Trước những lời phát biểu, ý kiến cứng cỏi và kiên cường của Bí thư thành uỷ, của một số bạn đọc báo, và của nhiều người quan tâm đến giáo dục, tôi thấy không phải tất cả đều sai.
1. Giáo dục đào tạo phải theo thị trường
Việc tăng các khoản phí trong giáo dục vào thời điểm này là không thể. Học sinh học một buổi, hai buổi, bán trú, trường quốc tế,… đều có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Số lượng học sinh trong mỗi lớp ở mỗi trường cũng khác nhau thì việc đồng bộ về các khoản phí không phù hợp.
Đưa con học thêm sau giờ tan trường. Ảnh: Lê Huyền |
Nếu cấm giáo viên dạy thêm, thì với chương trình nặng nề như hiện nay, phụ huynh không thể hướng dẫn, theo dõi việc học của con em mình. Họ có thể mời gia sư (sinh viên, những giáo viên không đứng lớp,…), chi phí cho việc này thì không nhỏ. Họ có thể cho con em mình đến học các trung tâm (dự định thực hiện), ở đây sẽ học với số đông và các em có thể thuộc các trường khác nhau.
Số trung tâm sẽ lập có đủ cho nhu cầu học thêm rất lớn hiện nay? Việc đưa đón học sinh là cả một vấn đề to lớn khác. Một số trường hợp, cho đi học thêm thầy cô đang giảng dạy là vì dễ đưa đón, kèm cặp…
2. Quản lý giáo dục cần phải tập trung
Không thể vì lời than thở của một số phụ huynh có con em, bị giáo viên "đì", để ép đi học thêm. Từ đó mà đánh đồng tất cả chúng tôi rồi nghiêm cấm…
Khi tôi đi học cấp hai, cấp ba cũng từng bị giáo viên đì. Ở cấp hai, tôi còn kể cho cha mẹ hay rồi nhờ cô chủ nhiệm ra mặt nói vài lời. Lên cấp ba, tôi chịu đựng được suốt một năm. Tự bản thân tôi thấy việc đó không nên làm, vì tôi không muốn học sinh mình phải chịu cảnh như vậy… Ở thành phố ta, tôi biết cũng có rất nhiều anh chị em đồng nghiệp không bao giờ làm thế với học sinh của mình.
Hằng năm tôi đi dạy, cũng có học sinh mấy tháng cuối không đóng tiền. Cũng có em hoàn cảnh, cho học không lấy tiền. Và cũng có em quậy phá nên cho thôi học thêm. Tôi cũng chỉ kiếm thêm được 5 - 6 triệu một tháng. Chứ đâu kiếm được vài ba chục triệu như vài bạn có ý kiến…
Khả năng kiếm được tiền từ việc dạy thêm của giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học phổ thông là khác nhau. Thậm chí giáo viên các trường khác nhau trong cùng cấp cũng khác nhau.
Tôi thấy việc dạy thêm nên tập trung ở trường. Học phí có thể do giáo viên quyết nhưng thu qua kế toán trường hay một cán bộ khác. Nhà trường vừa có thêm khoản phí và việc dạy thêm cũng quản lí được. Từ đó, có thể tính được thu nhập của giáo viên trong 12 tháng mà đánh thuế! Tôi nghĩ không ai phản đối vấn đề này.
Nếu giáo viên nào có ý định dạy ở nhà riêng, cần xác nhận với nhà trường và cũng không được trực tiếp thu tiền học. Những giáo viên có thể có thu nhập rất cao từ việc giảng dạy của mình, tôi tin rằng họ cũng không từ chối việc đóng thuế.
3. Nhìn từ phía một số học sinh
Học sinh trung bình yếu, bấy lâu nay đều được phụ đạo. Với một số trường có khoản phí tượng trưng, và số còn lại là không có gì. Nhưng giáo viên vẫn dạy. Tuy là việc dạy học sinh yếu mất nhiều công sức hơn, may mắn là số học sinh này ít.
Có một số giáo viên đã o ép, đì học sinh bằng nhiều cách để buộc các em đi học thêm. Nên có chăng có quyết định về vấn đề này? Chẳng hạn, khi giáo viên có sai phạm thì cảnh cáo, buộc thôi dạy thêm trong một khoảng thời gian,… Sao lại vì một vài trường hợp mà đánh đồng chung tất cả giáo viên?
4. Nhìn từ phía giáo viên
Nếu mở các trung tâm, việc dạy thêm thì chỉ được làm ở đây. Vậy với nhu cầu dạy thêm chưa thống kê, các trung tâm ấy có xếp đủ lớp cho các giáo viên? Hay là lựa chọn và bỏ qua nhu cầu dạy thêm của rất nhiều người...
Chúng tôi lao động chính đáng từ đôi bàn tay, khối óc của mình. Tại sao chúng tôi lại bị nghiêm cấm?
Không có giáo viên nào từ đá chui ra như Tôn Ngộ Không. Chúng tôi còn có cha mẹ, gia đình. Việc dạy thêm cũng là muốn có khoản tiền dư cho trang trải cuộc sống hàng ngày, giữ ở đấy để có lúc cần. Cuộc sống này vô thường lắm,…
Chỉ xin mọi người:
"Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ… làm ơn yêu lấy thầy".
Theo VietnamNet