Kỷ luật sắt nhưng phải thực hiện với tinh thần tự giác

Thứ hai, 03/12/2012, 17:08
 "Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 không chỉ có phê và tự phê bình mà phải đấu tranh có lý có tình, để tất cả cùng tiến, chứ không phải cốt kỷ luật nhiều. Trước hết là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn. Cái nhân văn của Nghị quyết là như thế, tư tưởng của Bác Hồ cũng là thế".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại cuộc tiếp xúc giữa ĐBQH và cử tri cuối tuần qua tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ).
 
Mài sắc thanh gươm chống tham nhũng
 
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều bày tỏ sự phấn khởi về những thành công của Kỳ họp thứ 4, đồng thời đặc biệt quan tâm tới việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, thông qua Nghị quyết về bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm...

Theo các cử tri, đây là một việc làm, một bước triển khai cụ thể trong tổng thể các giải pháp về xây dựng Đảng, nếu làm tốt, làm đúng chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến. Tuy nhiên, các cử tri vẫn bày tỏ những lo lắng về tình trạng tham nhũng, an toàn thủy điện Sông Tranh 2, nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng và các tập đoàn; băn khoăn về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 vì ở một số nơi, cấp còn hình thức, báo cáo chung chung.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri
quận Ba Đình.Ảnh: Bá Hoạt
 
Cử tri Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông) thẳng thắn: Tham nhũng đã nhờn luật, cần mài sắc thanh kiếm hơn nữa. Nhân dân mong muốn Đảng, Quốc hội chỉ rõ địa chỉ tham nhũng, kiên quyết trị bằng được. Bởi chính đặc quyền thái quá sẽ biến thành tham nhũng.

Tại Quốc hội, một số đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo địa phương, tư lệnh ngành, thường né phát biểu, không nêu quyết tâm chống tham nhũng. "Dân đặt câu hỏi: Vì sao họ kiêng nói đến cuộc chiến chống đặc quyền, chống tham nhũng. Phải đề cao tính minh bạch hơn nữa, phải coi tham nhũng, thất thoát là giặc" - cử tri Trịnh Thanh Phi bày tỏ.
 
Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai) đặt vấn đề, hiện có tình trạng, các vụ tham nhũng, thất thoát tài sản xảy ra như ở  Vinashin, Vinalines… chẳng có ai đứng ra nhận lỗi. "Tôi kiến nghị lập Ủy ban kỷ luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, sẵn sàng kỷ luật những kẻ tham nhũng", ông Hoàn nhấn mạnh.

"Nghị quyết T.Ư 4 nói một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái. Xin đề nghị Tổng Bí thư làm rõ một bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu?" - cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) đề xuất. 
 
Tâm đắc với quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vừa được thông qua, các cử tri kiến nghị, nếu từ lấy phiếu tín nhiệm chuyển dần đến lấy phiếu trưng cầu dân ý, như vậy mới thực sự dân chủ.
 
Trước hết là cảnh tỉnh, răn đe
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri và nhân dân gửi tới Đảng, Quốc hội. Tổng Bí thư bày tỏ: "Tôi cảm giác rằng, giờ toàn dân đang bàn việc nước, chứ không phải chỉ có Quốc hội". 
 
Theo Tổng Bí thư, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không chỉ làm trong một nhiệm kỳ mà thường xuyên, liên tục. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 không chỉ có tự phê bình và phê bình mà còn 4 nhóm vấn đề và một loạt các giải pháp về cơ chế, chính sách.

Việc đấu tranh phải có lý, có tình, trước tiên là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn, từ đó, mỗi tổ chức, cá nhân tự giác sửa đổi mình, sẽ bền vững, sâu xa hơn. "Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ" - Tổng Bí thư nói. 
 
Tổng Bí thư bày tỏ, khi cử tri hỏi bộ phận không nhỏ ở đâu, cần nói rằng trong tất cả chúng ta đều ít nhiều có bệnh tật, đâu phải tất cả mình đều trong sáng, tốt đẹp hết. Nói bộ phận không nhỏ là nói xu thế, nguy cơ, không ngăn chặn được thì hỏng hết. Vừa rồi chúng ta đã xử lý, đã răn đe, ngăn chặn.

Cuối cùng, nếu không sửa mới kỷ luật và xử lý. Kỷ luật sắt nhưng phải tự giác, sắt mà không tự giác thì cũng chưa tốt. Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 cần phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, kết hợp nhiều biện pháp, không qua loa hình thức... tất cả vì sự trong sạch vững mạnh, vì sự phát triển bền vững, trường tồn của Đảng, của dân tộc. 
 
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm lần này là một bước tiến quan trọng, được cán bộ đảng viên, nhân dân rất đồng tình ủng hộ, hoàn hoàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm khách quan, chuẩn xác. Sắp tới sẽ phải có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này, có quy trình, quy chế chặt chẽ nhằm răn đe, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện, đây là việc làm cần thiết trong chương trình giám sát. 
 

Theo KTĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích