơ chế chống tham nhũng hiệu quả, bởi tham nhũng từ nội bộ trở ra.

"Sai phạm sử dụng đất tại công viên Tuổi Trẻ đã diễn ra từ lâu, tôi mong các đồng chí xuống xem xét vì dân kêu nhiều. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng phải có trách nhiệm về vấn đề này”, ông Nguyễn Khắc Phúc nhấn mạnh.

Lắng nghe ý kiến của cử tri, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, đã có nhiều cách đánh giá cán bộ song lấy phiếu tín nhiệm thì năm sau mới bắt đầu làm. Báo chí thế giới đánh giá cao biện pháp này vì nhiều nước chưa làm được.

Theo ông Nghị, Đảng đánh giá cán bộ thông qua bộ máy của mình, Quốc hội đánh giá một lần nữa. “Chúng ta đang phát huy cao độ giám sát của nhân dân, diễn đàn hôm nay cũng là để người dân bày tỏ ý kiến với Quốc hội. Trước kỳ họp luôn lấy ý kiến của nhân dân thông qua báo cáo của Mặt trận tổ quốc”, ông Nghị phát biểu.
 

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Kỷ luật hay xử lý ai đó chưa phải
là cơ hội cuối cùng". Ảnh: Đoàn Loan.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, kết quả kiểm điểm theo tinh thần Hội nghị trung ương 6 chưa được nhiều người hài lòng, song việc kỷ luật hay xử lý ai đó chưa phải là cơ hội cuối cùng mà còn những lần tiếp theo nữa.

“Cuộc đấu tranh trong mỗi con người rất khó khăn, là đồng chí với nhau thì hay nể nang, ngại động chạm. Nếu khi kiểm điểm người đó đi vào kể lể thành tích thì cuộc họp trùng xuống ngay. Đấu tranh tự phê bình rất khó, chúng ta phải kiên trì, phải vì cái chung mới làm được”, Bí thư Nghị nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn