Chuyện thần rắn ở suối Cá Thần

Thứ ba, 12/02/2013, 10:40
Thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nổi tiếng vì có suối Cá Thần. Nơi đây còn có huyền tích về một vị "Thần rắn" đã cứu nhân độ thế cho người dân nơi này...

Và chính những chú cá thần này là quân hầu hạ "ngài rắn" khi ngài hy sinh để bảo vệ dân chúng, là cách để ngài tiếp tục bảo vệ, giúp đỡ họ khi ngài hóa về trời.

Theo tài liệu của xã Lương Ngọc và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, câu chuyện về "Thần rắn" và suối Cá Thần được chép như sau: Năm ấy thời tiết khô hạn, mất mùa, dân tình đói khổ, có một đôi vợ chồng hiếm muộn trong bản ra suối mò cua, bắt ốc mưu sinh. Trong lúc xúc cua, ốc họ xúc được một quả trứng to như trứng ngỗng, thấy lạ họ bèn vứt quả trứng ra xa, nhưng khi sang con suối khác, họ vẫn xúc được quả trứng đó. Lấy làm lạ, hai vợ chồng nghĩ đây là điềm lành, sẵn ở nhà có ổ gà đang ấp, họ đem về cho ấp.

Du khách thập phương ngạc nhiên, thích thú với những chú cá thần, được cho là "quân" của thần rắn.

Vài ngày sau, quả trứng "lạ" này nở ra một chú rắn con. Hoảng sợ, hai vợ chồng vội vã đưa ra con suối nọ thả. Nhưng cứ đêm đến rắn lại về quấn mình lên xà nhà ngủ, nên hai vợ chồng đành để rắn sống chung như một thành viên trong gia đình. Lạ thay, kể từ đó mùa màng, cây cối của người dân luôn tốt tươi, được mùa, nhà nhà no ấm, và vì vậy mà rắn đã được mọi người tôn kính, coi như vị cứu tinh của bản làng.

Bỗng một đêm, khi cả bản đang ngủ say thì trời nổi cơn dông tố, sấm chớp đùng đùng, sáng mai thức dậy dân làng bàng hoàng, tiếc thương khi thấy xác rắn nằm dưới chân núi Trường Sinh.

Tiếc thương chàng rắn, bà con đem chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ đặt tên là Ngọc Từ. Trước đêm làm lễ tế, dân trong bản được thần báo mộng rằng, rắn chết là do quyết chiến với thủy quái đến quấy phá bản làng. Kể từ đó, dưới con suối nhỏ ở chân núi Trường Sinh bỗng xuất hiện đàn cá rất kỳ lạ, với môi đỏ, có râu, tai có viền đỏ như đeo vòng tai, đuôi, vây đều có viền đỏ, xanh, khi bơi cứ lấp lánh ánh bạc trông rất đẹp mắt. Theo mộng báo, thì đây là những quân lính hóa cá để hầu hạ thần cá. Vì vậy người dân nơi đây gọi là… cá thần.

Bà Bùi Thị Sáng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương cho hay: "Cứ vào ngày mồng 8 tháng Giêng là dân làng lại tổ chức Lễ hội Khai Hạ cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và cảm ơn thần rắn. Cũng nhờ có suối Cá Thần mà Cẩm Lương đã thoát ra khỏi xã 135 và hiện là một trong những xã khá của huyện!".

Theo Danviet

Các tin cũ hơn