Ảnh minh họa: AFP |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/5 ngang nhiên tuyên bố hơn 40 nước trên thế giới ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện quốc tế do Philippines khởi xướng liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng cho biết, Burundi, Slovenia, Niger và Mozambique là những quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Vung tiền mua ủng hộ
Theo Sydney Morning Heral, Trung Quốc đã dùng thủ đoạn quen thuộc là “vung tiền” mua sự ủng hộ. Vượt qua Úc, Trung Quốc gần đây nổi lên là một trong những nhà viện trợ nước ngoài lớn nhất cho khu vực Thái Bình Dương và nhằm vào các nước như Samoa, Tonga và Papua New Guinea để tìm kiếm sự ủng hộ.
Tuy không có quốc gia nào ở Thái Bình Dương tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở Biển Đông nhưng Trung Quốc được cho là đang ra sức chứng tỏ họ là một cường quốc trong khu vực với tầm ảnh hưởng quốc tế.
Vanuatu trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương công khai cam kết sẽ “hoàn toàn ủng hộ và chia sẻ” quan điểm chủ quyền sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai hồi tháng trước đã ra một tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc, trong khi nói rằng các hoạt động liên quan đến kiện tụng và tuyên bố chủ quyền “phải dựa trên các bằng chứng lịch sử và văn hóa”.
Tiến sĩ Tess Newton Cain, chuyên gia tư vấn tại công ty TNC Pacific Consulting (trụ sở ở thủ đô Port Vila của Vanuatu) cho rằng, sẽ có thêm các quốc gia khác ở Thái Bình Dương lên tiếng ủng hộ lập trường sai trái của Trung Quốc, trong đó có Samoa, Tonga - các nước nhận đầu tư từ Trung Quốc dưới hình thức cho vay và viện trợ không hoàn lại.
Mặc dù đây đều là các nước nhỏ, tầm ảnh hưởng ngoại giao không lớn, nhưng giáo sư nghiên cứu chiến lược Robert Ayson tại đại học Victoria của New Zealand cho rằng: “Trung Quốc đang cố tập hợp nhóm các nước ủng hộ tuyên bố chủ quyền sai trái của mình. Đó không nhất thiết phải là một quốc gia mạnh, không phải một quốc gia có quân đội hay một nền kinh tế lớn, chỉ cần đó là một quốc gia có chủ quyền”.
Thủ đoạn bị bóc trần
Tân Hoa xã hồi tháng 4 đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc và Fiji đã nhất trí tuyên bố chung “ủng hộ lập trường của Trung Quốc” và nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông “thông qua hoạt động tham vấn hữu nghị thay vì các hành động pháp lý”.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, truyền thông nhà nước Fiji khẳng định chính phủ của họ không hề đưa ra cam kết ủng hộ như vậy.
Ngoại trưởng Papua New Guinea, ông Rimbink Pato, cho biết Trung Quốc cũng áp dụng thủ đoạn tương tự với Papua New Guinea. Ông Pato khẳng định rõ quan điểm của chính phủ Papua New Guinea rằng: “Rõ ràng Trung Quốc là bạn bè thân thiết của Papua New Guinea, cũng giống như Nhật Bản hay Philippines. Do đó quan điểm của chúng tôi là những vấn đề này cần được giải quyết thông qua luật pháp và các thông lệ quốc tế, khi đó chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ phán quyết nào”.
Ông Robert Ayson cho rằng, nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương sẽ không hành động giống như Vanuatu mà sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hợp tác cả với Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.
Tòa án trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài tuần tới. Đến nay, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của tòa. Mặt khác, Trung Quốc cũng tìm cách “lấy lòng” chính phủ sắp tới của Philippines để có thể đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Theo Dân Trí