Samsung: Doanh nghiệp Việt mới chỉ làm được cái… bao bì

Thứ sáu, 12/09/2014, 08:22
Trong gần 100 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chỉ có 7 doanh nghiệp lọt được vào danh sách cung ứng sản phẩm cho một tập đoàn điện tử lớn, nhưng chỉ dừng lại ở cái… bao bì.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ (KHĐ) tổ chức sáng 11/9, GS. Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT đã phải thốt lên rằng, “không sản xuất và cung ứng nổi cái ốc vít, cục sạc…. đó nỗi đau của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.

Mới chỉ dừng lại ở cái… bao bì

Theo GS. Nguyễn Mại trong khi tỷ lệ linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan là trên 50% thì tỷ lệ này của Việt Nam chỉ khoảng 27,8%. Chính vì lẽ đó giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ dừng lại ở con số trên 15%.

Kết quả này, theo GS. Mại là hệ quả của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không “khớp” trong tổng thể liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI).

Không liên kết đã đành, CNHT Việt Nam cũng không hình thành được các mô hình liên kết theo chiều dọc (mô hình từ nhà cung ứng đầu vào – nhà sản xuất – nhà phân phối…) và chiều ngang (liên kết hợp tác giữa nhà sản xuất cùng loại sản phẩm) để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Ba tiêu chí then chốt để DN CNHT Việt Nam chen chân vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho các tập đoàn nước ngoài là: chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng

Thực tế từ việc cung ứng các sản phẩm linh phụ kiện cho Samsung Electronics Việt Nam (SEV), ông Shim Won Hwan – Tổng giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung tiết lộ, với từng hạng mục sản phẩm riêng Samsung có quy định cụ thể. Bởi thực tế khó có một DN nào có thể cung cấp toàn bộ về số lượng, giá cả hay công nghệ. Hiện có những linh kiện Samsung phải mua từ 3 đơn vị, thậm chí có linh kiện phải mua từ 13 đơn vị khác nhau.

Vậy nhưng, “một điều đáng tiếc là cho tới giờ DN CNHT Việt Nam mới chỉ cung ứng được cho chúng tôi các sản phẩm in ấn, bao bì”-  ông Shim Won Hwan cho hay.

Có được ngành công nghiệp hỗ trợ đã 14 năm, nhưng tới giờ các DN CNHT Việt Nam mới chỉ cung ứng được cho một trong số tập đoàn điện tử lớn đầu tư tại Việt Nam cái… bao bì, mà không sản xuất và cung ứng nổi các ốc vít, cục sạc… “Đấy là nỗi đau của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” – GS. Nguyễn Mại thốt lên.

Loay hoay, dò dẫm, cứ đi thì sẽ thấy đường?

Ông Jang Hoyoung - Giám đốc bộ phận mua hàng SEV cho biết, mỗi tháng nhà máy của SEV tại Bắc Ninh xuất xưởng 17 triệu chiếc điện thoại, chưa kể các sản phẩm điện tử khác như màn hình máy tính, camera, máy hút bụi… Cứ 400 triệu chiếc điện thoại Samsung được bán ra trên toàn thế giới thì có tới 120 triệu chiếc, khoảng 1/3, là được sản xuất từ nhà máy của SEV tại Bắc Ninh.

GS. Mại quả quyết, “DN CNHT phải tìm mọi cách để bước vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung...Không thể nào chấp nhận được việc Việt Nam là cứ điểm lớn sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm cho Samsung mà lại để họ đi nhập linh kiện từ nước khác”.

Đồng lòng là phải “chen chân”, nhưng đa số các DN có mặt tại hội thảo đều băn khoăn để vào được chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Samsung thì DN phải đáp ứng điều kiện như thế nào?

Theo đại SEV, DN Việt Nam có thể cung cấp được nhiều hơn linh phụ kiện cho SEV nếu đảm bảo được 3 yếu tố then chốt, là chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.

Tiêu chí đầu tiên là giá. Hiện nay các DN FDI có nhiều chi phí và khoản đầu tư khác nên so với các DN Việt Nam nên sản phẩm họ sản xuất ra sẽ không tốt hơn về giá. Vì thế, giá cả cạnh tranh sẽ là một điểm mạnh để các DN Việt Nam muốn cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài.

Ngoài ra, khả năng cung cấp cũng là một vấn đề rất quan trọng. Ví dụ, trong lúc cần kíp DN đặt hàng gấp thì công ty đó có cung cấp được hàng luôn không…

“Chúng tôi phân ra cùng một linh kiện, DN nào mạnh về giá, mạnh về chất lượng, mạnh về khả năng ứng biến, chúng tôi sẽ điều chỉnh nhà cung cấp nước ngoài qua các đợt mua hàng theo yêu cầu khác nhau” - ông Shim Won Hwan chia sẻ.

Trấn an các DN, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) kể, trong buổi giải lao giữa hội thảo nhiều DN phàn nàn với ông, với những tiêu chí đưa ra khá “ngặt nghèo” như của Samsung thì khó có DN CNHT nào hội đủ điều kiện. Song, vị Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, “có đi thì mới thấy đường”. Vị Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lạc quan, “có thể DN đơn lẻ sẽ không đáp ứng được các điều kiện mà Samsung đưa ra, nhưng nếu biết tập hợp và hỗ trợ nhau thì tôi tin DN nội địa sẽ được “chấm điểm”.

Hiện ngoài Samsung, hiện có rất nhiều tập đoàn sản xuất lớn như LG, Nokia, Canon…. đang tìm kiếm các DN CNHT Việt Nam để hợp tác. Việc hợp tác này sẽ không chỉ phát triển CNHT trong nước, mà giảm chi phí vận chuyển, chi phí lao động … Và ở chiều ngược lại DN CNHT nội có thêm cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực sản xuất của chính mình.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích