Thông tin được đưa ra tại cuộc họp về tiến độ các dự án metro tại Hà Nội, TP.HCM, do Bộ GTVT tổ chức sáng 12/9.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) tổng mức đầu tư tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, tiến độ dự kiến chậm hai năm từ 2018 lên 2020 - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Chưa triển khai, vốn đã tăng gấp đôi
|
Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT, tất cả dự án metro đều tăng tổng mức đầu tư từ 60 đến gần 200%. Cá biệt, có dự án metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), dù chưa đấu thầu, thi công nhưng đã dự kiến tăng tổng vốn từ 19.500 tỉ lên 51.750 tỉ, tăng 164% do biến động giá nguyên vật liệu, trượt giá, thay đổi thiết kế…
Trong khi đó, ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN - chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1, cho biết dự án dù được phê duyệt năm 2008 nhưng đến 2011 Hà Nội mới phê duyệt quy hoạch, dẫn đến phải thay đổi lại thiết kế, có đoạn như Phùng Hưng sang ga Gia Lâm phải thay đổi toàn bộ tuyến.
“Thiết kế kỹ thuật của dự án là đường sắt chạy 3 ray, chạy chung đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, nhưng trên thế giới chưa có đường sắt nào như vậy”, ông Tảo nói. Nghe vậy, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu lại phê duyệt thiết kế không giống ai?”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhìn nhận dự án chậm tiến độ, tăng vốn khiến người dân rất bức xúc, nhưng cho rằng cần phải xác định rõ nguyên nhân ở đâu.
“Chúng ta cứ đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng với Hà Nội, tăng tổng mức đầu tư do khách quan. Nghiên cứu dự án rất sơ sài, thiếu nhiều từ hướng tuyến nhà ga. Như tuyến số 3 ban đầu đặt ga ngầm ở Voi Phục, nhưng sau đó chuyển sang Kim Mã, chưa làm gì mới chỉ rà soát trên giấy đã tăng vọt gấp đôi lên 1,1 tỉ USD. Nắm bắt kỹ thuật, điều hành rất yếu, phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn và nhà tài trợ”, ông Hùng phân tích.
|
Ông Hùng còn dẫn chứng tuyến Nam Thăng Long mới ký xong, rà soát lại trên giấy tờ vốn đầu tư đã tăng 2 lần, lỗi do ban đầu khi lập dự án mới là “cái vỏ” để ký kết hợp đồng vay vốn. Hiện dự án đang được thẩm tra lại mức điều chỉnh, thuê tư vấn độc lập thẩm tra tổng mức đầu tư, mục nào đáng tăng mới được tăng.
“Tăng hay giảm cần minh bạch, không nên đổ lỗi cho GPMB. Nhắm mắt duyệt biện pháp thi công không khả thi khi GPMB không có tiến triển. GPMB giao địa phương, thi công do nhà đầu tư ký với nhà thầu, không có sự ăn khớp. Một số nhà thầu nước ngoài khi nhận tổng thầu gần như bàn giao lại cho nhà thầu VN thực hiện”, ông Hùng nói.
Nhà thầu kê bao nhiêu duyệt bấy nhiêu
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt đô thị TP.HCM, nhìn nhận VN chưa có khung tiêu chuẩn nào với đường sắt đô thị, nhà thầu kê lên bao nhiêu thì phải duyệt như vậy vì không nắm được.
Còn theo đại diện Bộ KH-ĐT, các dự án metro từ khâu nghiên cứu khả thi đến thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công đều phụ thuộc tư vấn của nhà tài trợ, dẫn đến phải chấp nhận đội vốn, vay thêm một khoản.
Ông này đề nghị rà soát kỹ và đưa ra tiêu chuẩn chung cho đường sắt đô thị, vì không thể chỉ trong vài năm vốn đã tăng gấp đôi, gấp 3 trong khi thiết bị, công nghệ không có sự thay đổi lớn, khác biệt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ, nhiều dự án lập ra sơ sài, đấu thầu chỉ có một nhà thầu, ước tính GPMB trong bước chuẩn bị đầu tư gần như không chính xác.
“VN xây dựng metro đắt vì vay vốn phải cộng thêm lãi, thiết bị không sản xuất được, phải chịu sự ràng buộc của nhà tài trợ dự án, như tuyến Nhổn - ga Hà Nội yêu cầu 100% xuất xứ châu Âu”, ông Đông nói và đề nghị ngay khi lập dự án, chủ đầu tư phải khẳng định được vai trò, cần tách khâu GPMB thành dự án riêng. Về dài hạn, cần nghiên cứu phát triển công nghiệp đường sắt, tránh tình trạng bất cứ thiết bị gì cũng phải nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, toàn bộ các tuyến đều chậm 3 - 5 năm, nếu không nỗ lực thì còn chậm nữa.
“Các dự án đều vay vốn nước ngoài rất lớn và một phần vốn đối ứng trong nước, nhưng đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Dù vốn nào thì người dân nộp thuế cũng phải trả, giờ chưa trả thì con cháu chúng ta phải trả nợ”, ông Thăng nói.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng chỉ ra các lỗi như nghiên cứu chuẩn bị đầu tư hết sức sơ sài, đưa ra tổng mức đầu tư ban đầu thường rất thấp, rồi làm theo quy trình ngược, lập hướng tuyến trước khi có quy hoạch giao thông…
“Vụ KH-ĐT chủ trì lập báo cáo, công khai rõ nguyên nhân chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư cho người dân biết, phân rõ trách nhiệm đâu là của Bộ GTVT, đâu là của Hà Nội, TP.HCM, không né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan. Nếu không người dân sẽ thiếu lòng tin, nghi ngờ việc thực hiện dự án, xót xa khi đồng tiền vay nợ sử dụng không hiệu quả”, ông Thăng yêu cầu.
TP.HCM - Tuyến metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, tổng mức đầu tư tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng (tăng 172%), dự án đã phải lùi tiến độ dự kiến 2 năm từ 2018 lên 2020. Trung bình suất đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng/km, tương ứng 120 triệu USD/km. - Tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) đoạn Bến Thành - Tham Lương dài 11,3km, tổng mức đầu tư từ 1,374 tỷ USD lên 2,15 tỷ USD (tăng 784 triệu USD), chậm 2 năm. Trung bình suất đầu tư 190 triệu USD/km. Hà Nội - Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km chậm 3 năm so với kế hoạch, tổng mức đầu tư từ 653 triệu euro tăng lên 1,17 tỷ euro (tăng 50,2%). Trung bình suất đầu tư khoảng 93,6 triệu euro/km. - Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, tổng mức đầu tư tăng từ 19.500 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng (tăng 164%), chậm 3 năm. Trung bình suất đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng/km, tương ứng 225 triệu USD/km. - Tuyến metro số 1 Hà Nội (giai đoạn 1) dài 15,36km, tới nay vẫn chưa rõ hướng tuyến, sẽ phải điều chỉnh cả quy mô, tổng mức đầu tư và tiến độ. - Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km, hiện đang rà soát điều chỉnh tổng mức từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD, tiến độ dự kiến tháng 11/2013 đã phải điều chỉnh xuống tháng 12/2015, chậm 2 năm. Trung bình suất đầu tư khoảng 68,5 triệu USD/km. |
Theo Thanh Niên