Cuộc đời buồn của những thiếu nữ đẻ thuê ở miền Tây

Thứ năm, 02/10/2014, 13:54
Trở về từ đường dây đẻ thuê ở Thái Lan, thiếu nữ quê Bạc Liêu được bạn bè giới thiệu sang Nga làm công rồi lấy chồng nước ngoài nhưng đã bị trục xuất sau đó.

Gần một tháng nay, Nguyễn Thị Phượng liên tục ghé các công ty, xí nghiệp gần chổ trọ của cha mẹ ở Bến Lức (Long An) để xin việc nhưng nơi nào cũng từ chối vì trình độ chỉ lớp 2, không có tay nghề.

Cô gái 22 tuổi này quê ấp Biển Đông B, Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu), là một trong hơn chục người được nhà chức trách giải cứu ra khỏi đường dây đẻ thuê ở Thái Lan hơn 3 năm trước.

Ngoài ba cô chưa kịp mang thai, Phượng với chín phụ nữ còn lại sau khi về nước đã ôm theo bụng bầu rồi sinh tám trai, ba gái, trong đó một cô sinh đôi. Sau khi giao con cho cơ quan chức năng để giúp bé được đoàn tụ gia đình tại Đài Loan, Phượng quay về miền Tây vài tháng rồi được bạn bè giới thiệu sang Nga làm thuê.

Ở quê biển Bạc Liêu, cha cô cũng bán nhà phía sau rừng phòng hộ để lấy 30 triệu đồng trả nợ rồi đùm túm vợ con với cháu ngoại hơn 2 tuổi lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Vài tháng sau, cha Phượng xin được chân bảo vệ ở Bến Lức, chuyển nhà trọ xuống Long An đến nay.

"Cháu ngoại là con của Hương (chị Phượng), nó ly hôn rồi bỏ lại con nhỏ cho tôi nuôi. Năm ngoái Hương đi bước nữa với một thanh niên ở Hà Nội, ít khi liên lạc", mẹ Phượng cho biết.

1
Căn nhà nơi chị em Phượng sinh sống từ nhỏ đã đóng cửa 3 năm từ ngày bán cho bà Thu. Bà này cho biết chị của Phượng chuộc lại nhưng không thấy ai đến ở.

Hai tháng trước, căn nhà trọ của cha mẹ Phượng đón cô với thanh niên 24 tuổi người Nga. Cả hai sau đó về Bạc Liêu làm giấy đăng ký kết hôn, Phượng theo chồng về Nga nhưng bị nhà chức trách giữ lại ba ngày rồi trục xuất về Việt Nam vì hết hạn thị thực.

Phượng kể những ngày tháng ở Nga công việc chính của cô là mang quần áo ra chợ cho ông bà chủ, phụ bán hàng, đóng gói khi có yêu cầu. Để sang Nga, Phượng được cô bạn làm chung (quen biết khi phụ quán ở Cần Thơ) giới thiệu, cho mượn tiền mua vé máy bay. Với mức lương tương đương 7 - 8 triệu đồng, hàng tháng Phượng trả lại cho người bạn này một ít, còn lại chi xài, không có dư gửi về giúp cha mẹ.

"Chồng tôi nói đang học đại học nhưng mấy hôm nay điện hỏi mới biết anh ấy đã nghỉ đi làm thuê kiếm tiền. Cha làm bảo vệ lương trên 3 triệu đồng chỉ đủ đóng tiền nhà, lo cho em gái tôi học lớp 6 và nuôi đứa cháu. Mẹ bị bệnh tim cần tiền chữa trị nhưng tôi xin việc khắp nơi mà không ai nhận", Phượng chia sẻ và cho biết cưới nhau trên ba năm trở lên chính quyền sở tại mới cho phép chồng bảo lãnh sang Nga, nhưng cơ hội rất mong manh.

Không riêng gì Phượng mà tỉnh Bạc Liêu còn có bảy cô gái từng sang Thái Lan đẻ thuê với mong muốn kiếm được 5.000 USD sau mỗi lần vượt cạn. Trong đó ba người cùng ngụ thị trấn Giá Rai của huyện Giá Rai, ba người ở xã Long Điền, huyện Đông Hải và một ở thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai).

Qua khỏi cống Giá Rai là xóm nhà đan xen mồ mã. Ở đây Hoa được nhiều người biết bởi trước khi đi Thái Lan cô có mở quán nhậu tại nhà. Gia đình nghèo, chồng mất sớm khiến Hoa buồn bã khăn gói qua huyện Đông Hải gần đó bán quán nhậu rồi được người quen giới thiệu lên TP.HCM tham gia đường dây đẻ thuê.

Theo Hoa, tuổi thơ chứng kiến cảnh cha mẹ chạy gạo từng lon, lấy chồng không lâu đã thành bà góa nên cô muốn xuất ngoại để hy vọng đổi đời với 5.000 USD phí đẻ thuê. Thế nhưng chờ 5 tháng vẫn chưa được mang bầu, cuối tháng 2/2011 cô bị nhà chức trách Thái Lan phát hiện, đưa về nước mà chẳng nhận được đồng nào.

Cuộc sống tiếp tục khốn khó sau nhiều tháng ăn bám cha mẹ nghèo, năm ngoái Hoa phụ chị họ bán quán nhậu rồi gá nghĩa với người đàn ông nuôi tôm trong vùng.

Ở huyện Tân Hiệp của tỉnh Kiên Giang cũng có thiếu phụ tên Trân trở về từ đường dây đẻ thuê. Tại quê nhà Trân có hai con trên 10 tuổi, gia đình quanh năm làm thuê làm mướn vì không có đất sản xuất.

Bảy năm trước chồng chị lên Hà Tiên thuê đất làm ruộng trong vùng nước mặn, phèn chua. Đến khi lúa trổ đòng thì gặp phải bão lớn đánh gục. Vài vạt lúa trụ lại sau bão chờ ngày chín cũng bị chuột cắn phá khiến chồng Trân quay về quê với món nợ hơn 100 triệu đồng.

Thương hai con nhỏ dại phải chịu cảnh rau cháo qua ngày, Trân lên TP.HCM giúp việc nhà rồi có người nói sang Thái Lan đẻ thuê trót lọt sẽ được hơn 100 triệu nên quyết định bay sang xứ người.

"Cuộc sống quá khổ, tôi nói dối chồng sang nhà đứa cháu bên Đài Loan tìm việc, nhưng thực ra là đi Thái Lan đẻ thuê. Chờ hơn 1 tháng mà chưa mang bầu thì bị cảnh sát phát hiện", Trân kể.

Trở về quê với hai bàn tay trắng, chồng Trân cứ tưởng cuộc sống nghèo khó khiến vợ tìm vui duyên mới. Sau đó anh nhận ra sự việc sau lời thú thật của Trân là muốn kiếm tiền trả nợ cho chồng nên chị đã liều sang Thái Lan.

Rất giận vợ, nhưng nghĩ lại chồng Trân thương chị nhiều hơn. Người đàn ông gần 40 tuổi khuyên vợ bỏ chuyện không vui, cố gắng chí thú làm ăn bằng nghề ấp vịt giống để tích cóp trả nợ, nuôi hai con ăn học.

Trò chuyện với phóng viên, bà Đào Mộng Thu (cán bộ phụ trách Thương binh Xã hội xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) cho biết trước đây thấy cha mẹ Phượng quá nghèo, nài nỉ bán đất nên bà mua cả căn nhà dột nát 30 triệu đồng. Khi còn ở Nga, Phượng nhiều lần điện thoại cho bà với mong muốn chuộc lại nhà đất của cha mẹ khi có điều kiều kiện.

"Chị của Phượng cùng chồng mới gặp tôi chuộc lại tài sản nhưng nhà đóng cửa bỏ đó, không thấy ai về ở", bà Thu nói.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích