Kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nề nhất nằm phía Tây TP, ước tính gần 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp (chủ yếu là cư dân lao động nghèo). Sau hàng chục năm bị bỏ quên, bị lấn chiếm xây nhà trái phép, kênh Tân Hóa - Lò Gốm càng ngày càng nhỏ hẹp vì người dân lấn chiếm và ô nhiễm đã đến mức rất nghiêm trọng.
Từ cầu Lò Gốm thuộc quận 6 chạy ngược lên thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình dòng kênh càng nhỏ lại, nước đen và mùi hôi nồng nặc. Đến địa bàn quận Tân Phú, dòng kênh chỉ còn là con lạch nhỏ. Ô nhiễm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với hàng ngàn gia đình sống ven kênh.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm diện tích khoảng 19km² đi qua các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú, có nhiệm vụ tiêu thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa cho toàn bộ lưu vực. Chính vì tầm quan trọng của tuyến kênh này, từ năm 2009, TP đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cấp 2, 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm nước thoát trực tiếp ra kênh.
Ảnh minh hoạ
Việc cải tạo kênh và dọc đường kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc dự án nâng cấp đô thị đi qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú được khởi công tháng 11-2011 với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Khi công trình hoàn thành sẽ giải quyết ngập các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú và cải thiện cuộc sống cho hơn 1 triệu người dân sống dọc tuyến kênh.
Công trình sẽ mở rộng lòng kênh, nắn dòng chảy, lắp đặt cống hộp kín và làm đường dọc hai bên bờ kênh dài gần 12km, nạo vét 400.000m³ bùn, làm 10 cầu, xây dựng 4 khu cảnh quan, hệ thống cống bao, cống nhánh thu gom nước thải dài 8km, một trạm bơm nâng áp và một trạm bơm chuyển tiếp.
Ngoài ra, dự án thành phần số 4 về cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm chủ yếu tập trung vào hạng mục cải tạo 7,4km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, 12km đường được làm mới, trong đó, tuyến đường ven kênh đoạn từ cầu Hòa Bình đến hạ nguồn phía quận 6 có lộ giới từ 6 - 13m; riêng tuyến đường đặt cống hộp có lộ giới 20m. Theo thống kê, 1.630 hộ dân ở các quận 6, 11, Tân Phú phải giải tỏa di dời, trong đó có 715 hộ bị giải tỏa trắng.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM, cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt, đến cuối năm 2014 dự án sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng.
Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống người dân... tại các khu vực liên quan. Ban quản lý đã yêu cầu tư vấn giám sát - Công ty tư vấn CDM - hướng dẫn các nhà thầu thi công rút ngắn tiến độ.
Hiện nay đã vào mùa khô năm 2013, ban quản lý yêu cầu các nhà thầu điều chỉnh kế hoạch thi công, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ thi công xong phần cống hộp để bảo đảm thoát nước cho khu vực, phần đường và cầu sẽ thực hiện trong năm 2014. Như vậy, dự án có thể góp phần chống ngập từ đầu năm 2014.
Để đảm bảo việc dẫn dòng thoát nước đồng thời với việc thi công dự án hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và hạn chế gây ngập lụt ảnh hưởng các khu vực xung quanh dự án, ban quản lý kiến nghị các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp xả rác ra kênh, đặc biệt quan tâm tới khu vực cầu Hòa Bình và cầu Trịnh Đình Thảo để hạn chế việc ngăn dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu.
Theo SGGP