Quang cảnh buổi họp báo hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”., chiều 16/8 |
Mở đầu buổi họp báo, PGS.TS. Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, cho biết, cuộc hội thảo lần này là sự nối tiếp 2 hội thảo quốc tế đã được tổ chức thành công trước đó - hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các khía cạnh lịch sử và pháp lý” tại tỉnh Quảng Ngãi và hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại TP.Đà Nẵng.
Tại hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, các học giả sẽ trao đổi các nội dung, gồm: Quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế; tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (phán quyết PCA).
Theo ban tổ chức chương trình, đến chiều 16/8, đã nhận hơn 30 bản đăng ký dự hội thảo của phóng viên các báo, với hơn 40 phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế. Vào lúc 8h ngày 17/8, hội thảo sẽ khai mạc. Sau đó, lần lượt có 3 phiên thảo luận theo các chủ đề nêu trên diễn ra trong ngày.
PGS.TS. Phạm Đăng Phước cho biết, hiện có 29 học giả trong nước và quốc tế đã đăng ký tham dự chương trình. Do hạn chế về việc phiên dịch, ban tổ chức chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu cho các phóng viên đã có đăng ký phỏng vấn trước. Việc phỏng vấn thực hiện trong giờ giải lao.
Về mục đích của hội thảo, PGS.TS. Phạm Đăng Phước cho biết, đây là hội thảo khoa học thường niên do trường Đại học Phạm Văn Đồng hoặc nhà trường phối hợp với các trường Đại học khác tổ chức.
“Nhân sự kiện phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ việc của Philippines và Trung Quốc, chúng tôi chọn chủ đề như đã nêu với mục đích để các học giả trong và ngoài nước, cũng như những người quan tâm làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông theo các quy định Luật pháp Quốc tế, trong đó Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời dưới ánh sáng phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện này, hội thảo nhằm khẳng định cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa” - PGS.TS. Phạm Đăng Phước cho biết.
PGS.TS. Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang thông tin thêm, hội thảo sẽ tập trung phân tích, đánh giá vị trí, vai trò của Luật pháp Quốc tế và các biện pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các vấn đề liên quan về luật pháp quốc tế.
PGS.TS. Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng trả lời câu hỏi của phóng viên |
“Chúng tôi hy vọng qua hội thảo mạng lưới hợp tác giữa các học giả Việt Nam và quốc tế ngày càng mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn. Qua đó đề xuất các giải pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông”, PGS.TS. Trang Sĩ Trung - nhấn mạnh.
Về việc tham dự nội dung hội thảo của các nhà báo, PGS.TS. Phạm Đăng Phước, cho biết, phóng viên chỉ dự khai mạc, bài báo cáo đầu tiên của hội thảo, phiên bế mạc, còn các phiên thảo luận thì không tham dự vì thảo luận kín. Sau hội thảo sẽ có thông cáo báo chí về hội thảo.
Về việc không có học giả Trung Quốc tham dự hội thảo, PGS.TS. Phạm Đăng Phước giải thích, trường Đại học Phạm Văn Đồng hiện chưa có quan hệ với các học giả Trung Quốc nên không mời được học giả Trung Quốc tham dự.
Được biết, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo, Ban tổ chức sẽ trưng bày Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa với chủ đề “Những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại nơi diễn ra hội thảo và tại Bảo tàng Hải dương học Nha Trang. Bên cạnh đó, vào sáng 18/8, các học giả sẽ có chuyến tham quan cảng Quốc tế Cam Ranh.
Theo Dân Trí