Xóm tạm cư sống chung với chuột ở Sài Gòn

Thứ hai, 03/12/2012, 17:02
Từ khi khu đô thị mới Thủ Thiêm được thực hiện, các hộ dân hiện hữu trong phạm vi quy hoạch bị di dời, giải tỏa. Nhưng đến nay tại khu vực ven sông Sài Gòn thuộc P.An Khánh, Q.2 vẫn còn nhiều nhà chưa di dời đi mà sống bấu víu, tạm bợ trong những căn nhà rách nát, tồi tàn, ẩm thấp.

Những ngôi chòi bên sông
 
Đến khu vực chân cầu Thủ Thiêm (phía Q.2) hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà lụp xụp, rách nát nằm bên mép sông Sài Gòn, và lọt thỏm trong vùng đầm lầy cây cối um tùm, hoang vắng.

Gọi là nhà cho dễ nghe nhưng thực chất chỉ là những dãy chòi tạm bợ được dựng lên bằng vật liệu bỏ đi, chắp vá, lắp ghép với nhau từ những tấm tôn cũ, rách, gỗ, bạt, áo mưa phủ lẫn lộn với nhau.

 

 

 

 

Xóm tạm cư biệt lập ven sông Sài Gòn

Dẫn tôi vào căn nhà ven đường tại đây, bà Ngô Thị Mỹ Lệ (52 tuổi) cho biết gia đình bà đã sống từ nhiều năm nay. Căn nhà bà được quây bằng bạt và đủ thứ vật liệu che trên mái và vách. Có những chỗ mái nhà chỉ cao hơn 1m, để mái nhà khỏi bị gió tốc, bà kè bằng nhiều cây và vỏ xe bên trên.

Mặc dù nhà có diện tích gần 100m2 nhưng do thấp, lại được bài trí rườm rà bằng đủ thứ vật liệu nên nhìn không giống như nhà để ở.

Chỉ có dưới nền nhìn khá chắc chắn vì được lát bằng gạch, nhưng do nước thường xuyên ngập nên phải phải kê những tấm ván lên cao hơn 20cm để đi lại, tránh bị ướt. Còn chỗ ngủ được kê cao hơn nền nhà gần 0,5m.

Bà Lệ cho biết, cứ mỗi lần triều cường lên là bị ngập. Nước ngập lâu đến nỗi những tấm gỗ làm tường nhà đều bị mục nát.

 
Không riêng gì nhà bà Lệ, nhiều căn nhà khác trong khu vực này cũng đều ẩm thấp, lụp xụp và che chắn tạm bợ bằng các loại vật liệu mà người khác đã bỏ đi như bàn gỗ, tủ gỗ, hoặc những mảnh tôn mục… Có những ngôi chòi rách nát, xuống cấp trầm trọng nên đứng bên ngoài cũng có thể nhìn xuyên thấu hết bên trong.

Ông Lê Ngọc Tư (48 tuổi) cho biết sống trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng do cuộc sống tạm bợ nên hầu như không ai chú trọng đến việc sửa sang nhà cửa vì khu vực bị giải tỏa, có xin phép sửa chữa cũng không được nên mạnh ai nấy tự chắp vá lấy nhà cửa của mình, lủng tới đâu thì vá tới đó.

 
Làm bạn với chuộtrắnmuỗi,…
 
Theo ông Lê Ngọc Tư, sinh hoạt người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, bởi ngoài việc thường xuyên sống chung với ngập, còn đối mặt với các vấn nạn khác. Các cư dân ở đây sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài và phải “làm bạn” với muỗi,rắnchuột.

“Khoảng 5 giờ chiều, chú ghé đây đi rồi sẽ thấy cảnh 
muỗi nhiều như thế nào. Cứ vào chập tối là muỗi bay khắp nơi, nhang muỗi đốt đỏ nhà cũng không xi nhê gì”, ông Tư nói.

Người dân trong khu vực cho biết thêm, lâu lắm rồi tại đây không được xịt thuốc chồng 
muỗi. Khu vực lại ven sông, ẩm thấp nên muỗi càng lúc càng đông. Vì vậy khoảng 8 - 9 giờ tối là phải chui vô mùng ngủ.
 
Ngoài ra người dân cũng rất khốn khổ với nạn chuột, bởi chuột ở đây cũng nhiều vô số kể, “quân số chuột đông gấp nhiều lần người”. Chúng vô tư vào nhà tìm kiếm thức ăn, cắn phá đồ đạc, thậm chí có người đang ngủ cũng bị cắn vào chân, trán. Ban đầu chuột còn sợ người nhưng bây giờ rất dạn, đuổi cũng không đi.
 
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, điều đáng sợ nhất của người dân nơi đây không phải là chuột, muỗi mà chính là rắn. Nhiều nhà dân bị rắn “ghé thăm” không chỉ một lần.

Anh Toàn, một người dân sống lâu năm tại đây cho biết, nhà anh nằm sâu bên trong rừng dừa nước, cây cỏ um tùm nên bị 
rắn bò vào nhà nhiều lần.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, anh đã đập chết ít nhất 4 con 
rắn độc. Có lần vừa bước vào nhà anh thất kinh khi thấy con rắn hổ hành to bằng cổ tay đang bò trên sàn, sau khi định thần và đi tìm cây quay lại thì nó bò đi mất.
 

 

 

 

"Nhà" được dựng bằng tre, bao tải, ván mục...

 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích