Người Sài Gòn mài dao đón Tết

Thứ bảy, 09/02/2013, 15:31
Với quan niệm, đầu năm có con dao sắc trong nhà thì cả năm làm ăn sẽ may mắn, thuận lợi. Vì vậy những ngày giáp Tết này, nhiều người Sài Gòn đua mài dao kéo.

Mài dao đón Tết

Tại các con hẻm của Sài Gòn trong những ngày cận Tết này thường vang lên tiếng rao “Ai dao kéo đây, dao kéo đây”. Tuy tiếng rao không vang và có phần lọt thỏm giữa hẻm nhỏ nhưng cũng đủ để những bà, những cô ngồi ngoài ngõ chạy tới chỗ người mài dao và chìa ra nào dao, nào kéo cũ để thuê thợ mài.

Bà Năm, 62 tuổi, ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức vừa gọi thợ mài dao vừa xởi lời: “Đợi mãi mấy ngày nay rồi mới thấy chú qua đây, đang có mấy con dao cùn chờ chú nè. Nhớ mài cho nó sắc lẹm tí nha, để cả năm ăn nên làm ra chớ”.

Anh thợ màu còn khá trẻ gật đầu rồi bắt tay ngay vào việc. Với đồ nghề khá đơn giản, chỉ một bàn mài cùng vài viên đá mài, một chậu nước nhỏ, câu gọt và máy quay. Sau khoảng 20 phút tỉ mỉ và cẩn thận, 4 chiếc dao đã được anh thợ mài sắc lẹm và thu về 20.000 đồng. Bà Năm nhìn con dao rất ưng ý và “bo” thêm cho anh thợ 50.000 đồng.

Chia sẻ thêm về nghề này, anh thợ cho biết, người dân Quảng Ngãi quê anh vào đây làm nghề mài dao kéo nhiều lắm và tập trung nhiều nhất là ở Q.Thủ Đức. Nghề thì làm quanh năm ngày tháng nhưng “đắt hàng” nhất phải tính từ tháng Chạp trở đi vì khi ấy, người dân đua nhau mài dao kéo lấy hên.

Lúc này, cả ngày anh có thể kiếm được vài chục khách, với giá dao nhỏ chừng 4.000 – 5.000 đồng/chiếc, dao lớn chừng 7.000 – 8.000 đồng/chiếc, còn những dao, kéo bị hoen gỉ nhiều và sứt cán thì cỡ chừng 10.000 – 12.000 đồng/chiếc. Nhưng, thu nhập thêm chủ yếu là được khách “bo” mừng Tết.

mai dao

Chiếc dao đã được mài bóng loáng và sắc lẹm. Ảnh TN

Nhộn nhịp không kém phải kể đến phố chuyên mài dao kéo nằm trên đường Triệu Quang Phục (Q.5), với khoảng 30 cửa hàng lớn nhỏ của cả người Hoa và người Việt. Chủ cửa tiệm mài kim loại Đỗ Trọng Xuân, nằm trên đường này cho hay, chủ yếu làm cho những mối quen là các hàng quán, cứ 1 tuần cửa hàng lại nhận được một số lượng lớn dao cỡ lớn như dao chặt xương, băm thịt gửi đến.

Cũng có những mối quen là các gia đình cứ “dăm bữa nửa tháng” lại đến mài dao, kéo một lần. Riêng, giáp Tết, nhiều người không phải là mối quen nhưng được giới thiệu cũng kéo đến khá đông.

Gian nan nghề mài dao

Những người đến mài dao khi nhận lại vật dụng của mình thường rất ưng ý, nhưng không ai nghĩ nghề mài dao cũng gian nan đủ đường, tưởng dễ mà lại khó. Chủ cửa hàng mài dao kéo tên Thuyền tại đường Triệu Quang Phục nói: “Gia đình tôi theo nghề được hơn 10 năm rồi. Nghề này cũng kén người lắm.

Phải có sự kiên nhẫn mới có thể bám nghề và lên tay nhanh được. Nếu không sẽ bị dao cứa cho chảy máu, đứt tay liên tục. Hồi tôi mới vào nghề, mài xong một con dao cũng loay hoay hơn chục phút, bị dao cứa giờ còn đầy sẹo ở tay. Nhưng đến giờ thì mọi thứ đều thành thạo, chỉ cần chưa đầy 5 phút, tôi có thể mài xong một con dao”.

Vất vả hơn phải kể đến những thợ mài dao lưu động, chạy con xe máy hay xe đạp cà tàng, đi hết ngõ này đến phố kia để rao… mài dao. “Cực nhất là những ngày trời mưa gió, đi rạc cả cẳng mà chẳng có ai gọi dừng lại. Hy vọng, Tết này sẽ làm ăn khấm khá hơn để có tiền gửi về quê cho mấy mẹ con nó ở nhà ăn Tết, Tết này tôi không về”, anh Sơn, một thợ mài lưu động tâm sự.

mai dao

Để mài được một chiếc dao sắc, người thợ phải hết sức kiên nhẫn. Ảnh TN

Anh Sơn cho biết thêm, mài dao có rất nhiều công đoạn, tùy vào từng loại dao mỏng hay dày mà có cách mài khác nhau, nhưng cơ bản bước một vẫn là gọt 2 mép dao, rồi mài lại cho sắc bén. Đặc biệt, phải căn cứ vào chất thép của dao để mài đúng mực.

Mài sắc ngọt thôi chưa đủ mà phải mài sao cho dao lâu bị cùn. Anh bật mí thêm, không nên hơ dao trên lò lửa hoặc phơi nắng gắt để tránh dao bị mềm và rất dễ bị gỉ. Các gia đình muốn tự mài dao lấy cũng không nên liếc dao trên nền xi măng bởi làm vậy dao sẽ bị nóng lên, dễ cong và bị gỉ.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn