Đó là nhận định của PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.
Quán nhậu, quán bia nổi tiếng
Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước. Khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều lựa chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Quan điểm của ông ra sao trước kết quả này, đây có được coi là một tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của giới trẻ?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Thực ra với cá nhân tôi thì đây là một số phẩm chất đáng quý.
Tuy vậy, chưa hẳn nó hoàn toàn tốt trong những phạm vi và khung cảnh khác nhau. Mặt khác, lượng mẫu trên 1000 trên phạm vi cả nước với hơn 90 triệu người cũng không mang tính đại diện và cũng chưa thể đại diện trí thức trẻ trong số toàn dân. Đó là chưa kể việc khảo sát dựa trên bảng hỏi nào, bao nhiêu câu, câu hỏi gợi ý ra sao và đặc biệt là khảo sát online hay khảo sát trực tiếp.
Thế nhưng, ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể nhận thấy những phẩm chất: cần cù, thân thiện lại có thể làm cho người Việt chúng ta nhận ra những phẩm chất rất truyền thống còn nguyên giá trị.
Nét đẹp ứng xử ấy đã có từ lâu đời và đến nay vẫn còn. Nhưng đừng vội mừng khi chúng ta vẫn bị phản ánh mang tính tiêu cực nhìn về du lịch Việt Nam, sự phân biệt khách người Việt – người nước ngoài.
Đó là chưa kể một số biểu hiện đơn giản để tạo nên sự thân thiện như: chỉ đường người đi phố, hướng dẫn thông tin có liên quan ở một số tỉnh thành rất có vấn đề.
Đúng như những gì ông vừa nêu, những con số nghiên cứu này chưa thể phản ánh được toàn diện thực tế hiện nay. Từ những việc nhỏ nhất người Việt cũng đã thể hiện sự lười biếng của mình, vứt rác bừa bãi, trồng rau cũng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, có nghĩa đầu tư thời gian ít nhưng thu được lợi nhuận nhiều. Trong khi đó, hơn 30% số lượng công chức hiện nay lại trong tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vậy chúng ta phải hiểu nghịch lý giữa nhận thức của giới trẻ và thực tế này như thế nào? Đó là thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận đúng không, thưa ông?
Tôi đồng tình với nhận định này. Và đó là lý do vì sao chúng ta đừng vội, khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu ấy, có thể thấy đó là cuộc điều tra mang tính thống kê. Nhưng định tính hay lý giải hoặc minh chứng thì cần sâu sắc hơn. Và cũng không nên vội vui khi chúng ta nhận ra rằng còn đó quá nhiều nỗi trăn trở từ cuộc sống.
Cần cù hay không khi chúng ta nhận ra có quá nhiều người không biết làm chủ thời gian, quán nhậu – quán bia của Việt Nam “nổi” đến độ nhiều nước cũng biết. Công chức Việt Nam là thế dù chỉ ở một bộ phận.
Người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn hết lòng, hết sức để khi quay về nước mới thấy: ở Việt Nam vui quá. Đó có thể là một nhận xét làm xót dạ nếu chúng ta so sánh thời gian làm việc và hàng loạt vấn đề có liên quan.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn |
Tôi cho rằng nếu nói người trẻ đánh giá không khách quan thì chưa đúng vì nhóm mẫu được chọn là từ 18 đến 35 nên trong đó có cả những trí thức trẻ. Tuy nhiên, có thể cái nhìn toàn cục hoặc cái nhìn phóng chiếu thì chưa “đầy” là điều có thể xảy ra. Và chúng ta cần thật tỉnh táo để định hướng thay vì chúng ta phê bình kết quả này hoặc nhìn vấn đề mang tính thiếu cân đối.
Hưởng thụ song hành với đầu tư
Ông có đồng tính với doanh nhân người Nhật Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc trước nhận xét về người lao động Việt Nam có khách quan hay không. Doanh nhân này nhận định khi mới đến Việt Nam 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì ông không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ ông thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước.
