Lì xì Tết - Bài 1: Hờn tủi vì chiếc phong bao lì xì

Thứ ba, 12/02/2013, 12:23
Trẻ vô tư săm soi từng phong bao mừng tuổi ngay trước mặt khách, vô tư buông những lời nhận xét khiến người lớn phải “tái mặt”.

Con trẻ chưa biết nghĩ?

Cẩn thận “kiểm” đi kiểm lại những phong bao mừng tuổi cho con cháu trong dịp Tết này, chị Hoàng Thị Mai – KĐT Linh Đàm, Hà Nội thở dài vì đếm sơ sơ cũng “đi” ngót nghét khoản thưởng Tết mấy triệu vào mục lì xì Tết.

“Tiền mất mà có khi tật lại mang, mất rông đầu năm không biết chừng!” – chị Mai ngán ngẩm nói.

Nhớ lại năm ngoái khi lần đầu về quê nhà chồng chúc Tết với cương vị nàng dâu trưởng, chị đã tê mặt vì đứa cháu – con của em gái chồng ngang nhiên “chê” tiền mừng tuổi của chị trước đông đủ cả nhà.

“Sau bữa cơm, mình hí hửng rút phong bao đưa cho mấy đứa nhỏ. Hai “thằng cu” nhanh nhảu vồ lấy, rút tiền ra rồi một đứa bỗng hét ầm lên: 50 nghìn thôi á? Thế mà mẹ bảo bác trưởng “sộp” lắm!” – chị kể.

Lì xì Tết
Ảnh minh họa

Biết rằng trẻ con nói mà không nghĩ, nhưng chị vẫn sượng sùng không biết xử trí thế nào. Buổi trò chuyện bỗng trở nên gượng gạo, dù cô em chồng vội vã xin lỗi, bố mẹ chồng chị cũng nửa đùa nửa thật trò chuyện át đi.

Còn chị Hoàng Quyên (Nghĩa Tân, HN) thì thấm thía cái “tiếng” keo kiệt mà đứa cháu họ đã sỗ sàng nói ngay trước mặt chị hồi Tết trước: “Vì ở với bố mẹ chồng nên tôi “nhường” trọng trách lì xì cho ông bà, chỉ mừng tuổi con cái bạn bè, con “sếp” của hai vợ chồng thôi. Nhưng hôm ấy vui chuyện thế nào, tôi lại cao hứng rút tờ 10 nghìn mừng tuổi thêm cho con gái của đứa em họ.

Không ngờ đứa bé 6 tuổi, mới trước đó líu lô rất ngoan ngoãn bỗng bĩu môi mè nheo: “Bác keo thế, tờ này cháu chẳng thích đâu” khiến tôi được phen bẽ mặt!”.

Không ít đứa trẻ, dù chẳng nói ra những sẵn sàng tỏ thái độ khi không hài lòng với số tiền lì xì nhận được. Có bé vừa được trao tay phong bao đã tỏ vẻ khó chịu, phụng phịu khi đếm tiền mà không thấy nhiều như ý! Những tình huống tréo ngoe này khiến người lớn cũng phát sợ đến toát mồ hôi khi nghĩ đến phong tục mừng tuổi đầu năm.

Người lớn cũng “hờn tủi” vì cái phong bao

Vì những chuyện bên lề nhưng không hề vụn vặt này, chiếc phong bao lì xì, lẽ ra phải là niềm vui đã hóa nỗi lo ngày Tết. Càng buồn hơn, khi người lớn cũng để tâm so đo, hờn tủi khiến chuyện trẻ con không còn “trẻ con” nữa.

Chị Lương Thị Hiền – quê Bắc Ninh ấm ức kể, nhiều năm nay, bố mẹ chồng chị thường xuyên có sự phân biệt khi mừng tuổi cháu con. Vì điều này nên Tết năm nào các con chị cũng tiu nghỉu, còn chị thì lạnh lòng. Dù chị đã không ít lần bóng gió nói với mẹ chồng nhưng bà không thay đổi, mà góp ý thẳng thắn thì chị không biết phải nói như thế nào?

“Vợ chồng tôi ở với ông bà, nên theo lệ, cứ sáng mùng Một là bà “mở hàng” cho hai cháu. Đến trưa, vợ chồng bác cả từ quê về, bà lại mở hàng cho con hai bác. Sáng mùng 2 khi gia đình chị gái về thăm thì đến lượt các con chị. Nhưng các cụ không mừng tuổi đều, mà có sự phân biệt rõ, các cháu nhà tôi lúc nào cũng được ít hơn.

Có năm, ông bà lấy tiền lẻ, cũ để mừng tuổi cho hai cháu, trong khi dành tiền mới mừng tuổi cho các anh chị. Trẻ con cũng biết nghĩ, hai cháu có thắc mắc thì bà thẽ thọt bảo “chúng nó ở xa, còn chúng mày ở với ông bà, ngày thường cũng được”! Nói là nói thế, rõ ràng là bên trọng, bên khinh!” – chị Hiền giãi bày.

Lì xì Tết
Người lớn đôi khi cũng hờn tủi vì chiếc phong bao... (Ảnh minh họa)

Cùng suy nghĩ này nhưng chị Lưu Thị Hạnh (Bắc Giang) lại khó chịu với anh chị chồng vì lẽ khác. Nhiều lần chị Hạnh quan sát thấy các bác sẵn sàng mừng tuổi cả trăm nghìn, thậm chí vài trăm cho con của bạn bè, khách khứa đến nhà, nhưng thường chỉ mừng tuổi cho các con mình vài chục nghìn đồng. Do vậy, chị tủi thân cho rằng nhà mình bị anh chị “khinh khổ”, coi nhẹ.

Lúc không nhịn được, chị đã căn vặn chồng: “Mình quê mùa thật, nhưng thiếu vài chục của bác, các con không chết đói, chết khát. Các bác cả năm không cho cháu được manh quần tấm áo, về quê “phát vốn” vài chục nghìn đã nghĩ là to lắm!”

Dù chồng chị đã gạt đi song chị Hạnh cứ bị ý nghĩ này bám riết đến nỗi, chị quyết phải làm gì khiến anh chị chồng “biết mặt”. Vậy là trong ngày Tết, chị cố tình đợi hai bác mừng tuổi cho con mình xong như mọi năm mới rút tiền “phát vốn” cho con hai bác, số tiền nhiều gấp rưỡi gấp đôi!

Thế mới hay, chỉ vì chuyện “đồng bé – đồng to” xung quanh cái phong bao lì xì mà nảy sinh những cuộc chiến âm thầm nhưng gay gắt ngay ngày đầu năm mới trong các gia đình Việt.

(Còn nữa)

Theo VNN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn