Khi một người Singapore làm bằng 15 người Việt...

Thứ ba, 30/09/2014, 10:14
Trong chương trình thời sự VTV1 phát lúc 19 giờ gần đây có đưa ra những con số so sánh về năng suất lao động giữa thợ Việt với thợ một số nước ở Đông Nam Á, theo đó, một thợ Thái Lan làm bằng 2 thợ Việt, một thợ Malaysia làm bằng 5 thợ Việt và đặc biệt, một thợ Singapore có năng suất bằng... 15 thợ Việt.

Khi một thợ Singapore có năng suất bằng... 15 thợ Việt. (Ảnh minh họa từ internet)

Khi một thợ Singapore có năng suất bằng... 15 thợ Việt. (Ảnh minh họa từ internet)

Có không ít người vội vã rêu rao rằng, nếu kết quả khảo sát mà VTV1 đưa tin là chính xác thì cái tượng đài truyền thống bao lâu nay người Việt chúng ta ra rả tự hào rằng, người Việt cần cù, chịu khó, siêng năng làm việc đã bị đánh đổ, để rồi, người Việt chúng ta sẽ  phải gầm mặt xuống vì thấy bị sỉ nhục một cách chua chát trước cái thực tế này.

Tuy vậy, trước một thông tin có tính khảo sát, nghiên cứu, thống kê chúng ta cần bình tĩnh để đưa ra những câu hỏi nghiêm túc, đó là, sự so sánh này dựa trên lao động phổ thông hay trên lao động liên quan đến máy móc, công nghệ?

Nếu trên lao động chân tay, phổ thông đơn thuần thì chắc chắn con số trên không thể chính xác, mặc dù có một thực tế không ai chối cãi được là người làm công chân tay Việt hiện nay lười nhác, thiếu trách nhiệm, lãng phí vật tư, tức hiệu quả thua kém với người làm công chân tay các nước khác, nhưng không thể ở cái mức như đã đưa.

Còn vì sao nên nỗi và ai phải chịu trách nhiệm trước thảm trạng không ít người Việt vốn siêng năng giờ trở nên những kẻ lười nhác, thiếu trách nhiệm với công việc là một câu hỏi xin giành cho các nhà quản trị kinh tế quốc gia và các nhà nghiên cứu xã hội.

Mặc dù vậy, trước câu hỏi này, mỗi người Việt không thể nói mình vô can khi tự bản thân đều không khó nhận ra cái sự thật là chính mình làm việc chung chỉ cốt cho hết thời gian còn làm việc cho riêng mình thì năng nổ hơn vì từ lâu quen thói “cha chung không ai khóc”, làm việc theo kẻng, chọn công việc cho có việc không xuất phát từ yêu nghề và đam mê nghề để nâng cao tay nghề dẫn đến đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, đánh mất sự tôn trọng giá trị lao động và ý thức công dân trước lợi ích thuế doanh nghiệp mà mình làm công đóng góp cho quốc gia.

Chúng ta hiện giờ không có một chiến lược dạy nghề nào cả, cũng như chưa hề hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa từ internet)

Đó là đối với lao động thủ công, còn đối với lao động gắn với máy móc và công nghệ thì phần lỗi nhiều hơn ở chính máy móc và công nghệ cũng như ở việc dạy nghề. Với công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại tự động hóa cao thì một công nhân dệt có thể điều khiển cả chục máy dệt năng suất rất cao lại không bị hỏng hóc để mất thời giờ sửa chữa. Công nghệ quyết định năng suất và giá trị sản phẩm, điều này nhà kinh doanh hoặc quản lý doanh nghiệp nào cũng biết, nhưng tại sao nền kinh tế chúng ta lại tràn ngập những máy móc răng bà lão, công nghệ cũ kỹ hoặc tự thắt cổ trong cái bẫy phát triển trung bình?

Câu trả lời chẳng có gì là phức tạp cả, tất cả là do luật pháp và cơ chế giám sát luật pháp không minh bạch, các công ty, doanh nghiệp nhà nước chỉ nghĩ lợi ích của mình khi nhận những lại quả từ các hợp đồng mua bán thiết bị, công nghệ cũ. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân họ khó tiếp cận công nghệ mới vì cơ chế vay vốn ngân hàng đầy rẫy những lắt léo và tiêu cực, họ vô cùng khó khăn khi vay được vốn với lãi suất có thể phát triển kinh doanh, sản xuất được.

