Tặng bố mẹ một đám cưới
Nguyễn Mai (34 tuổi - Hà Nội) nắm chặt tay bạn gái như sợ hạnh phúc mà cô đang có sẽ vuột mất. Cô cho biết, đây mới là cuộc sống mà cô mong đợi, được hít thở, được cười nói, được yêu – những điều mà cuộc hôn nhân cách đây bảy năm không thể mang lại cho cô.
Ảnh minh họa
|
Mai cho biết, bố mẹ cô đều là công chức, cuộc sống tần tảo, vất vả. Ông bà sinh được ba con, hai gái, một trai. Tuy vất vả nhưng ông bà đều gắng nuôi con cái ăn học tử tế, cả ba đều vào đại học, có nghề nghiệp ổn định. Giấc mơ của ông bà chỉ mong được nhìn thấy các con dựng vợ, gả chồng ổn định, có được những đám cưới rình rang để báo cáo cho toàn họ hàng, bạn bè, chòm xóm biết về “tác phẩm hoàn hảo” của mình.
“Nhiều bậc cha mẹ nghĩ một cách đơn giản rằng con mình có bạn trai rồi lấy chồng, vậy là kết thúc êm đẹp, coi như giải quyết được “vấn nạn” nữ yêu nữ. Nhưng hầu hết mọi sự cố gắng đều kết thúc trong bi kịch. Thời xưa cha mẹ hay ép duyên con. Nhưng đối với đồng tính nữ, nhiều người đã phải ép duyên mình vì cha mẹ” - Bà Nguyễn Quỳnh Trang (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE. |
Nhưng ông bà đợi mãi vẫn không có đám cưới xảy ra. Chị gái Mai sau vài lần yêu đương không thành, tuyên bố xanh rờn: “không lấy chồng”. Để bố mẹ khỏi giục giã, sốt ruột, chị chuyển công tác vào Nam, xa hẳn gia đình.
Còn cậu em trai Mai đi làm xây dựng ở xa, bỗng một ngày đẹp trời mang về một đứa con gái xanh rớt, ốm yếu. Nó chỉ nói đơn giản: “Gặp một cô, lỡ có con nhưng hai người không hợp nên mẹ nó trả con lại”.
Bố Mai lên cơn đột quỵ, may mà cấp cứu qua cơn nguy kịch. Mẹ Mai khóc ròng, nhưng lại gắng gượng trở dậy để nuôi cháu. Mẹ Mai thường nhìn cô lẩm bẩm: “Gia đình chỉ còn mày nữa thôi, mày mà cũng méo mó như chị em mày thì bố mẹ không sống nổi”.
“Nhìn bố mẹ, lòng tôi như cái bánh đa để giữa lòng đường đông người qua lại. Tôi lập kế hoạch đám cưới cho đời mình, một đám cưới đủ rình rang, hoành tránh cho bố mẹ vui lòng, coi như món quà báo hiếu. Tôi cũng quyết định chôn vùi bí mật cuộc đời mình trong nước mắt” – Mai kể lại.
Hôn nhân chan nước mắt
“Bởi vì lúc đó, tôi đang yêu một người con gái khác” – Mai kể tiếp. Ngay từ lớp 11, cô đã có rung động đầu đời với một cô bạn cùng lớp. Đương nhiên, lúc đó, cảm xúc nhớ nhung kèm theo những nỗi sợ hãi, thậm chí – Mai còn miệt thị bạn thân vì những cảm xúc “trớ trêu” như vậy. Nhưng sau đó, cô tự tìm hiểu, giao lưu với một số bạn bè cùng khuynh hướng tình dục với mình nên dần dần hiểu ra và chấp nhận bản thân.
“Bố mẹ tôi suốt ngày ra vào thở vắn, than dài, cằn nhằn: “Cả đời đi đám cưới mà mình có ba đứa con mà không được mời đám cưới bao giờ". Tôi sợ tiếng thở dài của bố, nước mắt của mẹ. Nếu mà tôi nói chuyện của tôi ra, bố tôi lại đột quỵ, mẹ tôi tự tử cũng chưa biết chừng” – Mai cho biết.
Vì thế, cô ép mình đi chơi với một người bạn đang bày tỏ ý yêu quý cô. Đó là một người chân thành, Mai cũng rất quý mến. Nhưng đến một nụ hôn cô cũng cảm thấy khó khăn. Cũng không muốn lừa dối bạn mình, cô đành chia tay. Người thứ hai cô “nhắm đến” cô hoàn toàn không có tình cảm. Chỉ đơn giản anh ta là đàn ông.
“Tôi hoàn toàn ép mình, ép 100%. Anh ta hút thuốc lá, sau vài lần đi chơi mà tôi đã phát ốm. Tôi thực sự kinh sợ, chết khiếp, như thể việc hút thuốc rất đáng sợ, hơn là việc anh ta làm đàn ông. Nhưng tôi vẫn cố đến lúc dạm ngõ. Đến trước ngày cưới thì cãi nhau kịch liệt. Thế là chia tay”.
Đến người thứ ba, để tránh “đêm dài lắm mộng”, Mai chọn một người 35 tuổi, đang “mót” lấy vợ. Đám cưới diễn ra chỉ sau một tháng “yêu” nhau. Rình rang, đông vui như bố mẹ cô mong ước. Mai còn chuẩn bị cả một bài phát biểu để bố đọc trong đám cưới. Ông bà hoàn toàn mãn nguyện, sung sướng.
Nhưng chỉ sau đám cưới, chồng cô nhanh chóng nhận ra sự thờ ơ, miễn cưỡng của vợ trên giường ngủ. Lúc đầu, anh ta ghen tuông, tra hỏi cô về tội “tương tư thằng nào”. Anh ta nghi ngờ cả việc cô làm đám cưới quá nhanh, chắc để che dấu quá khứ tội lỗi.
Để trút hận, anh ta uống rượu, đánh vợ rồi lại ép cô ngủ với anh ta, ép cô “làm đi làm lại” cho đến bao giờ anh ta cảm thấy “có tình yêu”. Sợ nhất là sáng hôm sau, anh ta lại tiếp tục đóng vai một người chồng dịu dàng, chu đáo với vợ trước mắt mọi người.
Không chịu nổi, Mai phải ly hôn, trong sự nguyền rủa của chồng, sự trách mắng của bố mẹ. Cô không dám bỏ nhà đi biệt xứ như chị mà chỉ ra ở riêng, lén lút sống gặp gỡ tình yêu của mình. “Điều khó khăn nhất trong cuộc đời này là phải giả vờ yêu thương. Vì thế, hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc, cho dù, trong lòng vẫn có nhiều cay đắng, dằn vặt” – Mai cho biết.
Theo Dân Việt