Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 9/2 đưa tin, Washington vừa công bố một bản báo cáo cho hay Biển Đông có tiềm năng rất lớn về nguồn nhiên liệu dầu khí, đặc biệt là khu vực đang có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia.
Theo Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông hiện có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Dàn khoan, tàu khai thác dầu khí Trung Quốc kéo ra Biển Đông. Ảnh: Vượng báo Đài Loan |
Mỹ cũng trích dẫn một báo cáo của công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hồi tháng 11 năm ngoái cho hay, Biển Đông có khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trong số các nguồn tài nguyên chưa khám phá ở Biển Đông, tuy nhiên các nghiên cứu bổ sung của các tổ chức độc lập khác không xác nhận con số này.
Ngoài dầu khí, Biển Đông còn là một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và tấp nập trải dài từ eo biển Malacca ở phía Tây Nam cho tới eo biển Đài Loan ở phía Đông Bắc. Đây là nơi có nguồn tài nguyên phong phú và có tầm quan trọng chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng.
Báo cáo của EIA cũng cho biết lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở các nước châu Á tăng 3,9% mỗi năm và dự kiến sẽ tăng từ 10% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của thế giới năm 2008 lên 19% vào năm 2035.
Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 43% trong số tăng trưởng này, đặc biệt là với mục tiêu đầy tham vọng tăng tỷ lệ dự trữ khí đốt thiên nhiên từ 3% đến 10% vào năm 2020.
Quần đảo Trường Sa là nơi được cho là có trữ lượng khí đốt khoảng 100 tỷ feet khối, nhưng không có số liệu nào chứng minh trước đó. Tuy nhiên theo số liệu khảo sát của ngành địa chất Mỹ, khu vực này ước tính có khoảng 2,5 tỉ thùng dầu và 25,5 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên chưa được khám phá.
Bản báo cáo của EIA cũng cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết các nguồn tài nguyên dầu khí Biển Đông tập trung ở khu vực Bãi Cỏ Rong, phía Đông quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), nơi cả Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV) hầu như không phát hiện thấy khả năng có dầu mỏ hoặc khí đốt.
Biển Đông được cho là có trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào hơn dầu khí nên các công ty khai thác sẽ phải xây dựng hệ thống ống dưới biển khá đắt tiền để có thể thu được lượng khí đốt dồi dào này.
Theo Phunutoday