Có một thực tế không ít doanh nghiệp, dự án hiện nay cần một lực lượng công nhân cò tay nghề cao đã bế tắc trong khâu tuyển dụng. Nhiều nhà lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã than rằng nhiều khu công nghiệp của tỉnh không thể tuyển được lao động địa phương vì vậy bắt buộc phải tuyển dụng lao động nước ngoài.

Tỉnh không phải không biết trước một dự án thì cần phải tổ chức đào tạo nghề, nhưng quy trình, công nghệ, năng lực đào tạo nghề chuyên môn cao ở Việt Nam hầu như là một khoảng trống quá lớn. Việc đào tạo nghề trước hết phải là chiến lược quốc gia, nó phụ thuộc vào cấu trúc nền kinh tế và quy hoạch phát triển dựa trên những dự báo khoa học về xu thế nền kinh tế thế giới.

Chúng ta hiện giờ không có một chiến lược dạy nghề nào cả, cũng như chưa hề hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Tất cả là chắp vá, nước đến chân mới nhảy. Vậy thì chúng ta thua trắng trên thị trường lao động là đương nhiên.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Xanh, một người luôn đau đáu về giáo dục đào tạo nghề cho tuổi trẻ Việt đang cùng một số trí thức Việt Kiều ở Đức, quốc gia có công nghệ đào tạo nghề tiên tiến nhất thế giới đang dịch, biên soạn những bộ sách, giáo trình đào tạo nghề ở Đức để quảng bá ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Xanh thì Singapore và Trung Quốc đã sử dụng các giáo trình này từ lâu với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước. Điều này lý giải vì sao năng suất lao động của một thợ tay nghề cao của Singapore lại bằng 15 thợ Việt Nam.Tiến sĩ Xanh cũng cho biết mỗi năm Trung quốc bỏ ra một tỷ đô-la cho việc đào tạo nghề.

Chưa có thủ đô một quốc gia nào lại là không gian mở cửa muôn nghề thủ công cũng như nghề tinh xảo mỹ nghệ như Hà Nội, thật là vô lý chúng ta lại thờ ơ với di sản kỳ diệu như thế để chạy theo những nghề xa lạ với chính đời sống văn hóa của chúng ta.

Thực tế không phải là chúng ta không có cách để vươn lên và vượt lên trong lĩnh vực nghề và đào tạo nghề. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của nhà nước về cấu trúc nền kinh tế và tương lai nền kinh tế của chúng ta như thế nào, thế mạnh là lĩnh vực nào, công nghệ cứng hay công nghệ mềm. Từ tầm nhìn này chúng ta vẫn có thể có bài toán tốt nhất của riêng mình về chuyên sâu đào tạo những nghề mà ta có thế mạnh mà các quốc gia khác khó sánh được.

Chưa có thủ đô một quốc gia nào lại là không gian mở cửa muôn nghề thủ công cũng như nghề tinh xảo mỹ nghệ như Hà Nội, thật là vô lý chúng ta lại thờ ơ với di sản kỳ diệu như thế để chạy theo những nghề xa lạ với chính đời sống văn hóa của chúng ta.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chương trình Vua đầu bếp đang cùng một số siêu đầu bếp thực hiện dự án đào tạo 1.000 đầu bếp giỏi. Ẩm thực là thế mạnh của chúng ta tạo ra bất ngờ lớn cho thế giới ăn sành điệu về sự lạ, ngon và lành mà không có nền ẩm thực quốc gia nào có được.

Vậy thì sẽ không phải là quá khó, quá tốn kém nếu quốc gia đưa ra và đầu tư cho kế hoạch đào tạo 100.000 đầu bếp siêu giỏi cho thế giới cùng với việc giới thiệu, quảng bá những món ăn lạ, ngon, lành tuyệt vời của Việt Nam, thì hình ảnh nghề, văn hóa nghề của Việt Nam hoàn toàn ở một vị trí khác.

Ngoài ẩm thực người Việt còn có tay nghề rất cao trong những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, làm đẹp, những lĩnh vực mà thế giới đang rất thiếu và rất cần. Chúng ta cũng không phải là quá khó khi đầu tư, tổ chức việc đào tạo những nghề này. Đó là chưa kể chúng ta có những người thợ, nghệ nhân làm vườn, canh tác nghề nông rất giỏi mà thế giới cũng đang có nhu cầu không nhỏ.

Nếu biết nhìn ra thế mạnh của mình tập trung đào tạo nghề, nâng cao hơn nữa các thế mạnh ấy cùng với việc đầu tư có tính chiến lược những nghề, công nghệ cơ bản mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển hàng đầu không thể thiếu thì chúng ta sẽ có không ít cơ may để thoát khỏi sự lạc hậu tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Theo MTG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích