600 người vận hành 13km đường sắt, chuyện đùa đấy ạ?

Thứ hai, 15/09/2014, 14:15
Tại sao chỉ để vận hành 13km đường sắt mà cần tới 600 người? Họ sẽ làm gì? Bán vé? Soát vé bằng tay? Điều khiển bảng tín hiệu bằng tay? Thổi còi toe toe đuổi bắt hàng rong ở sân ga? Hay là nói cho vui, cứ 3 công nhân thì phụ trách một cái bơm, hàng ngày vác bơm ra bơm bánh tàu?

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông cho biết, khi đưa vào vận hành 13km đường này vào năm 2015 sẽ cần 600 người. Toàn bộ kinh phí đào tạo cho 600 người này nằm trong kinh phí dự án.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 9/9 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã cung cấp thông tin: “Cần 600 người vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13km sau khi tuyến đường này hoàn thành vào năm 2015”.

Tôi đọc bản tin mà ngỡ như đang đọc một câu chuyện đùa. 600 người cho một tuyến đường dài hơn 10 cây số, vị chi là khoảng gần 60 người cho 1km đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông. Họ sẽ làm gì ở đó nhỉ?

Tuyến đường sắt hiện đại trên không này chỉ có 13km nhưng cần 600 người vận hành. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Thử hình dung với một quãng đường dài như thế, bằng ấy con người đứng ra nắm tay nhau thì có lẽ chiều dài của dòng người đó cũng đã phủ kín suốt quãng đường rồi, còn làm gì được nữa?

Ông Hùng cho biết thêm: “Chi phí để đào tạo 600 người này hoàn toàn nằm trong kinh phí của dự án. Cuối tháng này sẽ có 37 người đầu tiên được đưa sang Trung Quốc học lái tàu. Hiện Bộ GTVT và thành phố Hà Nội đang thảo luận xem có trả lương cho những người được cử đi đào tạo hay không, khi họ trở về và chờ việc thì có được trả lương không, nếu không trả lương mà họ đi làm việc khác thì cũng gay go”.

37 người sẽ được đưa sang Trung Quốc học lái tàu, còn 563 người còn lại, công việc của họ cụ thể là gì? Giá như có phóng viên nào đó có mặt trong buổi họp báo đặt câu hỏi xoáy vào con số này, hẳn chúng ta đã có một câu chuyện thú vị hơn nhiều.

Tôi cũng có dịp từng được sử dụng dịch vụ giao thông ở nước ngoài, và chắc chắn nhiều bạn đọc cũng vậy, nên chúng ta hoàn toàn có cơ sở để so sánh. Những tuyến đường sắt trên không, tàu điện ngầm ở nước ngoài hầu như đã được tự động hóa hoàn toàn, vắng tanh không có bóng người soát vé. Và công nghệ tự động hóa này không phải mới được áp dụng ngày một ngày hai mà đã rất nhiều năm.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến giờ chưa thấy mặt mũi đâu, vì nó chậm tiến độ hai năm trời, đội giá thành vào “hàng khủng” và đã được các chuyên gia bình luận là “quá đắt đỏ”, mức trung bình làm 1km tàu điện của thế giới chỉ là 20-30 triệu USD, còn tuyến đường này là 70 triệu USD.

Vậy vấn đề là tại sao chúng ta đi sau các nước khác lâu như thế mà lại chọn một công nghệ tiêu tốn nhiều nhân lực đến như vậy? Tại sao chỉ để vận hành 13km đường sắt mà cần tới 600 người? Họ sẽ làm gì? Bán vé? Soát vé bằng tay? Điều khiển bảng tín hiệu bằng tay? Thổi còi toe toe đuổi bắt hàng rong ở sân ga? Hay là nói cho vui, cứ 3 công nhân thì phụ trách một cái bơm, hàng ngày vác bơm ra bơm bánh tàu?

Có người đọc xong con số gây sốc này đã bình luận: “Ôi dào, chắc là ngành đường sắt lo xa, các bác ấy biết thế nào khi vận hành cũng có lúc tàu sẽ chết máy, phải có đủ đội quân cứu hộ hùng hậu đi mà đẩy tàu về bến chứ, chả nhẽ để tàu nằm lù lù giữa đường thế à”.

Mong chờ biết bao nhiêu ngày tháng để có một tuyến đường sắt hiện đại trên không nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến Cát Linh - Hà Đông, đầu tư mất bao nhiêu tiền của, cái tuyến đường sắt chỉ “điều chỉnh một tý” đã mất hơn 300 triệu đô, tức là tương đương hơn 7.000 tỷ đồng ấy, chưa thấy hiện đại đâu mà nghe chừng té ra là hại điện bà con ạ.

Thật hãi hùng biết bao, chỉ có 13km đường sắt mà phải tới 600 người mới vận hành nổi, vậy thì khi nó đi vào hoạt động, chỉ nguyên tiền lương trả cho ngần ấy người, đã tốn kém biết là bao nhiêu.

Có câu “đắt xắt ra miếng”. Cái dự án này chắc là cũng xắt ra được vô vàn “miếng” rồi đó chứ chẳng chơi. Miếng ngon miếng ngọt thì chẳng biết về đâu nhưng cái miếng đắng cay khổ sở vất vả chịu tắc đường trong suốt mấy năm nay và sẽ còn tiếp tục chịu đựng trong vài năm tới thì chắc chắn là dân đã được hưởng no cả bụng.

Mất cả đống tiền đã tiếc, mất cả núi thời gian còn tiếc hơn, vì thời gian còn quý hơn tiền bạc, nhưng đổi lại chúng ta có gì? Một dự án tốn kém, chậm tiến độ, công nghệ “thế nào đó” nên phải cần tới 600 người vận hành cho 13km đường.

Ai sẽ phải đứng ra trả lời và chịu trách nhiệm trước người dân về những vấn đề này?

600 người cho 13km đường, không phải các vị đang đùa đấy chứ ạ?

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích