Chủ tịch Trung Quốc (giữa) có bài phát biểu khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8. Tham dự đối thoại, phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew dẫn đầu. |
Theo The Wall Street Jounal, những bất đồng đang phủ bóng các cuộc đàm phán kín giữa hàng chục quan chức cấp cao của Bắc Kinh và Washington, bắt đầu hôm qua (6.6) tại thủ đô Bắc Kinh.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8 diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.
Cuộc đối thoại thường niên nhằm mục tiêu tìm kiếm giải pháp giải quyết các bất đồng, củng cố mối quan hệ vốn thường xuyên căng như dây đàn vì nhiều vấn đề tranh chấp "nóng" - từ chính sách tiền tệ, thương mại, an ninh mạng cho đến vấn đề Biển Đông - giữa Bắc Kinh và Washington.
Ngay tại buổi khai mạc, tranh chấp Biển Đông đã làm nóng đối thoại Mỹ - Trung khi hai bên đưa ra lập trường khác biệt và tranh cãi gay gắt về vấn đề này.
Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết theo đuổi lập trường, tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết giữa các nước liên quan.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8. |
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định vấn đề tranh chấp Biển Đông không nên được giải quyết bằng những hành động đơn phương mà phải thông qua các biện pháp ngoại giao và đàm phán căn cứ vào luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào đeo đuổi tuyên bố chủ quyền thông qua hành động đơn phương”, ông Kerry phát biểu tại đối thoại.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…
Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực và thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra nhằm thách thức các yêu sách của Bắc Kinh.
Trong khi đó, trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew mạnh mẽ cáo buộc, Bắc Kinh làm khó các doanh nghiệp nước ngoài bằng nhiều rào cản pháp lý đồng thời thúc giục Trung Quốc phải cắt giảm công xuất dư thừa quá mức trong ngành thép cũng như các ngành công nghiệp khác của nước này, bị cáo buộc là đang bóp méo và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu.
"Thẳng thắn mà nói, các doanh nghiệp nước ngoài quan ngại rằng liệu họ có được (Bắc Kinh) chào đón khi nhận thấy môi trường pháp lý của Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn rất nhiều", ông Jacob nhấn mạnh.
Đáp trả, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei nói rằng, công xuất dư thừa của các ngành công nghiệp Trung Quốc "đang là vấn đề bị thổi phồng quá mức ở khắp nơi trên thế giới".
Bình luận về những triển vọng tại đối thoại Mỹ - Trung lần này, ông Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về các vấn đề châu Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở ở Washington cho rằng, ông không chắc rằng hai bên sẽ đạt được kết quả đáng kể sau các cuộc đàm phán song phương. Do đó, các vấn đề bất đồng gay gắt nhất giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay sẽ được ủy thác cho chính quyền Mỹ tiếp theo giải quyết.
Trước đó, phát biểu tại buổi khai mạc đối thoại Trung-Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh và Washington cần tăng cường tin tưởng lẫn nhau, đồng thời kêu gọi 2 bên đẩy mạnh các nỗ lực nhằm xử lý xung đột và tránh "đánh giá sai về mặt chiến lược".
"Một số tranh chấp có thể không được giải quyết trong lúc này, nhưng hai bên nên có thái độ mang tính xây dựng và thực tế. Thái Bình Dương nên là khu vực để hợp tác, không phải để cạnh tranh", ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Theo Dân Việt