GS Nguyễn Đăng Hưng - Ảnh: Trung Hiếu |
Năm 1981, chính phủ Bỉ có chính sách đưa những chuyên gia đầu ngành sang giúp đỡ, giảng dạy ở Công Gô - một đất nước xa xôi nằm ở châu Phi và từng là thuộc địa của Bỉ.
Thời điểm này, GS Hưng đang giảng dạy ở Trường đại học Liège (Bỉ) và ông là một trong những người đầu tiên xung phong đến Công Gô. Tại đây, GS Hưng được bố trí công tác ở thủ đô Kinshasa và giảng dạy tại trường đại học lớn nhất đất nước này.
“Tôi được sắp xếp ở trong làng đại học, tại một ngôi biệt thự hơn 5.000 m2 với rất nhiều cây trái của một giáo sư chuyên ngành vạn vật học. Công Gô có khí hậu nhiệt đới nên trong vườn có đủ loại trái cây tương tự Việt Nam như mít, xoài, ổi… Điều này làm tôi rất thích thú dù rằng điều kiện sống ở đây lúc đó có phần gian khổ", GS Hưng nhớ lại.
GS Nguyễn Đăng Hưng với học trò ngày ở Công Gô - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tuy nhiên, điều mà GS Hưng rất ngạc nhiên và vui mừng là tại đất nước Công Gô xa xôi này, ông được gặp nhiều trí thức Việt Nam đang làm việc tại đây. Cũng như ông, họ đều là những chuyên gia giỏi đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Thụy Sĩ… được “biệt phái” sang giúp đỡ đất nước này.
Những chuyên gia Việt Nam làm việc tại Công Gô dù đến từ nhiều nước và có chuyên ngành khác nhau, nhưng vì cùng xuất thân từ “con Lạc cháu Hồng”, nên họ nhanh chóng kết thân với nhau. Cuối tuần hay tới kỳ nghỉ, các gia đình tụ tập lại với nhau để các bà vợ trổ tài nấu nướng.
GS Hưng kể: “Nhóm chuyên gia người Việt tại Công Gô có gần 10 gia đình. Điểm chung là các bà vợ đều yêu thích nấu nướng. Đây chính là lợi thế để chúng tôi ấp ủ tổ chức một cái tết Việt Nam ở đất nước Công Gô”.
Rồi dịp tết âm lịch cũng đến. Sau khi bàn bạc, các gia đình thống nhất sẽ tổ chức một cái tết thật tươm tất, đậm đà bản sắc tết Việt.
GS Nguyễn Đăng Hưng với sinh viên Công Gô - Ảnh: GS Hưng cung cấp |
Mỗi gia đình đến từ các miền khác nhau nên các bà vợ được giao chọn ra những món đặc sắc nhất vùng miền mình.
Bánh tổ được giao cho vợ ông giáo sư chuyên ngành giao thông đến từ Pháp. Bánh chưng, thịt đông giao cho vợ ông giáo sư ngành lâm nghiệp đến từ Mỹ. Món thịt kho trứng được cô giáo Pháp văn đến từ Rạch Giá (Kiên Giang) và vợ GS Hưng lo liệu…
Buổi tiệc ấm cúng dịp tết năm ấy, theo GS Hưng, có khoảng 200 khách tham gia. Nhóm chuyên gia người Việt đã mời rất nhiều bạn bè Công Gô, bạn bè các nước đang làm việc tại Công Gô và các sứ quán có cùng tết âm lịch với Việt Nam như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc…
“Tôi lên sân khấu vừa đàn guitar vừa hát, rồi cùng với mấy chuyên gia người Việt đọc thơ, viết câu đối tặng bàn bè ngoại quốc. Ai cũng thích, đặc biệt là những món ăn cổ truyền của Việt Nam”, GS Hưng nhớ lại.
“Cái tết Công Gô” năm đó ấn tượng đến nỗi những năm sau, khi GS Hưng vẫn còn công tác tại Công Gô, mỗi khi đến dịp tết âm lịch Việt Nam, bạn bè nước ngoài lại “nhắc nhở” ông phải tổ chức tết để họ sống lại khung cảnh gia đình đầm ấm rất đặc trưng của người Việt.
“Sau cái tết năm 1981, chúng tôi còn tổ chức thêm hai cái tết với bánh chưng, dưa đỏ tại Công Gô. Ai đó nói đất nước Công Gô không có tết. Riêng tôi sẽ không bao giờ quên được những cái tết đầm ấm ở đất nước Công Gô xa xôi", GS Hưng nói.
Chiều một ngày cuối năm, tại nhà riêng của mình ở Việt Nam, GS Hưng vẫn còn đong đầy cảm xúc khi lần giở cuốn album ảnh cho PV xem về các bức ảnh những năm tháng ông sống ở Công Gô.
Điều đáng trân trọng của vị GS với hơn 50 năm bôn ba nơi xứ người này, dù sống ở đâu, thì tết Việt là dịp để ông giới thiệu bản sắc, cội nguồn và văn hóa truyền thống Việt Nam cho bạn bè khắp năm châu.
Theo Thanhnien