Vô tửu bất thành lễ?
Mặc dù biết rõ tác hại của việc uống rượu vô tội vạ nhưng nhiều người, nhất là một bộ phận thanh và trung niên vẫn mượn các bữa tiệc tất niên hoặc dịp đầu năm để thể hiện mình hoặc thỏa cơn thèm. Lý do mà nhiều người đưa ra khi bị khuyên ngăn thường là “khai xuân mà không có rượu còn gì là ý nghĩa” hay “ngày Tết không phải đi làm cứ cháy hết mình”…Cứ thế cả người mời, người uống cứ hết chai này lại tiếp chai khác.
Trao đổi với PV,tiến sĩ xã hội học Nguyễn An Lịch cho rằng, quan niệm và cách uống rượu của người Việt ngày nay, nhất là một bộ phận giới trẻ đã bị lệch chuẩn. Mở nút chai rượu không phải để lấy tiếng vang, uống chén rượu không phải để cho thơm miệng, mang may mắn cho cả một năm mới mà uống vì sĩ diện, để thỏa cơn thèm.
“Truyền thống của dân tộc ta từ xưa là trong thời khắc đầu tiên của năm mới, các nhà thường quây quần sum họp rồi mở nút sâm panh để có tiếng vang hoặc rót những li rượu nhỏ để nâng cốc, nhấp môi cho thơm miệng và chúc nhau năm mới sức khỏe. Thế nhưng, quan niệm ấy bây giờ đã lệch lạc đi nhiều nên mới dẫn đến tình trạng uống lấy được, xô bồ, vô tội vạ”, ông Lịch phân tích.
Ngày Tết cũng có thể dùng trà thay rượu. Ảnh minh họa |
Cũng theo ông Lịch, uống rượu ngày Tết không phải là xấu nhưng phải uống có chừng mực và không nên gượng ép kể cả người mời và người uống. Ngày Tết khách đến nhà cũng không nhất thiết phải mời rượu mà có thể dùng trà, ăn cái kẹo, cái bánh miễn là chủ nhà và khách đều vui vẻ và tạo được không khí của ngày xuân.
Theo đó, một số người lạm dụng việc mời rượu, chúc rượu để thể hiện độ ngông hay có ý đồ trong trao đổi công việc với đối tác thì đều không phù hợp với văn hóa dân tộc, là lệch chuẩn.
Đồng quan điểm, Phó giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng, thói quen uống rượu, mời rượu ngày Tết khó bỏ và cũng không nên bỏ vì nó cũng là nét văn hóa của người Việt từ xưa đến nay.
Thế nhưng, việc uống hay không là do người được mời, nếu không uống được hoặc cảm thấy không uống được nữa thì nên khéo léo từ chối chứ không nên cố uống vì nể nang hay sĩ diện. Người mời cũng không nên bắt ép khách khi họ không thể hoặc không muốn uống.
Ông Cương cũng phản bác lối suy nghĩ của một số người khi cho rằng bàn công việc trên bàn rượu sẽ tiến triển tốt hơn bởi đây là cách làm nguy hiểm, không trong sáng.
“Bàn công việc, nhất là lúc ký kết hợp đồng rất cần sự tỉnh táo vậy mà lại diễn ra trên bàn rượu thì e rằng không ổn. Những kẻ này chắc hẳn có ý đồ lợi dụng, lừa đảo để tư lợi. Ly rượu chỉ phù hợp ở màn chào hỏi hoặc khi mọi chuyện ký kết đã hoàn tất”, ông Cương nói.
Không thể cấm uống rượu
Theo các nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục, điểm bất ổn trong việc uống rượu ngày nay là tình trạng uống vô tội vạ dẫn đến mất kiểm soát trong ăn nói, nhất là không an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc. Tuy vậy, không thể có một quy định cấm uống rượu mà chỉ nên khuyến cáo, giáo dục để mọi người có ý thức khi uống rượu.
“Rượu cũng là một thứ đòi hỏi của cơ thể và cần thiết trong giao tiếp. Vì thế, không thể yêu cầu mọi người bỏ rượu như thuốc lá được và cũng chưa nghe ai nói, vẽ hình ảnh uống rượu có hại cho sức khỏe cả mà chỉ khuyến cáo không nên uống nhiều và uống như thế nào, ở thời điểm nào cho thích hợp”, Phó giáo sư Văn Như Cương nói.
Theo đó, ông Cương cho rằng, những người có thói quen uống bia rượu buổi trưa thì nên bỏ vì nó sẽ ảnh hưởng đến năng suất công việc làm buổi chiều. Đặc biệt, cần hạn chế tuyệt đối tình trạng sử dụng rượu bia trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Mọi người có thể uống rượu vào buổi tối nhưng phải có chừng mực, giới hạn để không xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.
Nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn An Lịch thì cho rằng, một bộ phận công chức, sinh viên đang lợi dụng bia rượu để trốn làm, trốn học. Do đó, cần phải khắc phục tình trạng này, tránh để kéo dài có hại đến lối sống của thanh niên, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, việc uống rượu thuộc về văn hóa tinh thần nên muốn thay đổi, hạn chế tình trạng uống rượu nhiều, bừa bãi thì phải tác động đến nhận thức của con người chứ không thể dùng các quy định cấm. Tất cả những văn bản đó đều vô hiệu hóa nếu nhận thức, ý thức của con người không thay đổi.
Theo Kienthuc