Nhật Bản sẽ xuất khẩu vũ khí trở lại?

Thứ hai, 11/02/2013, 10:26
Nhật Bản đang có những dấu hiệu cho thấy nước này sẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đưa ra từ năm 1967.

Hợp tác phát triển vũ khí với Anh

Gần 5 thập kỷ kể từ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được Nhật đưa ra từ năm 1967, nước này đang dần quay trở lại thị trường. Gần đây nhất, Nhật Bản đang thương thảo với Anh về một chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển vũ khí.

Theo Giám đốc văn phòng công nghệ tại Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Satoshi Tsuzukibashi, London đã đề nghị Tokyo một hợp đồng hợp tác về 6 dự án nghiên cứu và phát triển vũ khí.

Trả lời phỏng vấn trang Defence News, ông Tsuzukibashi cho hay Nhật đang xây dựng khuôn khổ cho phép 2 nước Anh và Nhật có thể làm việc với nhau.

“Có thể cần vài tháng trước khi được công bố chính thức, nhưng tôi nghĩ Nhật và Anh sẽ thông báo một số thông tin về sự hợp tác giữa 2 nước. Về phía mình, Nhật có những ý tưởng riêng nhưng điều cần thiết nhất là xây dựng một khuôn khổ và cách thực hiện điều đó”, ông Tsuzukibashi nói.

Nhat Ban

Nhật có thể hợp tác với Anh để chế tạo vũ khí.

Ông Tsuzukibashi cũng có mặt trong chuyến viếng thăm Anh kéo dài 1 tuần cuả những đại diện đến từ 17 nhà thầu quốc phòng hàng đầu Nhật Bản. Ông Tsuzukibashi cho hay ông không được tiết lộ bất cứ thông tin cụ thể nào về 6 dự án nhưng chính phủ Nhật Bản có thể sẽ đề xuất khuôn khổ cho hợp tác sau khi thảo luận với Văn phòng Thương Mại và Đầu Tư Quốc Phòng An Ninh của Anh cũng như các bên liên quan.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cũng từ chối bình luận chi tiết về vấn đề này. “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận với các quan chức Nhật về một loạt các cơ hội tiềm năng cho hợp tác giữa các tập đoàn quốc phòng. Chúng tôi đang rất quan tâm để thực hiện công việc nay, những tập đoàn của chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Vì lý do thương mại, thời điểm này chưa phù hợp để tiết lộ chi tiết các dự án”, ông này nói.

Động thái này là kết quả hữu hình đầu tiên của thỏa thuận liên chính phủ được ký vào tháng 4/2012 giữa Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng nhiệm Nhật Bản Yoshihiko Noda về tương lai quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng và nghiên cứu giữa hai nước.

Xuất khẩu linh kiện F-35?

Các phương tiện truyền thông địa phương trước đó cũng đưa tin về việc Nhật đang xem xét việc xuất khẩu các bộ phận F-35 được nước này sản xuất.

Theo thỏa thuận mua 42 chiếc F-35 được ký hồi tháng 12/2011 giữa Nhật và Mỹ, Nhật sẽ sản xuất một số bộ phận F-35 trong nước.

Cũng trong tháng 12/2011, Nhật bỏ lệnh cấm phát triển và sản xuất trang thiết bị quốc phòng với nước ngoài mà Mỹ là ngoại lệ với hi vọng kích thích các công ty công nghiệp quốc phòng được bảo hộ và không có tính cạnh tranh trong nước vốn được sử dụng để sản xuất một phần nhỏ trang thiết bị cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

Nhat Ban

Nhật sẽ xuất khẩu linh kiện F-35?

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn duy trì những hạn chế nghiêm ngặt bao gồm một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí khi việc này có thể gây xung đột quốc tế cũng như duy trì kiểm soát chặt chẽ hơn việc chuyển giao những phần sản xuất cho nước thứ ba.

Theo ông Tsuzukibashi, nếu như Nhật Bản đang cân nhắc việc xuất khẩu một phần F-35 như truyền thông nước này đưa tin, tin tức này báo trước sự sẵn sàng mới của chính phủ Nhật Bản về việc xuất khẩu vũ khí.

Nhiều người Nhật vẫn cho rằng việc xuất khẩu linh kiện F-35 được sản xuất ở Nhật đến các nước tham gia dự án F-35 như Israel là vi phạm nguyên tắc xuất khẩu.

“Nếu tin tức trên là sự thật, đấy thực sự là một thay đổi lớn nhưng chúng tôi vẫn cần phải tìm xem những gì cần làm với Israel cũng như các nước thứ 3 khác”, ông Tsuzukibashi nói.

Thông tin này được đưa ra sau một cam kết của chính phủ Nhật lúc đó do đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nhằm khuyến khích mua bán và phát triển vũ khí nhằm lấy lại vị trí dẫn đầu trên thị trường vũ khí của Nhật.

Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng các công ty quốc phòng Nhật Bản đều quá nhỏ và thiếu tính cạnh tranh để có thể thành công trên thị trường quốc tế. Nhưng với nền tảng công nghệ cao cũng như sự thành thạo trong sản xuất, Nhật có nhiều cơ sở để tham gia hợp tác nghiên cứu và phát triển vũ khí chung với các đối tác nước ngoài.

Ông Narushige Michishita – giám đốc Chương trình Nghiên cứu An Ninh Quốc Tế tại viện Nghiên cứu Chính sách của Nhật Bản cho hay quốc gia này có 3 khu vực tiềm năng để tập trung: hợp tác nghiên cứu và phát triển, cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trợ cấp việc bán trang thiết bị cho các đối tượng khách hàng quen thuộc. Nhiều khả năng, Nhật Bản sẽ tập trung vào lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và phát triển.

Đông Nam Á: Thị trường tiềm năng

Một trong những thị trường tiềm năng là Đông Nam Á. Tháng 7/2012, Nhật bán 12 tàu tuần tra cho lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines.

Nhật đang thực hiện nhiều hành động ngoại giao nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác giữa Nhật và các nước Đông Nam Á.

Một loạt các chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện bao gồm chuyến thăm của thủ tướng Abe tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đầu tháng 2/2013, chuyến thăm của Phó thủ tướng, bộ trưởng bộ Tài chính Taro Aso tới Myanmar và chuyến thăm của Ngoại trưởng Fumio Kishida tới Australia, Brunei, Singapore và Philippines.

“Chúng tôi có khả năng sản xuất các linh kiện chất lượng cao cũng như một số hệ thống vũ khí nhỏ. Đây không phải là việc bán vũ khí vào thị trường quốc tế. Chúng tôi bắt đầu với những sản phẩm như tàu tuần tra, áo phao, thiết bị bảo vệ và hệ thống vũ khí tự vệ. Sẽ phải mất nhiều thời gian để chúng tôi có thể thực hiện các hợp đồng lớn hơn tàu tuần tra”, ông Michishita nói.

Nhat Ban

Nhật khởi động việc xuất khẩu vũ khí mở đầu ở Đông Nam Á.

Giáo sư Yuzo Murayama tại Đại học Doshinsha và cũng là chuyên gia trong ngành sản xuất quốc phòng Nhật Bản cho hay việc vực dậy ngành quốc phòng Nhật Bản sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cần một chiến lược lâu dài về hợp tác phát triển quốc tế cũng như chiến lược xuất khẩu.

“Nhật có khả năng xuất khẩu các công nghệ quốc phòng nhưng vấn đề là các cơ sở sản xuất quốc phòng không phải là mục tiêu trung và dài hạn cho ông Able. Mục tiêu ưu tiên của ông Abe là Okinawa, Trung Quốc và Triều Tiên. Mặc dù ông Abe nhận ra sự cần thiết về việc thay đổi các nguyên tắc về cơ sở sản xuất quốc phòng nhưng ông cũng cần nhiều thời gian để giải quyết vấn đề khi đây không phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu”, ông Murayama nhận xét.

Một quan chức quốc phòng Nhật Bản nhận định, mặc dù Đông Nam Á là thị trường tiềm năng lớn cho Nhật, Tokyo sẽ có những bước đi thận trọng nhằm tránh gây thái độ thù địch với Trung Quốc vốn đang sợ bị cô lập và bao vây.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn