Đời làm thuê, sếp tổng thủ sẵn đơn từ chức

Thứ sáu, 12/09/2014, 09:56
Các vụ đến đi của các giám đốc điều hành (CEO) nổi tiếng tại Việt Nam trong vài năm gần đây cho thấy việc làm thuê kiếm tiền tỷ không bao giờ dễ dàng.

Ồ ạt miễn nhiệm

CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) vừa ra thông báo miễn nhiệm tổng giám đốc Dư Hữu Danh kể từ ngày 1/9/2014 với lý do: không đủ năng lực, dẫn tới kinh doanh thua lỗ triền miên.

Để vực dậy công ty, tránh nguy cơ thua lỗ thêm và phải rời sàn, STT mời ông Kakazu Shogo - do nhóm cổ đông Nhật Bản giới thiệu - làm CEO.

Lý do để STT thay CEO khá rõ ràng, trong khi phần lớn các trường hợp miễn nhiệm người trực tiếp điều hành doanh nghiệp khác đều không đề cập chi tiết, mà chỉ thông báo chung chung “theo đơn từ nhiệm” của họ.

CEO-Việt, CEO-nữ, ngân-hàng, VIB, Habubank, ABBank, SaiGonTourist, Hamico, KFL, Trương-Đình-Anh, FPT-Telecom, Thép-Nam-Kim, Vingroup; Techcombank, Dương-Thị-Mai-Hoa, sếp-ngân-hàng, bổ-nhiệm, sa-thải, nhân-sự-cao-cấp
Sau nhiều lần đến - đi của các CEO ở FPT, dường như chưa có ai thay thế được vai trò của ông Trương Gia Bình

Nghị quyết HĐQT ngày 26/8/2014 của Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Hamico (KSH) cũng thông qua việc từ nhiệm của Tổng Giám đốc Vũ Minh Thành và bổ nhiệm ông Nguyễn Hoài Linh thay thế.

Hồi đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF) có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Bình giữ chức vụ TGĐ thay cho bà Trần Thị My Lan, theo đơn đề nghị thôi giữ chức vụ của bà Lan.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) cũng thay CEO trong tháng 8 vừa qua. Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Tuyền theo đơn xin từ nhiệm. Chứng khoán Trí Việt (TVSC) miễn nhiệm TGĐ Hán Công Khanh, và chức vụ này do chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Tùng kiêm nhiệm.

Khá nhiều DN khác gần đây cũng thay đổi CEO, như: Than Vàng Danh, Than Cao Sơn (TCS), Beton 6 (BT6), Cao su Hòa Bình (HRC)... với nhiều lý do khác nhau.

Trước đó, giới đầu tư chứng khoán cũng đã chứng kiến những vụ “ra đi” đình đám của nhiều sếp điều hành nổi tiếng khác như ông Trương Đình Anh tại FPT và FPT Telecom; ông Phạm Văn Trung tại Thép Nam Kim (NKG); bà Lê Thị Thu Thủy từ nhiệm khỏi mảng thương mại điện tử VinE-com của Vingroup; Simon Morris rời Techcombank; Dương Thị Mai Hoa rời VIBBank; Trương Công Thắng tại Masan Consumer; Nguyễn Quốc Hương tại Eximbank; Lý Xuân Hải tại ACB; Trương Hoàng Lương tại KienLongBank...

Hiện tượng hàng trăm vụ thay thế CEO trên sàn chứng khoán hơn một năm gần đây phần nào cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua và sự kỳ vọng của ông chủ vào “bàn tay” điều hành của các vị tổng giám đốc đã không thành. Qua đó cũng thấy, công cuộc tái cơ cấu đang được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ.

Lý lẽ của các ông chủ

Không úp mở, Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) nằm trong số ít doanh nghiệp công khai lý do thay CEO là “do năng lực của Ban điều hành nói chung và của cá nhân tổng giám đốc nói riêng".

Theo đánh giá của HĐQT, với cách điều hành như cũ, năm 2014 công ty có thể sẽ lỗ hơn 7 tỷ đồng sau khi đã lỗ hơn 4,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2014 và gần 18 tỷ đồng năm 2013 và 21,6 tỷ đồng (2012).

CEO-Việt, CEO-nữ, ngân-hàng, VIB, Habubank, ABBank, SaiGonTourist, Hamico, KFL, Trương-Đình-Anh, FPT-Telecom, Thép-Nam-Kim, Vingroup; Techcombank, Dương-Thị-Mai-Hoa, sếp-ngân-hàng, bổ-nhiệm, sa-thải, nhân-sự-cao-cấp

Trên thực tế, sự bất ổn nhân sự ở STT diễn ra đã lâu, với hàng loạt nhân sự quản lý bị bãi nhiệm trước đó và qua nửa năm, ban điều hành vẫn chưa xây dựng được kế hoạch kinh doanh 2014.

Cổ đông lớn của STT là SaigonTourist hồi giữa tháng 7 cũng đã gửi văn bản yêu cầu STT dừng ngay việc thanh lý tài sản sau khi nguyên TGĐ Dư Hữu Danh ký trình xin bán gồm: thanh lý 100 xe taxi được đầu tư năm 2009, thanh lý khu đất có diện tích 616m2 ở quận Gò Vấp, TP.HCM.

Có lẽ, điều quan trọng là các cổ đông STT lo ngại doanh nghiệp này không nhìn nhận thấu đáo các nguyên nhân dẫn tới thua lỗ, và các biện pháp khắp phục xem ra còn khá chung chung.

Với Khoáng sản Hamico (KSH), cùng với sự thăng hoa chung trên TTCK, việc thay CEO mới có lẽ đã góp phần giúp cổ phiếu này tăng suýt soát 3 lần trong tròn một tháng qua, từ mức 6.000 đồng ngày 11/8 lên 17.500 đồng/cp vào ngày 11/9.

Chưa biết sếp mới sẽ đảm đương công việc ra sao, nhưng chứng tỏ DN này đang tái cơ cấu mạnh mẽ với các quyết định về thay đổi lãnh đạo, lên kế hoạch phát hành thêm 30,6 triệu cổ phiếu vừa để tăng vốn lên khoảng 3,5 lần, vừa để cấn trừ công nợ và chuyển đổi vốn từ hợp tác kinh doanh sang vốn góp. Sự kỳ vọng của TTCK vào cổ phiếu KSH có lẽ còn ở chỗ DN này gần đây còn thay đổi cả cổ đông lớn. Hơn 3 năm khó khăn sẽ qua, có thể sắp tới là thời kỳ làm ăn phát đạt, lãi lớn như thời kỳ 2008-2010 của KSH.

Có thể thấy, quyết định thay đổi CEO gắn liền với hoạt động yếu kém ở nhóm các CTCK, BĐS, khoáng sản... hoặc, vì các CEO chưa đáp ứng được kỳ vọng ban đầu của ông chủ như trường hợp tại FPT, VinE-com, Techcombank... Tại một số ngân hàng, CTCK, sự thay đổi về sếp điều hành còn liên quan tới những hành vi vi phạm pháp luật.

Đôi khi, sự thay đổi chỉ là do không hợp nhau trong chiến lược cũng như cách thức điều hành phát triển DN. Hầu hết các cuộc chia ly đều khá lặng lẽ.

Song nhìn chung, nguyên nhân chính là do các giám đốc điều hành đã không nhận được sự hài lòng từ ông chủ. Mà khi các ông chủ không ưa thì “dưa cũng có giòi”, việc hợp tác sẽ không còn dễ dàng, nhất là khi các ông chủ thường kỳ vọng lớn vào các CEO, đi kèm đó là khoản lương thưởng “khủng”. Thông thường, các CEO thường đón nhận quyết định miễn nhiệm một cách khá nhẹ nhàng, nhưng cũng có một vài vụ “ra đi” rùm beng, cãi cọ, kiện tụng nhau ầm ĩ.

Theo Vef

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích