Tập đoàn Chăn nuôi C.P (Thái Lan) chính thức có mặt và đầu tư vào chăn nuôi tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Trên thực tế, việc đầu tư của Tập đoàn này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân, góp phần xây dựng và hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do sự phát triển và gia tăng liên tục của các trại chăn nuôi lợn gia công cho Tập đoàn C.P nên đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Không có hệ thống xử lý chất thải, từ nhiều năm nay, phân, nước thải của trang trại lợn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P) đều được thải trực tiếp ra môi trường - đây là 1 trong 3 thủ phạm chính đã và đang “giết chết” sông Bưởi ở tỉnh Hòa Bình, dẫn tới việc cá chết hàng loạt.
Ruộng nương ngập ngụa trong phân lợn
Ngày 17.5, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) ra quyết định xử phạt 3 cơ sở vi phạm xả thải gây chết cá trên sông Bưởi (diễn ra từ ngày 6.5), với mức phạt 3,9 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải khắc phục những hậu quả do hành vi xả thải gây ra. Theo đó, Công ty CP Mía đường Hòa Bình bị phạt 1,783 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng; Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng (Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hòa Bình) bị phạt 1,926 tỷ đồng và đình chỉ 12 tháng; cơ sở chăn nuôi lợn gia công cho C.P của ông Nguyễn Ngọc Sáng (xóm Đa, xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) bị phạt 194 triệu đồng và đình chỉ 3 tháng (từ 20.5).
Một góc trang trại của ông Nguyễn Ngọc Sáng ở xóm Đa, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) |
Từ trước khi có quyết định xử phạt này, PV đã đột nhập và phát hiện vị trí trại lợn này xả phân, nước thải ra môi trường. Theo phản ánh của người dân nơi đây, trại lợn của ông Sáng được xây dựng cách đây 5 - 6 năm, với diện tích khoảng 2ha nuôi gia công cho Công ty C.P. Theo quan sát của chúng tôi, trại lợn này chỉ cách nhà dân gần nhất khoảng 200 – 300m. Trong khi đó, theo quy định, trang trại chăn nuôi phải cách khu dân cư ít nhất 500m.
Hôm chúng tôi đến (cuối tháng 5), ông Sáng đi vắng, ông Nguyễn Doãn Vinh - quản lý trại cho biết, hiện trang trại nuôi 2.000 – 3.000 lợn thịt/lứa (mỗi lứa 3-4 tháng). Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù là trại lợn gia công cho C.P, song hệ thống chuồng trại ở đây rất xập xệ, khác hẳn với những trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở nơi khác. Đặc biệt, trại lợn này cũng không có hệ thống xử lý phân, nước thải, mà tất cả đều được thải trực tiếp ra mương, rồi chảy ra sông, qua hai cống thải.
Theo ông Vinh, trang trại có bể biogas, song theo quan sát của PV, toàn bộ lượng phân, nước thải khi rửa chuồng của trại lợn này đều được thải ra một cái bể cạnh đó, song khu bể này đã quá tải khi chứa đầy chất thải, nên phân, nước thải lại chảy theo cống ra mương. Lý giải về việc này, ông Vinh nói: “Từ năm ngoái bể biogas của trại bị hỏng chưa kịp xây lại, nên phân, nước mới chảy ra ngoài”.
Để thông tin đa chiều, chúng tôi tìm gặp hàng chục người dân xung quanh trại lợn này và họ đều khẳng định trại lợn liên tục xả thải trực tiếp ra môi trường nhiều năm nay, chứ không phải khi hỏng bể biogas họ mới thải. Bà Bùi Thị Nghĩa - một hộ dân gần trang trại này bức xúc nói: “Không phải năm ngoái họ mới thải ra mương này, mà từ nhiều năm nay rồi. Có lần họ thải nhiều, nước phân chảy lênh láng khắp mương, tràn cả vào ruộng mía, sắn, ngô khiến cây cối chết hết. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện nhưng không ai giải quyết cả”.
Cùng chung nỗi bức xúc với bà Nghĩa, anh Bùi Văn Năm sống gần trại lợn cho biết, vì trang trại ở trên cao, nên nhiều lần họ lợi dụng mưa to để tháo bể thải ra mương, rồi theo nước mưa chảy ra sông. “Các anh thấy đấy, con mương này giờ đã biến thành nơi thải phân lợn của trại lợn ông Sáng rồi. Nhất là những ngày trời nồm, gió Nam, bà con xóm Đa phải sống trong cảnh sặc sụa mùi xú uế. Khổ nhất là các cháu nhỏ, thường xuyên bị ho, sổ mũi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp” – anh Năm bức xúc cho hay.
Chưa có đủ giấy tờ vẫn đi vào hoạt động
Một điểm xả thải trực tiếp ra môi trường từ trang trại lợn nuôi gia công cho C.P của ông Nguyễn Ngọc Sáng. |
Để làm rõ các thông tin người dân phản ánh, chúng tôi nhiều lần liên hệ với ông Sáng- chủ trại lợn qua điện thoại để làm việc, ông Sáng hẹn sẽ gặp để cung cấp những thông tin, giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, đến hẹn, ông Sáng lại bảo ông bận công việc không tiếp được.
Cách trại lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng không xa, một trại lợn khác nuôi gia công cho Tập đoàn C.P cũng đang trong quá trình hình thành. Với cách quản lý lỏng lẻo của chính quyền nơi đây, nhiều người dân lo ngại, rất có thể không lâu nữa, nơi đây sẽ có thêm “điểm nóng” về môi trường |
Theo tài liệu chúng tôi có được, trại lợn của ông Sáng chưa có các giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa có giấy chứng nhận nước thải ra môi trường hợp vệ sinh, song vẫn đưa vào hoạt động. Về vấn đề này, ông Vinh quản lý trại cho biết, vừa qua ông Sáng đã “thuê trọn gói Phòng TNMT huyện Lạc Sơn lo các giấy tờ thủ tục liên quan”.
Việc Tổng cục Môi trường ra quyết định phạt trại lợn này 194 triệu đồng và đình chỉ 3 tháng vì xả thải trực tiếp ra môi trường và thiếu các giấy tờ liên quan, có ý kiến cho rằng, mức phạt này là quá nhẹ bởi trại lợn này đã gây ô nhiễm nhiều năm nay, chứ không phải bây giờ mới gây ô nhiễm, xả thải trực tiếp ra môi trường.
Anh Bùi Văn Phương ở xóm Đa nói: “Với lợi nhuận ước tính hàng tỷ đồng mỗi năm, mức phạt này khó đủ sức răn đe họ. Nếu làm chặt, họ phải xử lý chất thải rất tốn kém. Tôi đề nghị, nếu họ tiếp tục vi phạm nên đình chỉ vĩnh viễn trại lợn này để trả lại môi trường sống yên bình cho người dân”.
Mặc dù đã có quyết định đình chỉ hoạt động 3 tháng, tuy nhiên hiện trại lợn của ông Sáng vẫn hoạt động bình thường mà không có dấu hiệu gì là tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, nước thải từ 2 cống thải của trại lợn, phân tươi và nước thải của trại lợn này vẫn từng ngày, từng giờ chảy ra mương rãnh.
3.000 trang trại liên kết nuôi lợn cho C.P Theo giới thiệu của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV), hiện tại, CPV đang tiến hành chuyển giao công nghệ chăn nuôi khép kín, năng suất cao cho người chăn nuôi Việt Nam thông qua hình thức chăn nuôi hợp đồng. CPV cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân để họ tự chủ trong hoạt động chăn nuôi, giúp họ trở thành khách hàng của CPV trong tương lai. Bằng hình thức liên kết chăn nuôi hợp đồng, CPV đã hợp tác với nông dân phát triển hơn 3.000 trang trại trên toàn quốc và tạo công ăn việc làm cho khoảng 400.000 lao động. |
Theo Dân Việt