Các "nhà tiên tri" dự báo kinh tế VN 2013 thế nào?

Thứ hai, 11/02/2013, 17:19
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2013 sẽ tốt hơn so với năm 2012 nhưng những ý kiến khác lại nhìn nhận ngược lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Chính phủ trình và được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua. Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2013 được xác định là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

 chiem tinh

Những chỉ tiêu về phát triển kinh tế là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,5% được Quốc hội đề ra cho năm 2013, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu này hoàn toàn có tính khả thi. Sang năm 2013, tình hình kinh tế khu vực và thế giới có nhiều dấu hiệu chuyển biến hơn năm 2012.

Nếu Chính phủ quyết liệt thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, các ngành đặt lợi ích toàn bộ nền kinh tế lên trên lợi ích ngành mình; phối hợp chính sách đồng bộ; khu vực doanh nghiệp tính đúng các loại chi phí sản xuất thì mục tiêu lạm phát dưới 8% là hoàn toàn khả thi cho dù có thể có một số yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

 chiem tinh

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 là hợp lý với điều kiện thực tế của năm 2013. Tiềm năng cơ bản của Việt Nam còn cao hơn, nhưng GDP chịu nhiều tác động từ bên cung, bên cầu của nền kinh tế. Việt Nam đang kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, xây dựng nền tảng vững chắc hơn, mục tiêu đó phải xuyên suốt trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính tỏ ra bi quan khi nhận định về sự chuyển động của nền kinh tế vào cuối năm nay. Thậm chí nhiều quan điểm cho rằng tình hình có thể xấu đến hết năm 2013.
Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM, Lê Đạt Chí cho rằng, với bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi và nguồn lực giới hạn của Việt Nam như hiện nay thì không thể mong đợi kinh tế khởi sắc, càng không thể mơ về gói kích thích kinh tế.
Chuyên gia kinh tế này dự báo, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thời điểm này chỉ để thăm dò hơn là đổ tiền vào đầu tư. Tâm điểm của Việt Nam trong thời gian tới là xử lý nợ và đối mặt với giảm phát. Ông cho rằng giảm phát có 9 giai đoạn và nguy hiểm hơn lạm phát rất nhiều. Việt Nam đang lún sâu vào giai đoạn thứ hai của quá trình này, nợ quá nhiều và hạn chế cho vay thêm.
Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: "Năm nay rất khó dự báo. Nền kinh tế đang điều hành không dừng lại ở việc bấm nút để tăng giảm nhiệt độ nữa. Những gì diễn ra cho thấy kinh tế đòi hỏi những giải pháp vượt tầm kiểm soát thông thường".
chiem tinh

 Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng năm 2012 là giai đoạn kinh tế Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa bệnh.

Theo ông Hiển, năm 2012 là giai đoạn Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa bệnh. Nhiều khả năng giai đoạn 2013-2015, Chính phủ có thể chọn mô hình kinh tế bền vững, kiểm soát cẩn thận dòng tiền chảy ra thị trường. Chính sách này sẽ gây sức ép không nhỏ đến bất động sản và giá vàng.

Chuyên gia này dự báo, xu thế thoái vốn của công ty có cổ phần nhà nước trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường buộc phải tiếp nhận một nguồn cung khá lớn nhưng đây không phải là tín hiệu xấu.

Trái lại, doanh nghiệp tư nhân 100% còn có cơ hội sàng lọc, tìm kiếm động lực phát triển. Chính thị trường sẽ đo lường giá trị của nguồn cung, công ty tốt sẽ được mua, công ty yếu buộc phải chết, theo đúng quy luật chung của thị trường.

Năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn và nguy cơ lạm phát cao hơn 2012. Theo quan điểm của TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam, thì không cần, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao, mà Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên dồn sức cho nhiệm vụ tái lập ổn định vĩ mô; phải dành nhiều nguồn lực cho các đột phá tái cơ cấu, không thể chỉ dành cho tăng trưởng như các năm trước.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 có thể và nên chỉ đặt ở mức 3-4% và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng”,  ông Thiên nhấn mạnh.

Ngay từ bây giờ, theo TS Trần Đình Thiên, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung giải tỏa các “cục máu đông”: nợ xấu và tồn kho.

Nhìn nhận dưới quan điểm một "nhà tiên tri", nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương cho biết, năm 2013, có 1 ngôi sao được gọi là Ngũ Hoàng nằm ở trung tâm địa cầu. Đây là 1 trong 2 ngôi sao xấu nhất trong Huyền Không Lạc Việt.

Vì vậy, nhà nghiên cứu dự đoán: Do sao Nhất Bạch quản trung cung nên vào nửa đầu năm, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam có khởi sắc.

Từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch sẽ có những dấu hiệu tốt do một số nước tung những gói cứu trợ cho nền kinh tế của mình và sự thương lượng về nợ xấu của các quốc gia được giúp đỡ để vượt qua khó khăn ban đầu. Từ cuối tháng 3 đến hết tháng 6, nhiều quốc gia chủ chốt có vẻ như ổn định được về mặt kinh tế và hứa hẹn phát triển.

chiem tinh

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Có thể nói, nửa cuối năm Quý Tỵ là thời kỳ ảm đạm của nền kinh tế thế giới từ trước đến nay. Những doanh nghiệp bậc thấp và bậc trung tiếp tục phá sản. Giá vàng thế giới có xu hướng tăng, nền kinh tế tiếp tục suy thoái nặng, bất động sản cuối năm chết hẳn.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xem năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp nên cần tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.

Một trong những vấn đề tạo động lực phát triển kinh tế trong năm 2013 là cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sử dụng công nghệ; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hiệu quả của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) khẳng định.

Mục tiêu năm 2013, với chỉ tiêu chủ yếu là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, là một kỳ vọng theo hai ý nghĩa: kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nếu mục tiêu đó thực hiện được; nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc “thoát đáy vượt dốc đi lên” sẽ khó đạt được.

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2013 của các tổ chức và chuyên gia trong nước và nước ngoài

1. Vào tháng 10/2012, tại buổi họp báo công bố báo cáo triển vọng Phát triển châu Á 2012,  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức khoảng 5,7%, lạm phát trung bình 9,4%, cao hơn so với năm 2012 (năm 2012 lần lượt là 5,4% và 9,1%), bởi giá lương thực toàn cầu tăng cao, lượng cầu trong nước tăng và chính sách tài khóa có thể được nới lỏng.

2. Báo cáo hàng quý về kinh tế châu Á (Asian Economics Quarterly) của HSBC đánh giá năm 2013 có thể sẽ là một năm khó khăn nữa đối với kinh tế Việt Nam. Vì thế, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam còn 5,3% trong năm 2013 từ mức dự báo 5,8% trước đó. Về lạm phát, HSBC cho rằng, xu hướng tăng của lạm phát sẽ duy trì trong năm sau, đạt mức bình quân tháng 12,6% vào quý 3 trước khi giảm xuống mức 11% trong quý 4/2013.

3. Tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức tháng 11/2012 nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2013, mặc dù những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2012 có thể sẽ kéo sang năm 2013 nhưng mức độ tác động tới tăng trưởng không lớn, đồng thời khuyến nghị xem năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp để tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.

4. WB tiếp tục công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013 sẽ là khoảng 5,7%.

5. IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ phục hồi cùng mức như năm 2011 (là 5,9%), cao hơn so với các con số dự báo của ADB và WB. Một điểm đáng lưu ý, IMF tỏ ra khá lạc quan về chỉ số lạm phát của Việt Nam trong vòng hai năm tới, thậm chí chỉ còn 6,2%.

6. Riêng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đưa ra 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam:

- Kịch bản 1 (tăng trưởng thấp) nếu tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,8%, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 5%.

- Kịch bản 2 (tăng trưởng trung bình) nếu tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,3%, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 5,68%.

- Kịch bản 3 (tăng trưởng cao) nếu tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,6%, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,34%.

Trong đó, kịch bản 2 được Nhóm nghiên cứu coi là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn