Ngại cảnh mưa phùn gió bấc triền miên từ 29 Tết, đến tận mùng 3 gia đình chị Mai (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) mới ra khỏi nhà để đi chúc Tết họ hàng, bạn bè thân thuộc. Trời mưa, rét dai dẳng khiến hai chiếc xe máy đắt tiền trong nhà trở nên kém giá trị vì không thể giúp gia đình 4 người lúc này. Taxi là phương án được chị Mai lựa chọn thay thế để cả nhà cùng di chuyển theo dự định, tránh cảnh mưa, rét.
Nhưng dù đã kiên trì gọi đến tổng đài của hàng chục hãng xe taxi, chị Mai chỉ nhận được những tràng tút dài, báo hiệu máy đầu gọi đến bận hoặc được đáp lời, nhưng chưa thể điều xe. Mất cả buổi sáng đợi chờ không có kết quả, cả nhà đành phân công chồng chị Mai vác ô ra tận ngoài đường đứng... vẫy xe.
Thêm gần 1 tiếng đồng hồ nữa chồng chị Mai mới vẫy được chiếc taxi tư nhân với giá thỏa thuận đắt hơn ngày thường, chứ không tính theo đồng hồ nữa. "Hôm tới, có lẽ cả nhà gia lại di chuyển bằng phương tiện truyền thống - xe máy, dù sẽ bị lạnh, nhưng còn đỡ vất vả hơn cảnh đợi taxi”- chị Mai khẳng định.
Nhiều gia đình vật vã đợi taixi trong mưa, rét. |
Đã có kinh nghiệm “thương đau” từ những dịp Tết trước đây, năm nay gia đình bác Vũ, ở Phương Mai đã hẹn sẵn với lái xe quen, mùng 2 Tết đến đưa gia đình bác về Bắc Ninh ăn Tết. Nhưng từ chiều mùng 1, lái xe đã gọi điện báo có việc bận đột xuất, không thể đến đón như đã hẹn.
Để chữa cháy sự cố, tránh việc phải chờ đợi quá mệt mỏi, ngay từ 5 giờ sáng mùng 2 Tết, trời rét là thế bác Vũ đã tất bật gọi mọi người dậy sớm để chuẩn bị rồi gọi xe với hy vọng không phải mất hàng giờ để chờ xe. Quả thực, vào thời điểm đó, chỉ gọi đến hãng xe thứ hai, gia đình bác đã được đáp ứng nhu cầu. Có điều, khi đã yên vị trên xe, đám cháu của bác Vũ đều lăn ra ngủ vì phải thức dậy quá sớm. Chưa yên tâm với lượt về, bác Vũ còn quyết định sẽ ở quê đến đêm khuya mới dám gọi lại taxi.
“Đi xa ngày Tết phải phụ thuộc vào taxi rất khổ, nhưng chả lẽ lại bỏ cả đống tiền mua một chiếc xe riêng chỉ để đi lại vào những dịp lễ, Tết thế này”- bác Vũ than thở.
Có người nhà ở nước ngoài về chơi và nghỉ lại trên khu vực quận Hoàn Kiếm, nên từ giáp Tết anh Mạnh, ở Quận Hoàng Mai liên tục phải di chuyển bằng taxi để đón đưa khách đi thăm thành phố. “Trước đó thì không sao, nhưng kể từ mùng 1 Tết, rất khó gọi được xe để đưa khách đi chơi Tết. Ngày mùng 2 Tết, đứng mỏi chân mới vẫy được taxi thì vớ phải xe “dù”, tiền cước đắt gấp rưỡi ngày thường mà vẫn phải cắn răng trả.”- anh Mạnh kể.
Không muốn lịch trình di chuyển bị xáo trộn,anh Lê Quý, người thường xuyên về quê trước Tết ở Nam Định đã làm hợp đồng với lái xe taxi từ hôm trước với giá trọn một ngày/đêm là 3.000.000 đồng – mức giá cao hơn hẳn ngày thường. “Ngày Tết muốn lái xe đưa đi phải “lì xì” hậu hĩnh thì họ mới nhiệt tình nếu không, dù có hứa nhưng nhà xe gặp khách “sộp” hơn là họ hủy hẹn ngay”- anh Quý chia sẻ kinh nghiệm.
Theo các hãng taxi, nếu ngày thường xe trên địa bàn thành phố rơi vào cảnh tranh nhau khách, thì đến những ngày lễ, Tết thực trạng cung không đủ cầu lại diễn ra. Chuyện khan hiếm xe trong những ngày Tết như vậy đã được dự đoán trước.
Thêm vào đó, thời tiết dịp Tết năm nay khá bất lợi, mưa rét triền miên nên nhiều gia đình có trẻ nhỏ, người già đều muốn chọn phương án dùng taxi để di chuyển, tránh rét. Lượng khách gọi xe tăng cao đột ngột. Vì thế, kể từ 30 Tết, các hãng taxi lớn, nhỏ đều trong tình trạng "cháy" xe.
Mệt lử nằm trên xe |
Anh Hoài Nam, một lái xe taxi cho biết thêm, vào những ngày nghỉ Tết tâm lý nhiều lái xe cũng mong về nhà vui Tết với gia đình, vì thế khi đến ca trực, nhiều người chỉ chạy xe đủ mức khoán là tắt liên lạc, đưa xe về nhà nghỉ ngơi... Ngoài ra, rất nhiều taxi đã ký hợp đồng chở khách đi xa cả ngày nên lượng xe chạy trong nội thành cũng giảm hẳn.
Trong khi đó, nhu cầu khách sử dụng phương tiện lại tăng mạnh. Vì vậy, những ngày Tết cũng là "cơ hội vàng" để taxi "dù" mặc sức bắt chẹt khách. Những loại xe này có đặc điểm không cần tổng đài, đồng hồ tính tiền, đo cây số không kẹp chì và chạy nhanh bất thường nên cước phí thường đắt gấp rưỡi, gấp đôi xe chính hãng.
Do khan hiếm taxi, xe buýt trở thành phương tiện du xuân của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi. Đứng đợi xe buýt ở gần trường Đại học Hà Nội, vợ chồng ông bà Nhã, tập thể Đại học Hà Nội, vui vẻ cho biết:
"Thời buổi kinh tế khó khăn, năm nay vợ chồng tôi quyết không phụ thuộc vào taxi. Dự định về Gia Lâm, thì chỉ cần di chuyển bằng 2 chặng xe buýt là tới nơi. Ngày Tết, đường phố rộng thênh thang, xe lại vắng người nên chỉ một chốc là tới nơi. Hai người chỉ mất hơn chục nghìn tiền đi lại so với hơn 200 nghìn phải trả cho taxi, đã tiết kiệm được khoản không nhỏ lại đỡ bực mình"- bà Nhã vui vẻ.
Theo Dantri