Cụ Gơ cụt và bài thuốc bí truyền chữa rắn cắn

Thứ sáu, 02/08/2013, 07:40
Người dân trong vùng đặt biệt danh cho cụ Thang Văn Gơ (88 tuổi ở đội 3 xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là "thần y" trị rắn độc cắn. 

Cụ đã giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn từ tay tử thần.

Mười đời chữa rắn cắn

Đến thị trấn Hậu Lộc, hỏi thăm về nhà cụ Gơ Cụt chuyên chữa bệnh rắn cắn ai cũng biết. "Chú cứ đi thẳng xuống chợ Cồn Cao, nhà cụ gần bên chợ ấy". Một cô bán nước bên đường chỉ dẫn. Tôi đi một mạch đến ngã ba chợ Cồn Cao, nhưng phải nhìn thật kỹ mới thấy chiếc biển hiệu: Đông y gia truyền ông Gơ cụt. Chiếc biển cũ kỹ nằm khuất bên trong lùm cây. Mới sáng mai, nhưng hiệu thuốc của cụ Gơ rất đông khách.

Cụ Gơ cho biết, tổ tiên cụ là người gốc Tàu, đã sang Việt Nam sinh sống và lập nghiệp nhiều đời. Đến đời con cháu cụ cũng phải gần mười đời làm nghề kê đơn bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.

Cụ Gơ bảo, cái biệt danh Gơ cụt của cụ có từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ngày đó, tuy đã là một thầy thuốc, nhưng khi địa phương tuyển quân lên đường tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Gơ đã xung phong vào chiến trường.

"Tiểu đoàn tôi chuyên về pháo binh, công kích các cứ điểm của địch trên mặt trận Điện Biên Phủ. Trong một trận đánh, tôi bị địch bắn trọng thương ở bàn tay trái. Do vết thương nặng, tôi được chuyển về điều trị và phải cắt bỏ cả bàn tay. Sau này khi về làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, mọi người đặt biệt danh cho tôi là Gơ cụt", cụ Gơ kể.

Cụ Gơ sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Từ nhỏ cụ đã được bố mẹ dạy cho cách nhận biệt các vị thuốc, tìm các cây thuốc Nam có sẵn trong tự nhiên để chữa bệnh. Có thời gian cụ được bố mẹ đưa lên các khu rừng của tỉnh Thanh Hóa để tìm các vị thuốc quý.

"Các cây thuốc có sẵn trong tự nhiên rất nhiều, đi nhiều nơi tôi thấy người dân phá bỏ nhiều loại cây thuốc mà không biết. Nhìn thấy thế tôi xót xa lắm", cụ Gơ cho biết.

Được cha ông truyền lại nghề thuốc, cùng với việc học hỏi trong các sách cổ gia truyền để lại, vì thế cụ Gơ chữa được nhiều bệnh khác nhau. Cụ Gơ bảo, cụ có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo như phù nề, xơ gan cổ trướng, xương khớp... nhưng chữa bệnh rắn cắn là hiệu quả nhất.

than y

Bắt mạch là cách cụ Gơ phán đoán bệnh.

Giành lại sự sống từ tay tử thần

Cụ Gơ cho hay, hơn năm mươi năm làm nghề y đức từng chứng kiến nhiều người bị rắn độc cắn tưởng chừng không qua khỏi, nhưng nhờ cụ chữa trị sự sống đã hồi sinh. Cụ Gơ vốn là người cẩn thận, nên dù bệnh nhân ở xa hay gần đến chữa cụ đều ghi chép vào sổ theo dõi.

Cụ Gơ kể: "Tôi vẫn nhớ như in vào đêm cuối năm ngoái, anh Nguyễn Văn Tình quê huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình được người thân đưa đến nhờ tôi chữa bệnh rắn cắn trong tình trạng nguy kịch, hơi thở phì phò, cơ thể tím tái. Người nhà anh Tình cho hay, anh bị rắn hổ mang cắn, đưa vào viện bác sĩ lắc đầu trả về. Được người quen giới thiệu họ đã đưa sang nhờ tôi chữa.

Tôi chỉ hứa cố gắng hết sức chữa, còn khỏi hay không thì không dám khẳng định bởi chất độc đã ngấm sâu cơ thể. Tôi lấy thuốc Bắc, kết hợp thuốc Nam để đắp vào vết thương. Và cắt thêm mấy thang thuốc giải độc về nhà cho bệnh nhân uống. Vài tuần sau, người thân anh Tình thông báo với tôi rằng, nhờ uống thuốc của tôi anh ta đã tỉnh và có thể ăn uống".

Thôn Nhuệ Thôn, xã Thuần Lộc có em Nguyễn Huy Ngọc cũng từng được cụ Gơ ra tay cứu giúp. Ngọc kể trong một lần đi bắt nhái ban tối, khi thấy trong bụi cây có con  nhái rất to, Ngọc mới thò tay vào bắt thì bỗng bị rắn cắn. Ngọc biết rắn cắn, nhưng do vết thương chỉ bị đỏ tấy, máu chảy vài giọt rồi ngưng lại. Thế nên em cũng chỉ băng bó qua quýt mà không hay đã bị rắn cặp nong cặp nia cắn.

Ngọc chưa kịp về nhà thì chất độc đã phát tác, ngấm vào người khiến em bị ngất. Sau đó em được người thân đưa xuống nhờ cụ Gơ điều trị.

"Lúc chất độc mới ngấm vào cơ thể em thấy người nôn nao, chóng mặt rồi ngất lịm đi. Khi em tỉnh dậy thì thấy vết thương trên tay đã được băng bó.

Bố mẹ em nói rằng, nhờ cụ Gơ đắp thuốc lá chất độc trong người được giải dần, cơ thể em mới dần hồi sức. Cụ Gơ là ân  nhân cứu mạng của em", em Ngọc cho biết.

Nói về những loại thuốc lá dùng để đắp vào vết thương của người bệnh, cụ Gơ chỉ nói chung chung đó là những cây thuốc Nam có sẵn trong tự nhiên. Điều tối kỵ của gia đình cụ là tiết lộ các vị thuốc ra ngoài.

than y

Cụ Gơ dùng hột Mã Lai để thử độc tố của rắn khi cắn vào cơ thể người.

Hột Mã Lai - bảo bối gia truyền chữa rắn cắn

Tôi để ý quan sát khi bệnh nhân nào bị rắn cắn đến nhờ cụ Gơ khám cụ cũng cầm một vật vuông vắn nhỏ nhắn màu đen để miết vào vết thương. Cụ Gơ bảo đó là hột Mã Lai, một vật bảo bối gia truyền của gia đình.

Khi miết hột Mã Lai vào vết thương, nếu là rắn độc cắn nó sẽ báo và hút độc tố ra ngoài. Sau đó cụ mới dùng các loại lá thuốc Nam để đắp giải độc cho bệnh nhân. Nhờ hột Mã Lai này mà cụ Gơ đã cứu sống cho nhiều người bị rắn độc cắn.

Hơn năm mươi năm qua cụ Gơ bốc thuốc chữa bệnh cứu người, dù bệnh nhân giàu hay nghèo cụ đều nhận chữa trị, cụ chưa bao giờ từ chối trường hợp nào. "Tôi làm nghề để cứu chữa cho mọi người, không quan tâm đến tiền bạc lắm. Cứu sống một bệnh nhân, người ta nhớ đến mình đem rổ khoai đến cảm ơn là tôi vui rồi", cụ Gơ cho biết.

Người dân nơi đây quý cụ không chỉ bởi cụ có tài chữa bệnh, mà còn sự tận tâm với người bệnh. Thuốc của cụ uống vừa rẻ, vừa hiệu nghiệm. Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, đến cụ đắp lá và cắt vài thang thuốc về nhà uống. Tổng chi phí hết vài trăm nghìn đồng là khỏi bệnh.

Như trường hợp anh Tình ở Ninh Bình cụ cứu mạng sống cho anh, nhưng cụ cũng chỉ lấy tiền thuốc hơn 300 nghìn đồng. Vì cụ xác định chữa bệnh là làm việc thiện cứu giúp người dân.

Niềm vui lớn của cụ Gơ là giờ đây 3 người con cụ đã học được bài thuốc chữa rắn cắn gia truyền. Các con cụ sẽ nối bước truyền thống bốc thuốc, chữa bệnh cứu người của gia đình.

"Gia đình cụ Gơ có nhiều bài thuốc quý, chữa, trị nhiều bệnh hiểm nghèo. Nhưng bài thuốc chữa rắn cắn là hiệu quả nhất. Tuy cụ chữa bệnh giỏi, nhưng cụ rất khiêm nhường từ tốn. Cụ khám chữa cho bệnh nhân một cách tận tâm. Bệnh nhân đến chữa bệnh cụ chỉ lấy tiền thuốc, còn tiền công chỉ lấy cho có lệ".

Lương y Nguyễn Thị Lý (nhà thuốc Đông y gia truyền Lý Việt)

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn