|
"Ngay cả việc ban hành luật của QH, nhiều đạo luật nằm trên giấy không đi vào cuộc sống thì đó cũng là một loại lãng phí". ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) |
Đó là đề xuất của các đại biểu (ĐB) tại phiên thảo luận tổ về luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chiều 6/6. Một số ĐB đồng tình với báo cáo của Chính phủ trong bảy năm thực thi luật cũ đã hạn chế, khắc phục được tình trạng thất thoát, lãng phí trong mua sắm, chi tiêu, đầu tư công, tuy nhiên nhiều ĐB có ý kiến khác.
“Chi một cách không biết thương xót”
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, luật chưa điểm đúng huyệt về hạn chế, yếu kém, cũng như khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
“Chính phủ báo cáo triển khai kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm, tuy nhiên lãng phí chưa ngăn chặn được, đặc biệt trên nhiều lĩnh vực. Cách báo cáo kiểu đi hàng hai, đi cách nào cũng được, như đánh đố ĐB và chưa dám nhìn thẳng vào sự thật”, ĐB Tâm nhận xét.
Đề xuất Phó thủ tướng và bốn bộ trưởng trả lời chất vấn Danh sách dự kiến các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp đã được Đoàn thư ký gửi xin ý kiến các vị ĐBQH. Theo đó, ngoài Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo và trả lời về những vấn đề ĐB, cử tri quan tâm, sẽ có bốn vị bộ trưởng được lựa chọn từ năm vị để trả lời chất vấn, gồm: Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Trong phiếu xin ý kiến, ngoài danh sách các vị bộ trưởng nói trên, không có thêm bất kỳ phương án nào để ĐBQH đề xuất thành viên khác của Chính phủ trả lời chất vấn. Và theo yêu cầu của Đoàn thư ký kỳ họp, các ĐBQH cần gửi phiếu trả lời chậm nhất là 17 giờ ngày 6/6. |
Vị ĐB hiện là Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ sự chua xót, khi khắp nơi lễ động thổ, khởi công khánh thành diễn ra lãng phí một cách ghê gớm, nhiều đơn vị tổ chức hoành tráng, và ít có lễ nào khách mời lại phải ra về mà không có quà, phong bì. Thứ đến là việc tổ chức lễ hội hoành tráng, tốn kém, không cần thiết.
“Tiền đó ở đâu ra, là tiền thuế của nhân dân, mà chúng ta chi một cách không biết thương xót”, ĐB Tâm xót xa.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) kiến nghị, luật phải làm sao quy định để giảm bớt lễ hội, nên chống bệnh hình thức trong lễ hội mới có chiều sâu về văn hóa.
Nên chăng, khoán chi chế độ, bởi khi khoán rồi, cấp cao có thể hưởng nhiều quyền lợi nhưng làm được nhiều cho dân thì không ai phản đối. Thứ hai, khoán về biên chế giúp thủ trưởng quản lý nhân lực tốt hơn.
“Tội này nghiêm trọng hơn cả tham nhũng”
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhắc lại, sự lãng phí thì ai cũng rõ từ hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án bị bỏ hoang, chợ xây xong không ai đến họp, bến cảng làm xong không có tàu đậu; đê kè vừa hoàn thành, ngàn tỉ đồng cũng trôi sông.
“Làm một đồng phá mười đồng, chưa làm được gì đã phá thế thì nghiêm trọng quá”, ĐB Đương lo ngại.
Từ đó, ĐB Đương đề nghị phải đặc biệt chú trọng đến xử lý trách nhiệm người ra quyết định đầu tư gây lãng phí, ra quyết định sai thì phải bồi thường.
Phải bổ sung vào luật Hình sự tội gây lãng phí, bởi tội này nghiêm trọng hơn cả tham nhũng khi tham ô 100 triệu đồng nhưng dự án không hiệu quả, thua lỗ mất cả ngàn tỉ đồng.
ĐB Đương tiếp tục đề nghị, luật cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, vì đây là tấm gương cho cấp dưới noi theo. Căn cứ tùy theo mức độ vi phạm lãng phí trong đơn vị, trước hết là kỷ luật, nếu nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo ĐB Đương, luật phải đưa ra quy định minh bạch trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai... từ mục đích, hiệu quả sử dụng, như vậy sẽ xóa bỏ được cơ hội tham nhũng, lãng phí và tạo điều kiện cho người dân giám sát.
“Các cơ quan cứ đóng kín cửa, dân đứng ngoài thì biết đâu trong đó lãng phí cái gì”, ĐB Đương nói.
Đáng chú ý, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị làm rõ một dạng gây lãng phí rất lớn là việc thành lập các cơ quan tổ chức nhà nước mới khiến ngân sách gánh thêm biên chế như sáp nhập đầu mối bộ nhưng lại đẻ ra rất nhiều tổng cục là lãng phí rất lớn.
Bên cạnh đó là việc ban hành các chính sách kém hiệu quả. “Ngay cả việc ban hành luật của QH, nhiều đạo luật nằm trên giấy không đi vào cuộc sống thì đó cũng là một loại lãng phí”, ĐB Vân thẳng thắn.
Đình chỉ nhà thầu chậm tiến độ Góp ý cho dự thảo luật Đấu thầu tại tổ ngày 6/6, đa số các ĐB đồng tình với dự thảo luật về việc mở rộng ưu đãi để nhà thầu trong nước cạnh tranh được với nhà thầu nước ngoài. Tăng cường chế tài, giám sát kiểm tra để khắc phục tình trạng thông thầu, móc ngoặc, đảm bảo minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) kiến nghị, để khắc phục tình trạng các nhà thầu được chỉ định không đủ khả năng thực hiện cần bổ sung thêm quy định “đối với những gói thầu được chỉ định thầu, nếu nhà thầu thi công chậm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án thì cho phép người có thẩm quyền quyết định chỉ định nhà thầu khác vào thực hiện một phần khối lượng để đẩy nhanh tiến độ của dự án”. |
Chế tài công chức sử dụng tài sản công lãng phí Từ khi về làm Bộ trưởng Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin cũ - NV) tôi là người đã bỏ được chuyện tặng quà ở các lễ mít tinh, kỷ niệm. Mỗi ĐB ra về khi thì cái túi, khi thì cái áo, cái mũ... và trước khi tổ chức các cuộc mít tinh ấy có những đơn vị tài trợ đến đặt vấn đề xin tặng để quảng cáo, cũng có đơn vị gợi ý mua sản phẩm ấy để tặng cho ĐB. Sau tôi thấy từ lãnh đạo cao cấp cho tới các ĐB mỗi người ra về cứ xách một cái túi là vừa văn hóa không được lịch sự, sang trọng gì, thậm chí người nhận cái đó đôi khi về chả dùng vào việc gì cả. Tôi yêu cầu bỏ hết.
Trong phạm vi hẹp hơn, tôi thấy có những việc đáng ra có thể bỏ được để tiết kiệm, ví dụ gắn bông hoa lên ngực ĐB. Mỗi lần dự một hội nghị ngành nào đấy, lĩnh vực nào đó chúng ta lại thấy việc gắn hoa. Bài học kinh nghiệm tôi học từ đồng chí Đỗ Mười (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - NV). Có lần tôi đi dự hội nghị cùng đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy đồng chí không cho lễ tân gắn hoa vào ngực, đến lúc lễ tân thấy bác ấy ngồi ở vị trí quan khách rồi nhưng không thấy gắn hoa lại cử người cầm hoa chạy lên xin bác cho gắn, nhưng bác cũng không cho. Bác bảo tôi là việc này lãng phí lắm chú ạ, không đem lại ý nghĩa gì. Sau đó tôi đề nghị toàn ngành văn hóa - thông tin từ nay trở đi mít tinh, lễ lạt không bao giờ được gắn hoa lên ngực thế nữa. Cho đến ngày hôm nay, tôi cũng triệt để yêu cầu tiết kiệm như thế. Mỗi hội nghị như vậy hàng nghìn người, mỗi bông hoa như vậy hàng nghìn đồng, mà chả để làm gì mà lại làm ô nhiễm môi trường. Hoặc là một việc khác, Nhà hát Lớn từ lúc Bộ Văn hóa quản lý, mỗi lần có sự kiện gì là bắn pháo Trung Quốc, tôi thấy rất rác rưởi, mỗi lần lên sân khấu nó trùm kín cả đầu cả mặt, bám dính vào phông màn trên sân khấu, mình ngồi dưới tự nhiên lại thấy vài sợi từ trên rơi xuống. Từ đó tôi có quy chế yêu cầu tất cả các sự kiện tổ chức ở Nhà hát Lớn không được bắn pháo hoa nữa. Những việc rất là cụ thể như vậy, nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm, từ việc nhỏ thì chúng ta làm được bao nhiêu việc cho xã hội, chưa nói đến việc lớn hơn từ xăng, xe đủ các thứ. Cho nên luật này, nên bổ sung thêm khoản 4 ở phạm vi điều chỉnh là đội ngũ cán bộ công chức viên chức sử dụng tài sản công phải tiết kiệm, sử dụng cho nó nghiêm túc. Chứ như dự thảo thì phạm vi điều chỉnh nó còn rơi vào cái gì rất là chung chung. (Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị) |
Theo Thanhnien