Khép kín đường vành đai 2
Đường vành đai 2 dài khoảng 70 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành tuyến đường vòng quanh TP.HCM.
Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra trục giao thông ở các cửa ngõ, hạn chế phương tiện vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc cho thành phố. Tuyến đường còn có điểm giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đường vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đến Gò Dưa (thuộc đường vành đai 2) sau 6 năm thi công vẫn chưa hoàn thành. |
Tuy nhiên, đến nay dự án trọng điểm này vẫn còn "hở" 2 đoạn gồm đoạn thuộc đường Hồ Ngọc Lãm (huyện Bình Chánh) và đoạn từ cầu Phú Mỹ đến Gò Dưa (khởi công từ năm 2006). Ngành giao thông thành phố cũng đã nhiều lần đặt mục tiêu phải "khép kín" cho được tuyến đường này nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài
Dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đi qua 4 quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức. Đây là tuyến huyết mạch của TP.HCM vì khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề như Bình Dương, Đồng Nai, góp phần giảm ùn tắc.
Đây là tuyến đường nằm trong hệ thống giao thông vành đai của TP.HCM với tổng chiều dài 13,7 km chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD do tập đoàn GS (Engineering Contruction - Hàn Quốc làm chủ đầu tư) được khởi công vào tháng 6/2008. Dự kiến, toàn tuyến sẽ hoàn thành cuối năm 2012. Tuy nhiên do vướng mặt bằng, đến nay dự án vẫn còn dang dở.
Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai ngoài dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thể thông xe |
Cuối năm 2012, UBND TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thành xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu để đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2013.
Nhiều cầu vượt thép mới
Xây dựng cầu vượt thép tại những nút giao thông thường xuyên bị kẹt xe đang được xem là giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm ùn tắc.
Sau khi những cầu vượt thép đầu tiên tại TP.HCM là Hàng Xanh và Thủ Đức được thông xe, 2 điểm "nóng" kẹt xe ở cửa ngõ thành phố đã giảm đi nhiều. Nhiều người hy vọng trong năm nay, TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều cầu vượt tại các điểm khác để người dân đỡ khổ vì kẹt xe.
Sau khi cầu vượt thép tại Hàng Xanh được thông xe, tình hình ùn tắc tại điểm "nóng" này đã được cải thiện. |
Tại hội nghị tổng kết năm an toàn giao thông 2012, ngành giao thông TP cho biết đã có kế hoạch thực hiện tiếp thêm nhiều cầu vượt thép để giảm ùn tắc. Theo đó trong tháng 2 sẽ khởi công cầu vượt tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), kế tiếp là cầu vượt thép ở các khu vực bùng binh Cây Gõ (quận 11), Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai - Thành Thái (quận 10), Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình)...
Cầu Kinh Thanh Đa
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được nối với trung tâm thành phố bằng một cây cầu duy nhất là cầu Kinh. Cầu này được xây dựng trước năm 1975 và mang tính dã chiến, bán vĩnh cửu, chỉ dài hơn 85 m, chịu được tải trọng 15 tấn. Nước chảy dưới dạ cầu luôn xiết và do khoảng không thông thuyền quá thấp và hẹp nên tàu thuyền qua đây luôn bị đẩy, va đập vào trụ cầu dẫn tới chìm ghe, vỡ tàu...
Tháng 1/2011, cầu Kinh mới dài 325 m, rộng 21 m, khoang thông thuyền rộng 20 m, tĩnh không 3,5 m được khởi công xây ngay bên cạnh để thay thế cầu cũ. Dự án có tổng số vốn hơn 430 tỷ đồng nhằm góp phần cải thiện giao thông khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế cho bán đảo Thanh Đa.
Tuy nhiên, do quận Bình Thạnh chậm bàn giao mặt bằng nên dự án đã không thể hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2012 như dự kiến. Trong năm nay, ngành giao thông thành phố sẽ phải đẩy nhanh tiến độ để thông xe 1 nhánh cầu, phá dở cầu cũ và tiếp tục xây dựng giai đoạn 2.
Tỉnh lộ 10 thời gian qua là nỗi ám ảnh của người dân và được mệnh danh là "con đường đau khổ". |
Tỉnh lộ 10
Dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 dài 8,2 km, có tổng mức đầu tư 922 tỷ đồng đi qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân (TP.HCM). Công trình được khởi công từ đầu năm 2009, với hai đoạn: liên tỉnh lộ 10A từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng, giáp ranh tỉnh Long An và đoạn liên tỉnh lộ 10B nằm trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Đây được xem là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) với các Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM) để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 11/2009, đoạn liên tỉnh lộ 10A sẽ phải hoàn thành việc mở rộng, đoạn liên tỉnh lộ 10B sẽ hoàn thành vào tháng 3/2010. Thế nhưng, suốt thời gian qua, Tỉnh lộ 10 vẫn ngổn ngang, nhếch nhác với những chiếc bẫy rình rập gây nguy hiểm cho người dân, hàng loạt vụ tai nạn chết người đã xảy ra trên đoạn đường này.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, ngành giao thông vận tải thành phố đặt mục tiêu trong năm 2013 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng cho được tuyến đường này.
Theo VNE