Bắt "sâu" bằng chai nhựa, tô sành, dầu ăn...
Mọi người truyền tai nhau rằng bà Tư có biệt tài bắt sâu trong miệng rất hay; những người răng bị sâu, đau nhức... chỉ cần đến nhà bà Tư xông khói bắt sâu chừng vài lần là khỏi, không tái phát cũng không cần đến nha sĩ nhổ răng. Có người còn khẳng định đã tận mắt chứng kiến những con sâu răng trong miệng bò ra...
Tôi hỏi người em họ nhà ở xã Tân Hội, cậu em cho biết chính mình cùng vợ con đã từng đến nhờ bà Tư “bắt sâu răng” và hiện đã khỏi hẳn (!?). Cậu em ra sức thuyết phục tôi đến đó trị sâu răng và còn cho số điện thoại, dặn phải gọi hẹn trước vì bà Tư rất đông khách. “Trăm nghe không bằng một thấy”, tôi rủ thêm một người bạn lên đường đi “bắt sâu răng”.
Đón chúng tôi là một người đàn bà khoảng 60 tuổi. Biết chúng tôi đến để “bắt sâu”, bà niềm nở mời vào nhà. Trong nhà còn có 2 vị khách đang chờ được bà Tư "bắt sâu". Hai người này từ Sài Gòn về thăm họ hàng ở quê, nghe giới thiệu nên cũng tìm đến đây để trị bệnh sâu răng. Bà Tư cho biết đang ngày giữa tuần nên khách vắng, chúng tôi sẽ không phải đợi lâu.
Dụng cụ bà Tư chuẩn bị cho việc "bắt sâu" rất đơn giản, gồm một tô sành, một chai nhựa (loại 1,5 lít), một vỏ chai nhựa loại 0,5 lít được cắt đôi...Thuốc để "bắt sâu" gồm dầu ăn, một bịc thuốc không rõ loại gì gồm những hạt màu đen nhỉnh hơn hạt vừng. Hỏi bà Tư loại thuốc đó tên gì, bà không nói, chỉ bảo cứ ra tiệm thuốc Bắc hỏi mua thuốc bắt sâu, có giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.
Trước khi “bắt sâu răng” cho khách, bà Tư nhóm lửa từ một bếp củi lên, đổ dầu ăn vào cái tô sành đặt lên bếp nấu cho dầu ăn sôi lên, sau đó bà bắc tô dầu ăn đặt lên một cái thớt rồi đặt úp chai nhựa lớn lên tô dầu đang sôi đó, bỏ vào đó 2 muỗng thuốc, một làn khói trắng bốc lên từ bên trong chai nhựa trào ra khỏi miệng chai, bà Tư lấy tay bịt kín hơi lại, nhanh chóng úp nửa chai trà xanh lên và bảo khách dùng miệng ngậm lấy cổ chai đó cho kín, chỉ được thở bằng mũi.
Tôi đưa miệng ngậm cổ chai và làm theo hướng dẫn của bà Tư. Một làn khói từ tô dầu ăn theo ống chai xộc từ bên dưới lên miệng tạo một mùi hắc nồng, khiến tôi cảm thấy hơi buồn nôn và có cảm giác ngộp thở nhưng bà Tư bảo tôi cố chịu một lát sẽ hết.
Bà Tư nhắc tôi cứ ngậm lấy cổ chai cho đến khi khói dưới đáy tô không còn nữa, thời gian ngậm khoảng 5-7 phút, sau đó súc miệng lại bằng nước sạch. Theo bà Tư như vậy là đã hoàn thành một mẻ “xông khói” để bắt sâu răng.
Tiền mất tật mang
Đợi dầu trong tô nguội hẳn và cái chai nhựa lớn trở lại trong suốt, bà Tư chỉ cho chúng tôi nhìn thấy những “con sâu răng” từ trong miệng theo hơi rớt xuống tô dầu và bám theo ống chai nhựa. Chúng tôi quan sát thì thấy trên thành chai có khoảng mười mấy đoạn trắng cong cong tựa như những con lăng quăng bám dính vào thành chai và dưới đáy tô.
Theo bà Tư thì đó là những con “sâu răng” được kéo ra từ những cái răng bị sâu trong miệng tôi. Tò mò, tôi thò tay vào miệng chai kéo “vật thể lạ” ra xem. Tôi đặt “con sâu” vào hai đầu ngón tay di thử thấy có cảm giác mềm mềm, dai dai.
Mọi người đều kinh ngạc và ghê sợ khi nhìn thấy những con sâu răng được cho là vừa bò ra từ miệng mình. Bà Tư còn cho biết thêm, đây là mẻ xông đầu nên sâu nhiều, những lần xông sau số lượng sâu sẽ ít hơn. Chỉ cần xông khoảng 3 mẻ là sâu răng không còn nữa…
Trong khi chờ dầu sôi để tiếp tục xông khói “bắt sâu” cho bạn tôi, bà Tư xởi lởi kể, quê gốc của bà ở Ấp Bắc, bà theo chồng là ông Nguyễn Văn Tư về đây sống. Công việc bắt sâu răng này là nghề gia truyền của dòng họ của bà nên ban đầu bà chỉ bắt giúp cho người quen hoặc bà con hàng xóm. Nhưng người dân thấy bà chữa hay nên “tiếng lành đồn xa”, số người tìm đến nhờ bà bắt sâu răng ngày càng nhiều, bà không từ chối được. Từ đó công việc này trở thành nghề mưu sinh của bà.
Theo Bà Tư mỗi mẻ thuốc bà lấy 10.000 đồng để mua dầu và thuốc bắt sâu. Tính trung bình mỗi người xông 3 mẻ chỉ tốn 30.000 đồng mà khỏi bị chứng nhức răng, sâu răng. Bà cũng khoe đã chỉ cho nhiều người cách làm nhưng nhiều người về làm thử không bắt được con sâu nào, theo bà người làm nghề phải có “căn”, có “duyên” mới bám trụ được!
PV Dân trí đã mang câu chuyện "bắt sâu răng" ly kỳ này tới trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa - Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ; ông Hòa cho biết:
“Đầu tiên chúng tôi khẳng định với những người dân cả tin rằng việc có con "sâu răng" là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở khoa học. Sâu răng là hiện tượng xảy ra khi không vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn, các chất dinh dưỡng bám vào răng, trong điều kiện yếm khí, các vi khuẩn sẽ lên men thức ăn và sinh ra axit làm mòn răng, tạo những ổ sâu. Sâu răng là “sản phẩm phụ” của quá trình lên men ấy, do đó không hề có con sâu răng”.
Người dân có bệnh cần cảnh giác, nếu không “tiền mất tật mang”, bệnh không khỏi mà còn mang thêm bệnh. Vì những người đến trị bệnh đều phải ngậm chung vào miệng một cái chai, hết người này đến người khác, nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp là rất cao.
Theo Dantri