Một chiếc xe buýt dán đầy thông điệp ủng hộ cuộc biểu tình di chuyển trong khu mua sắm Mongkok, Hồng Kông. Ảnh: Reuters |
Các tờ báo còn gọi họ là "gây hỗn loạn" và "nhận sự hỗ trợ từ các thế lực chống Trung Quốc tại Anh và Mỹ".
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng tuyên bố ủng hộ chính quyền Hồng Kông xử lý "cuộc biểu tình bất hợp pháp, phá hủy thượng tôn pháp luật". Do đó, nhiều người dự báo Bắc Kinh sẽ hành động mạnh tay.
Tiến thoái lưỡng nan
Một số nhà phân tích ở Hồng Kông cho rằng, nếu nhận định cuộc biểu tình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Bắc Kinh sẽ triển khai quân đội từ Quảng Đông tới và ban bố tình trạng thiết quân luật.
Quả thật Bắc Kinh lo ngại nếu người Hồng Kông giành được quyền bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, các phong trào đòi tăng quyền tự trị sẽ bùng nổ ở Tân Cương và Tây Tạng.
Nhưng sử dụng vũ lực ở Hồng Kông sẽ gợi lại ký ức về cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, sự kiện đã gây khó cho quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trong rất nhiều năm. Hồng Kông còn là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, tụ tập đông đảo giới truyền thông quốc tế, nên hành động bạo lực nghiêm trọng ở đây sẽ bị cả thế giới lên án.
Mạnh tay với Hồng Kông cũng sẽ làm tiêu tan kế hoạch chiêu dụ Đài Loan "hồi hương" một cách hòa bình và tồn tại theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan đang theo dõi sát sao mọi diễn biến ở Hồng Kông.
Đặc khu trưởng sẽ mất chức?
Một số nhà quan sát cho rằng vài ngày qua, chính quyền Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu muốn tìm một giải pháp phi bạo lực. Thứ nhất, Bắc Kinh không tuyên bố ủng hộ đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh, nhân vật bị người biểu tình căm ghét. Thứ hai, nhà chức trách Hồng Kông đã tạm rút lực lượng cảnh sát chống bạo động ra khỏi các khu vực người biểu tình chiếm giữ.
Trên tạp chí National Interests, nhà phân tích Elizabeth Economy cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách phong tỏa cuộc biểu tình trong một phạm vi nhỏ ở Hồng Kông và hy vọng người biểu tình sẽ nhanh chóng hụt hơi sau nhiều ngày bám trụ trên đường phố. Cuối cùng, những người trưởng thành sẽ quay lại làm việc, còn học sinh, sinh viên sẽ lại đến trường học.
Phần lớn giới quan sát cho rằng lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc lúc này là "hy sinh" ông Lương Chấn Anh, thay thế bằng một chính trị gia có uy tín và kỹ năng quản trị mạnh mẽ để thỏa mãn yêu cầu tức thời của lực lượng biểu tình, giúp những cái đầu nóng hạ hỏa.
Sau đó, Bắc Kinh có thể tạo điều kiện cho cử tri Hồng Kông có thêm tiếng nói trong việc tuyển lựa ủy ban chọn các ứng cử viên đặc khu trưởng. Như vậy, sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hồng Kông sẽ không giảm sút đáng kể.
Có điều ngay cả những bước đi như thế cũng có thể bị xem là sự nhượng bộ, điều Bắc Kinh khó chấp nhận.
Sẽ nóng trong hôm nay Theo AFP, hôm qua phong trào "Chiếm trung tâm" ra tối hậu thư yêu cầu chính quyền Hồng Kông phải đáp ứng yêu cầu cải cách chính trị trong hôm nay 1/10, nếu không sẽ mở rộng chiến dịch biểu tình. Trước đó, ông Lương Chấn Anh kêu gọi các nhà tổ chức "Chiếm trung tâm" ngừng cuộc biểu tình "đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát". Ông nhấn mạnh: "Chính quyền Trung Quốc sẽ không đầu hàng trước những lời đe dọa bất hợp pháp của một số người". Phản ứng lại, các đại diện biểu tình kêu gọi ông Lương từ chức. Hôm qua, vẫn còn hàng chục ngàn người Hồng Kông biểu tình trên đường phố, phong tỏa nhiều khu vực giao thông lớn của thành phố. Họ chuẩn bị thực phẩm, nước ngọt, lều, áo mưa, khẩu trang, dù... để sẵn sàng đối phó với những đợt tấn công bằng hơi cay của cảnh sát. Các nhà tổ chức cho biết số lượng người biểu tình sẽ gia tăng trong hôm nay do người dân Macau sang Hồng Kông ủng hộ phong trào "Chiếm trung tâm". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm qua cũng kêu gọi giải quyết mọi khác biệt ở Hồng Kông một cách hòa bình. Reuters cho biết, trong phiên giao dịch hôm qua, chỉ số chứng khoán Hồng Kông giảm 1,3%, xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua. Các ngân hàng và công ty địa ốc thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế - tài chính mới chỉ giới hạn ở Hồng Kông chứ chưa lan rộng ra châu Á. |
Theo TTO