Người sống ở chung với người chết giữa Sài Gòn

Thứ năm, 01/08/2013, 16:07
“Xóm nghĩa địa” (hay còn gọi là xóm Gò Mả) là một khu nghĩa địa nằm dọc theo dòng kênh Rạch Lào, thuộc khu phố 4, phường 15, quận 8, TPHCM. Khoảng 40 năm về trước, những người vô gia cư lục đục kéo nhau về đây sinh sống, dựng nhà sát cạnh những ngôi mộ tạo nên một cảnh tượng hỗn tạp “người sống ở chung với người chết”, khiến người lạ lỡ bước chân vào đây không khỏi rùng mình.

Sống chung với mồ mả

Địa bàn phường 15 có tất cả 8 nghĩa địa, trong đó khu vực nghĩa địa thuộc khu phố 4 là có đông dân nhập cư đến sinh sống nhất. Nơi đây có 24 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu, tất cả đều trong diện nghèo, không có việc làm ổn định.

Con hẻm trải bêtông vào xóm ngoằn ngoèo, rộng vừa đủ hai chiếc xe máy tránh nhau. Ngoài mấy người ở phường thi thoảng vào xóm vận động cho con em đi học thì chẳng ai vào đây làm gì. Trong khu đất rộng khoảng 300m2, những ngôi mộ nối dài bao quanh những căn nhà lụp xụp.

Bên hông những ngôi mộ, người lớn ngồi hóng mát, nói chuyện, một nhóm xúm lại đánh bài. Mấy đứa trẻ tung tăng đùa giỡn, đuổi bắt, leo trèo lên các nấm mồ. Phía trên các ngôi mộ, quần áo phơi giăng giăng. Chó, mèo, gà nuôi thả rông, phóng uế bừa bãi.

song chung

Cảnh ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt của dân xóm Gò Mả bên các nấm mồ.

Theo lời kể của chú Cao Vân Thanh (55 tuổi, ngụ hơn 20 năm nay tại xóm Gò Mả) thì ngày xưa nơi đây là cù lao, kênh rạch bao quanh. Đất đai ở đây là của nhà nước, không của riêng ai. Rồi có ông Sáu Chỉ (hiện đã chết, đang chôn cất ngay tại xóm Gò Mả này) về đây khai hoang, sống một mình trên vùng đất hoang sơ này.

Mấy hộ dân xung quanh khi có người chết mang ra đây chôn lén. Cứ như vậy, sau này nơi đây hình thành nghĩa trang. Rồi người dân tứ xứ rủ nhau về đây “an cư lạc nghiệp”. Người thì ở quận 4, quận 6 chuyển tới, kẻ thì ở tít miền Tây rủ nhau về dựng nhà sống. Nhà thì lụp xụp dựng tạm bằng vài tấm tôn, nhà thì nhỏ hẹp với bốn bức tường bao bằng gạch không lớp vôi trát. Hiện tại người dân trong xóm đang sống chung với gần 200 ngôi mộ.

song chung

song chung

Cảnh ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt của dân xóm Gò Mả bên các nấm mồ.

Chú Thanh hiện sống cùng vợ trong ngôi nhà gạch rộng chừng 9m2, trước cửa có một ngôi mộ lớn “án ngữ”. Mấy năm trước chú làm nghề bốc xếp, giờ có tuổi nên chuyển sang bán vé số. Ngày bán 100 tờ thì được 115 ngàn, trừ tiền ăn uống đi còn được 70 ngàn.

“Ngày trước ở đây ngập dữ lắm, triều cường lên chỉ biết trèo lên giường, nhà nào có gác thì leo lên gác. Từ năm 2011, Nhà nước có chủ trương nâng đường, đặt cống, người dân cũng góp mỗi hộ 300 nghìn làm nền ximăng nên giờ không bị ngập nữa” - chú Thanh kể.

Là dân nhập cư, số người có hộ khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà ở đây một phần có sổ đỏ, một phần không có. Nhà nào không có giấy tờ nhà thì dựng lều bằng vài tấm tôn ở tạm hàng chục năm nay. Hiện tại, những hộ dân tại xóm Gò Mả đã có nước máy sinh hoạt, nhưng hơn 20 phải hộ dùng chung một đồng hồ nước, cuối tháng chia đầu nhà trả tiền.

Ngôi nhà của chị Cao Thu Hà nằm sâu trong xóm, sát bờ kênh Rạch Lào. Chị chuyển từ Q.4 qua đây năm 1996, dùng tôn dựng tạm căn nhà lụp xụp, hễ có cơn gió lớn thổi là cả ngôi nhà lại rung rinh, lúc nào cũng thấp thỏm lo nhà sập. Gần 20 năm qua, vợ chồng chị cùng hai con vẫn sống trong căn nhà tạm bợ ấy.

Nhà không chỉ sát các ngôi mộ mà còn nằm bên bãi rác nên rất ô nhiễm, đường bêtông không tới, trời mưa xung quanh sình lầy. “Nhà thì không có giấy tờ gì hết, chỉ có mỗi giấy tạm trú tạm vắng. Giờ cứ ở đây được ngày nào hay ngày đó, nếu giải tỏa thì mình đi, không thì cứ ở hoài vậy, tiền bạc đâu mà đi nơi khác cơ chứ” - chị Hà nói.

song chung

Trẻ em vô tư vui chơi bên những nấm mồ.

song chung

Bé Ngô Thị Kim Thủy bị mắc bệnh, phải truyền nhiều hóa chất nên bị phù da.

Giặc dốt, bệnh tật bủa vây xóm nghèo

Dân ở xóm Gò Mả đa phần là dân nhập cư, thất học, chủ yếu kiếm sống bằng nghề bốc vác, phụ hồ, buôn bán nhỏ lẻ và giũ bụi (giặt giũ bao bì) - một nghề đã gắn liền hàng chục năm với người dân nơi đây: Họ nhận các loại bao bì như bao ximăng, bao cát, đá, bao gạo, bột mì... về sơ chế, làm sạch rồi bán.

Nghề này tuy không nặng nhọc, nhưng lúc nào cũng phải sống chung với bụi bẩn và nắng nóng. Hiện nay, thợ giặt giũ bao bì giải nghệ dần do khan hiếm hàng và tiền công bèo bọt. Người nào chăm chỉ lắm thì kiếm được 70-80 nghìn đồng/ngày, người vừa làm vừa chơi thì chỉ đủ tiền uống càphê.

Hầu hết những người làm nghề giặt  giũ bao bì đều mắc vài thứ bệnh mạn tính như viêm mũi, viêm phổi.  Bà Nguyễn Thị Tư - đã 40 năm làm giũ bụi - cho biết: “Độc hại thì rõ rồi. Đến cây cối xung quanh còn chẳng lớn nổi, cứ èo uột huống gì con người. Những bệnh thường như ho, sổ mũi, hắt xì thì thường xuyên. Ai làm lâu năm đều bị hen suyễn, viêm phổi, ho lao”.

Một số đứa trẻ xóm Gò Mả cũng mắc hen suyễn, bại não, thận... Mới 8 tuổi, bé Ngô Thị Kim Thủy đã mang hàng loạt bệnh nan y, từ phù nề, gút, thận, đến tim. Suốt ngày Thuỷ chỉ chạy nhảy quanh quẩn bên những ngôi mộ cũ bám đầy rêu phong, ai nhìn cũng tưởng mập mạp, khỏe mạnh, nhưng đó là do truyền nhiều hóa chất nên bị phù.

Người lớn suốt ngày “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” vẫn túng quẫn, nên nhiều gia đình phải cho con em nghỉ học đi bán vé số, lượm ve chai kiếm kế sinh nhai. Tại xóm Gò Mả, người học cao nhất cũng chỉ hết lớp 11. Cháu Vinh - 7 tuổi, con lớn của chị Kiều trong xóm Gò Mả - hằng ngày phải đi nhặt ve chai.

“Lúc thằng Vinh lên 6, cũng có người vào động viên cho nó đi học. Nhưng chỉ riêng tiền sách vở, học phí, tiền cơ sở vật chất nữa cũng ngót gần triệu bạc. Muốn cho con biết đọc, biết viết, nhưng cơm không đủ ăn thì nói học làm gì!” - chị Kiều chua chát nói.

Chị Cao Thu Hà có con trai năm nay 20 tuổi đang học dở lớp bổ túc văn hóa thì nghỉ, mấy ngày nay kiếm việc làm mà không nơi nào nhận.

“Giờ cho nó đi kiếm việc làm lo cho gia đình, chứ đi học lấy gì ăn. Mà tôi có cho học nó cũng không chịu học. Nó nói trước nhất là đi làm kiếm tiền lo cho cha mẹ đã. Sức khỏe nó thì yếu, làm đủ việc nhưng chỉ được mấy ngày rồi nghỉ vì không làm nổi” – chị Hà kể.

Ước mơ thoát khỏi kiếp nghèo

Anh Trần Văn Ngọc - quê Tiền Giang, lên sinh sống tại xóm Gò Mả đã hơn 10 năm nay - chia sẻ: “Mảnh đất ở Gò Mả này là của ông bà để lại cho mình, nhưng không có giấy tờ gì hết”. Trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 12m2, anh Ngọc sống với vợ và đứa con nhỏ. Anh đi làm ca đêm từ 24h đêm đến 7h sáng, vợ ở nhà chăm con.

Anh cho hay: “Mấy ngày đầu mới về thì đứa con nhỏ cũng ốm đau suốt, như là bị “quở trách”, nhưng sau đó mình cũng cúng viếng đàng hoàng, rồi dần dần cũng quen. Nghe nói trong năm nay các ngôi mộ sẽ được di dời nên cũng mong là sẽ có một nơi sống tốt hơn. Chứ giờ mà đi cũng chẳng biết đi đâu, thôi thì hy sinh đời bố củng cố đời con vậy”.

Cùng quan điểm, chị Hà nói: “Đời cha mẹ đã chịu khổ rồi nên không thể để đời con cũng khổ như mình được. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm lụng, tích cóp, vay mượn tiền cất một căn nhà ở cho đàng hoàng. Sau đó sẽ cho con đi học lấy một nghề nào đó, có như vậy thì mới mong  đổi đời được”.

Ước mơ của bé Ngô Thị Kim Thủy thì thật đơn giản: “Em mong muốn mình hết bệnh và có thể đi học trở lại, để sau này trở thành bác sĩ giỏi chữa bệnh cho những người bệnh như em. Nhưng nhà em nghèo lắm".

Những hộ dân ở đây cho biết từ năm 2012 đã có thông báo của phường là nội trong năm 2013 sẽ di dời mộ đi nơi khác. Tháng trước cũng có mấy người bên thị trấn tới đo đạc và cũng nói trong năm 2013 sẽ di dời nhưng không nói rõ ngày nào.

“Chúng tôi đã chờ ngày di dời mồ mả nơi này đi nơi khác lâu lắm rồi. Sắp tới, chúng tôi sẽ được sống trong môi trường tốt hơn, trẻ em có chỗ vui chơi, sẽ không phải sống chung với người chết nữa” - một người sống trong xóm Gò Mả nói đầy hy vọng.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn