Phật giáo vốn có truyền thống tốt đẹp lâu đời tại Việt nam, là "chỗ dựa" tâm linh của người Việt. (Trong ảnh là buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông tại chùa Bái Đính, Ninh Bình) - Ảnh: Ngọc Minh |
Thiết nghĩ, đây cũng không phải chuyện nhỏ, mà nó ảnh hưởng rất lớn tới cách nhìn, cách nghĩ, lòng tin của quần chúng đối với một tôn giáo lâu đời trên đất nước Việt Nam, và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của quần chúng một khi nền tảng tâm linh của họ bị lung lay. Cho nên, chúng tôi xin góp một chút ý kiến mong quý vị tham khảo.
Thật ra, cốt lõi ở đây không phải là được sử dụng hay không được sử dụng những sản phẩm công nghệ hoặc của cải vật chất, mà là sử dụng nó như thế nào cho phù hợp. Phật giáo Đại thừa có lịch sử phát triển mấy ngàn năm đã không còn chấp nhặt những sinh hoạt từ thời Đức Phật còn sống, mà luôn đồng hành với chúng sanh qua từng thời đại, từng địa phương.
Chẳng hạn, ngày xưa Đức Phật đầu trần chân đất đi hóa độ chúng sanh, thì sau này các nhà sư đã có thể đi xe, đi máy bay, mang dép, mang giày…đi giảng dạy, cúng kiếng, cũng không ai bắt bẻ gì.
Xưa Đức Phật đi từ vương quốc này đến vương quốc kia của Ấn Độ mất mấy tháng trời, giờ không lẽ chư tăng phải y theo đó mà đi, cho nên có thể sử dụng máy bay, xe ôtô để vượt qua những quốc lộ nóng bỏng đường nhựa, những sa mạc, những đồi núi, sông ngòi…trong vài tiếng đồng hồ, hoặc nửa ngày, âu cũng là hợp lý.
Tương tự, các tiện nghi khác trong đời sống cũng cần được sử dụng như là phương tiện giúp công việc hóa độ chúng sinh dễ dàng hơn. Những micro, những đĩa CD, MP3, video đã giúp bài giảng đi xa hơn, rõ hơn, thuận tiện cho những người bận rộn không thể trực tiếp đến chùa nghe giảng.
Hoặc một Phật tử, một ngôi chùa muốn thỉnh thầy đi cúng, đi dạy, không lẽ phải đích thân chạy tới nơi, mất thời gian, mà chỉ cần gọi điện thoại. Thầy cũng cần laptop, cần gửi mail, cần biết Photoshop, Powerpoint, Indesign… để thiết kế bài giảng phong phú, đẹp mắt, thì người ta mới thích học, đặc biệt là lớp trẻ. Thậm chí, thầy có smartphone cũng được, để có thể lên mạng đọc tin tức, thời sự, cập nhật đời sống chúng sanh mà giảng dạy cho phù hợp.
|
Cuộc sống thay đổi từng ngày, tâm tính con người biến động thường xuyên, người nào không nắm bắt được thì khó lòng hóa độ kẻ khác. Hóa độ là khuyên giải, an ủi, động viên người ta thoát khỏi tâm lý tiêu cực, hành động sai trái mà quay về với sự tử tế, bình an.
Đơn giản vậy thôi, nhưng là một nhiệm vụ khó khăn và cao cả mà những nhà sư phải thực hiện trong đời tu hành của mình. Cho nên, nếu có những phương tiện của công nghệ hỗ trợ thì càng tốt chứ giới luật không hề ngăn cấm.
Nhưng, nói như thế không có nghĩa nhà sư có thể sử dụng tùy thích những phương tiện này. Nếu không làm chủ được mình trước những cám dỗ vật chất thì đương nhiên đã phạm giới. Tham, sân, si dẫn dắt người ta trong khổ đau, thì mê của cải là phạm vào chữ "tham" quá rõ.
Nhà sư có thể dùng smartphone nhưng có thể chọn mua loại tầm tầm bậc trung thôi, chẳng hạn 3-5 triệu đồng đã tốt lắm rồi, cứ gì phải là iPhone 20 triệu? Một chiếc xe gắn máy tầm tầm đủ an toàn để thầy chạy đi giảng trong vòng 150km giá chừng 20 triệu là được, cứ gì phải Air Blade hơn 40 triệu?
Một vị giảng sư giỏi thường được các tỉnh mời đi liên tục, nếu đi xe khách thì rất khó, nhất là thầy phải đi cả buổi tối mới kịp các buổi dạy, thế thì một chiếc xe hơi cũ Phật tử bán lại với giá rẻ để thầy chạy đi an toàn trong vòng 300-400km cũng có thể chấp nhận hơn một chiếc xe gần tỷ bạc.
Nếu xem những vật chất đó chỉ là “phương tiện” phục vụ cho mục tiêu chính là giúp đỡ chúng sanh về với nẻo thiện, thì không nhà sư nào lại chạy theo mẫu mã, mốt miếc, khoe hàng này nọ. Một khi tâm "tham" đã khởi lên thì không cách gì giấu được mọi người chung quanh. Ngược lại, mọi người chung quanh cũng không nên có tâm lý cực đoan là người tu hành không được quyền đụng tới vật chất.
Còn vấn đề tiền đâu để nhà sư mua những sản phẩm đó một khi không có “lao động” rõ ràng như người đời? Thiết nghĩ, “lao động” của nhà sư chính là đi giảng dạy, cúng kiếng, đều là những tác động tích cực đến phần tâm hồn của Phật tử, đem lại sự bình an, sự vui vẻ, phấn khởi cho người ta sống tốt hơn, làm lợi ích cho cuộc đời nhiều hơn.
Thậm chí, nhà sư chỉ cần tụng kinh, ngồi thiền, giữ phong thái nhẹ nhàng thanh tịnh, giữ lời nói hòa ái dịu dàng, mỗi khi Phật tử vào chùa đã thấy nhẹ lòng, giảm bớt áp lực cuộc sống. Giống như ở nhà chúng ta có một bà ngoại, bà chẳng làm ra tiền hay trồng cấy gì được, nhưng chỉ cần thấy bà ngồi nhai trầu bỏm bẻm, nở nụ cười hiền lành, ru một câu ca dao…là lòng ta đã vơi biết bao gánh nặng.
Cuộc sống đôi khi cần những điểm tựa tâm hồn như thế, chứ không phải cái gì cũng quy ra của cải thì mới thấy có ích, còn cái gì không thấy sản phẩm cụ thể thì bảo là vô ích. Và những điểm tựa tâm hồn, tâm linh ấy được quần chúng nuôi dưỡng mà không hề có sự so đo. Phật tử cúng dường cho thầy, cho chùa, để thầy giữ cho ngôi chùa tồn tại, để khi họ tìm về, tựa vào, nghe nhẹ lòng, an tịnh, thế là quá đủ.
Tuy nhiên, khi những vị tu hành lạm dụng, phung phí tiền bạc của Phật tử cúng dường, thì tội rất nặng. Luật đời có thể thoát qua, nhưng luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Và cũng mong Giáo hội có những chấn chỉnh kịp thời khi thấy những biểu hiện xa hoa của chư tăng. Đừng để Phật giáo vốn có truyền thống tốt đẹp trên đất nước ta giờ trở nên xa lạ với đông đảo quần chúng còn nghèo khó chung quanh.
Thư Thư*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM
Theo Thanh Niên