Theo nhìn nhận đánh giá của ông, điều gì tác động dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức này. Có thể nhìn nhận bệnh lười của người Việt đang có xu hướng phát triển lên hay không?
Tôi cho rằng nhận xét ấy cũng có phẩn nhỏ lẻ mà chưa khái quát toàn bộ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cái lười có thể xuất hiện trong thời gian gần đây. Thử xem xét ở các vùng nông nghiệp của ta trước đó, nhiều gia đình vẫn đi làm và tiếp tục canh tác ngay trong chính mảnh đất của nhà mình. Còn bây giờ thì có phần thưa vắng.
Đó là chưa kể nhiều chủ đất đã trở thành nhà “giàu” sau một đêm để sống với số tiền bán đất cho đến hết mà không biến tiền ấy sinh sôi. Chuyện những gia đình ở nội thành làm cho nhà mình nhỏ dần, xa dần nội thành xuất hiện khi không làm việc hết mình, hết sức.
Người Việt đang có tâm lý hưởng thụ song hành với đầu tư. |
Còn cái lười của bạn trẻ cũng không thể không đề cập khi một bộ phận bạn trẻ cứ cà phê ngồi đồng, chọn người yêu mang tên: Nguyễn Thị Game hay Lê Thị Internet để chung sống, sống thử, kết hôn.
Đó là chưa kể hàng loạt những thao tác, những hành vi thường nhật trong việc tự chăm sóc, tự phục vụ cũng bị đẩy lùi vào dĩ vãng để sống hưởng thụ và tiêu tốn. Hưởng thụ song hành với đầu tư khác với chỉ tập trung và mong chờ hưởng thụ là thế.
Vậy theo ông có phải tâm lý mong chờ hưởng thụ là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng người Việt đang hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê, lười làm thích ăn sẵn. Trông chờ vào một nền kinh tế đang phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên có sẵn đem bán, thế nhưng nguồn tài nguyên cũng đang dần cạn kiệt, phải đi nhập khẩu ngược lại tiêu biểu như điện, xăng dầu, điều này sẽ dẫn tới hệ quả nào, thưa ông? Ai hay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này, thưa ông?
Tôi nghĩ tất cả người Việt sẽ chịu trách nhiệm trong đó có tôi, có bạn và có cả những ai là người Việt.
Vốn được tôn trọng với nhiều đức tính hay phẩm chất quý, người Việt đang dần xấu đi bởi một số cá nhân lười nhác, ăn cắp vặt hay ích kỷ dần. Đó là những gì diễn ra trong thực tiễn. Vấn đề chưa đến mức trầm trọng nhưng biểu hiện là điều thực tế. Vì thế, cần nhìn vấn đề này một cách có trách nhiệm cũng như có “lương tâm” mang một tầm vóc lớn.
Việc đang diễn ra về mặt kinh tế, kỹ thuật và hàng loạt những lĩnh vực khác khi chúng ta đang xoay chiều về đầu tư, nhập khẩu cho thấy tình hình thực tiễn đang diễn ra.
Lộ trình để giải quyết vấn đề không chỉ dựa vào việc chỉ khắc phục tính xấu như lười biếng, ích kỷ mà cần có tầm nhìn xa hơn. Khi phát triển cao và xa hơn đáp ứng cuộc sống, đáp ứng định hướng phát triển đất nước và xã hội thì vấn đề sẽ được giải quyết toàn cục.
Thế nhưng những gì diễn ra cũng cần có một chính sách mang tính tổng thể đặc biệt là trên bình diện con người để xứng tầm và phù hợp với thực tiễn. Và cuộc sống không thể chỉ khắc phục nếu như không có định hướng để đổi thay. Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và cả những người có trách nhiệm với con người và sự phát triển con người cần có những chính sách mang tính hoạch định và thiết thực là thế.
Xin cảm ơn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn!
Theo Đất Việt