Các nước láng giềng Triều Tiên chuẩn bị quân sự

Thứ tư, 13/02/2013, 15:48
Các nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên đã tăng cường chuẩn bị về quân sự và huy động các nhà khoa học để xác định xem liệu vụ thử nghiệm hạt nhân thứ ba của Triều Tiên có thành công như Bình Nhưỡng khẳng định hay không.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này ngày 13/2 đã sử dụng máy bay và tàu chiến cũng như các chuyên gia để thu thập các mẫu không khí, nhằm phân tích sự nhiễm xạ có thể đã gia tăng do vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết, nhìn chung, các sản phẩm phụ từ địa điểm thử nghiệm của Triều Tiên sẽ mất khoảng hai ngày để bay đến Hàn Quốc.
 
 Các cuộc phản đối đã nổ ra ở Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba

Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định đã triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn có sức mạnh hủy diệt và độ chính xác đẳng cấp thế giới, vốn có khả năng bắn trúng bất cứ mục tiêu nào ở Triều Tiên, vào bất cứ thời điểm nào.

Bên cạnh đó, ngay sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, Nhật Bản đã phái các chiến đấu cơ đi thu thập các mẫu khí quyển. Ngoài ra, Tokyo cũng đã thiết lập các trạm quan sát để thu thập dữ liệu tương tự, trong đó có một trạm trên bờ biển phía Tây Bắc.

Một trong những điểm chủ yếu mà các giới chức tình báo các nước muốn biết là liệu vụ thử hạt nhân ngầm trong lòng đất của Triều Tiên là bom plutoni hoặc là loại bom sử dụng urani được làm giàu cao độ.

Vào các năm 2006 và 2009, dư luận thế giới cho rằng Triều Tiên đã thử nghiệm loại bom plutoni. Thế nhưng, năm 2010, Bình Nhưỡng đã tiết lộ rằng nước này đang cố làm giàu urani, nguồn nguyên liệu thứ hai chế tạo bom hạt nhân, và điều này đã khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.

Sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên lạc ngay với các vị đồng nhiệm ở Seoul, Bắc Kinh và Tokyo.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối quyết liệt vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên nhưng kêu gọi các nước phản ứng bình tĩnh. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã triệu tập đại sứ Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng nhanh chóng chuyển sang kênh đối thoại và đàm phán.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn