Cựu Giám đốc Sisde, tướng Mario Mori đối mặt với cáo buộc mới - Ảnh: Sky.it |
Trong lúc giới công tố tiếp tục triển khai các cuộc điều tra về nghi án móc nối giữa chính quyền và lãnh đạo cảnh sát Ý với mafia hồi đầu thập niên 1990, giới nghị sĩ Ý đã công bố thông tin liên quan đến một thỏa thuận ngầm giữa cơ quan tình báo với các trùm mafia thụ án tù chung thân trong các nhà tù bí mật ở nước này. Theo đó, chính phủ đồng ý chi tiền cho các “bố già” để đổi lấy thông tin về những hoạt động tội phạm của chính họ.
Mật ước “Hồ điệp”
Trong một cuộc họp báo tại Rome vào ngày 30/9, Phó chủ tịch Ủy ban Chống mafia của Quốc hội Ý, nghị sĩ Claudio Fava cho biết ngay cả các thẩm phán điều tra những vụ án liên quan đến mafia lâu nay vẫn không hay biết gì về hoạt động mua bán thông tin bí mật giữa chính quyền và xã hội đen, theo AP.
Được biết, mật ước có tên gọi là “Thỏa thuận Hồ điệp” trên thực tế có thể đã được triển khai từ tháng 1/2003. Tuy nhiên, phải đến tháng 5.2004 thỏa thuận chính thức giữa Cơ quan Mật vụ dân sự Ý (Sisde) với Cục Quản lý trại giam (Dap) mới được ký kết. Theo một số nguồn tin, cái tên “Hồ điệp” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Papillon - Người tù khổ sai của tác giả Henry Charrière (papillon trong tiếng Pháp nghĩa là con bướm - hồ điệp).
Tiền dùng để mua tin tức được lấy từ các khoản ngân sách dành cho những dịch vụ công cộng và chi cho một đại diện nào đấy ở ngoài trại giam nhưng làm việc cho đối tượng cung cấp tin. Hoạt động này bị phanh phui sau khi Thủ tướng Matteo Renzi quyết định giải mật tài liệu liên quan vào tháng 7, và cựu Giám đốc Sisde là tướng Mario Mori đã thừa nhận về sự tồn tại của thỏa thuận trên trước phiên tòa tại Palermo, Sicily.
Được biết, thời gian diễn ra thỏa thuận giữa tù nhân mafia với Sisde kéo dài từ năm 2003 đến 2007. Trong thời gian này, Sisde được quyền tiếp cận tù nhân nguy hiểm mà không cần trình trát tòa. Có thể nói, trên thực tế, Sisde trong một thời gian dài đã chịu trách nhiệm về mọi nhân vật chóp bu của thế giới ngầm bị biệt giam trong những nhà tù an ninh nhất nước Ý.
Nghị sĩ Fava cho biết ủy ban của ông từ ngày 1/10 đã bắt đầu các phiên điều trần để đánh giá về sự hữu ích của thông tin do các trùm mafia cung cấp. Và ông nghi ngờ những thông tin trên có thể đã được tận dụng để đánh lạc hướng các cuộc điều tra về mối liên hệ giữa giới chính khách nước này với các tổ chức tội phạm.
Nghị sĩ Fava, con của một nhà báo bị mafia giết chết vào năm 1984, hy vọng rằng Ủy ban Chống mafia sẽ sớm thu được danh sách mua tin, cũng như số tiền cho mỗi phi vụ. Trong số những kẻ cung cấp tin cho Sisde có thể bao gồm Giuseppe Lipari, cánh tay mặt của “bố già” đứng đầu gia tộc Corleonesi là Bernardo Provenzano. Lipari sa lưới vào năm 2007, trong khi cựu Giám đốc Sisde là Mori cũng đối mặt với cáo buộc cố tình để sổng trùm Provenzano vào năm 1995, theo tờ La Gazzetta del Mezzogiorno.
Liên minh ma quỷ
Theo Press TV, trong một phiên tòa khác tại Sicily, các công tố viên cáo buộc cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicola Mancino và một số chính khách khác đã thương thuyết với thế giới ngầm trong nỗ lực chặn đứng những đòn trả thù điên cuồng của mafia, nhất là sau khi “bố già của các bố già” Salvatore Riina lọt vào tay cảnh sát vào năm 1993. Kể từ năm 1992, mafia đã đánh bom những địa điểm như phòng tranh Uffizi ở Florence và 2 nhà thờ tại Rome, để ám sát các thẩm phán Ý và gây áp lực cho chính phủ.
Giới công tố viên đặt nghi vấn rằng mafia buộc các quan chức chính quyền thời đó phải xuống thang cuộc chiến chống thế giới ngầm nếu muốn mafia Sicily ngừng chiến dịch đánh bom trả thù. Và một trong những điều kiện là chính phủ phải giảm án cho hơn 300 thành viên mafia đang thụ án.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Mancino đã bác bỏ mọi liên lạc với các “bố già”. Trong khi đó, Tổng thống Ý Giorgio Napolitano mới đây đã nhận được lệnh triệu tập của tòa án để làm chứng trong phiên tòa xử Mancino.
Theo nội dung một cuộc điện thoại mà phía điều tra thu âm được trong quá trình theo dõi nghi can từ năm 2011 đến 2012, ông Mancino đã hỏi một trợ lý của Tổng thống Napolitano rằng có cách nào thoát được vụ xử hay không. Ông Napolitano khẳng định mình không biết gì về cuộc gọi đó, hay bất cứ nội dung điều đình diễn ra giữa chính phủ với mafia.
Tòa án Hiến pháp sau đó ra phán quyết yêu cầu phía điều tra ngưng hành động theo dõi liên lạc qua điện thoại của Tổng thống Napolitano, với lý do cấm điều tra nguyên thủ quốc gia trừ khi ông này dính cáo buộc phản quốc hoặc vi phạm Hiến pháp.
Trong những năm gần đây, một số chính khách kỳ cựu của Ý đã bị kết tội bắt tay với mafia, bao gồm cựu Chủ tịch vùng Sicily Salvatore Cuffaro.
Theo Thanh Niên