Tết miệt vườn

Thứ bảy, 09/02/2013, 16:56
Người dân miền Tây Nam bộ đón Tết sau mùa thu hoạch lúa, trái cây. Ở những miền quê, mùa xuân dẫu không thiếu trăm hoa khoe sắc nhưng người ta chỉ thật sự cảm nhận không khí tết qua mùi rơm rạ nồng ấm theo những cơn gió xuân tràn về.

Từ ngày 23 tháng Chạp, nông thôn rộn ràng hẳn lên, người ta tranh thủ tát mương, chụp đìa, dỡ chà để bắt cá... làm thức ăn dự trữ trong ba ngày Tết.

Tết ở nông thôn miền Tây không thể thiếu bánh tét. Hầu như nhà nào cũng phải có một nồi bánh tét trước đêm giao thừa.

Dù có bận bịu đến đâu, người dân ở quê cũng tự tay làm bánh tét chứ tuyệt đối không mua sẵn ngoài chợ. Nhà nào đông con cháu thì làm riêng một nồi.

Những gia đình ít người thì hùn gạo nếp, đậu xanh, thịt, mỡ, lá chuối… cùng gói, cùng hấp chung một nồi sau đó chia ra. Trong lúc gói, của người nào thì làm dấu nhận dạng riêng.
 
 
Nấu bánh tét là điều không thể thiếu trong cái tết của người miền Tây
 
Trong cái không khí lành lạnh, người người quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran suốt đêm vui hơn cả 3 ngày Tết.

Người miền Tây ăn bánh tét với thịt kho tàu. Nồi thịt có đến hơn chục quả trứng vịt, ăn kèm với dưa giá, dưa cải, dưa hành, dưa kiệu…

Để đỡ ngán, ngày Tết người dân đồng bằng Nam Bộ thường có món cá lóc hấp hay nướng trui, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn. Lớp thanh niên lo chuẩn bị loại rượu hảo hạng, thường là rượu gạo ngon để nhâm nhi với các đặc sản miệt vườn.

Ngày 30 Tết là thời khắc đặc biệt quan trọng đối với người miền Tây. Lúc này, mọi nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà về chung vui với con cháu trong 3 ngày Tết. Tối 30, bầu trời miền sông nước đen như mực, trên các kênh rạch xuồng máy lũ lượt ngược xuôi để kịp về nhà đón giao thừa.

Trong gia đình, người lớn bên tách trà thơm, chờ giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, ánh đèn lung linh huyền ảo. Mâm ngũ quả sặc sỡ, đủ các sản vật của miệt vườn ít có nơi nào bì kịp. Trên bàn thờ được điểm thêm hai trái dưa hấu lớn đặt bên bộ đèn lồng. Chậu mai vàng đặt trước bàn thờ đã bắt đầu nở nụ xinh tươi. Người chủ gia đình thành kính cúng giao thừa.
 
 
Dĩa bánh tét thơm ngon ngày Tết

Từ giao thừa trở đi, người ta kiêng cữ nhiều việc: Không cãi vã lớn tiếng, không động đất, không quét nhà, xách nước…

Nam Bộ có phong tục “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Cứ thế gia đình nào cũng đưa con cháu về quê nội, rồi sau đó mới về quê ngoại…

Với quan niệm người chết cũng trang hoàng nhà cửa đón Tết như người sống nên ngoài dịp tảo mộ vào ngày Thanh Minh, người dân miền Tây Nam bộ cũng tảo mộ vào những ngày giáp Tết.

Trong cái se lạnh của đất trời đang chuyển mình vào xuân, người lớn dắt theo một đàn con cháu thật sum vầy để đi tảo mộ.

Trong ánh nắng chan hoà đầu xuân, mọi người chia nhau nhổ cỏ, quét dọn, lau chùi, sơn phết các phần mộ cho thật tinh tươm. Dịp này, người lớn chỉ từng ngôi mộ của tổ tiên, kể lại việc tốt của họ làm lúc sinh thời để con cháu noi gương.
 
 
Theo NLĐ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích