Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm qua cho biết, nhà máy tái chế ở Yongbyon đã được tái kích hoạt.
Cùng ngày, người đứng đầu IAEA Yukiya Amano cho biết, thông tin mà cơ quan này tiếp nhận được liên quan đến các hoạt động của lò phản ứng, hoạt động mở rộng các cơ sở làm giàu uranium và tái chế plutonium tại nhà máy của Triều Tiên ở Yongbyon.
IAEA không được phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, do đó chỉ giám sát thông qua các hình ảnh vệ tinh. Các ảnh chụp vệ tinh mới nhất cho thấy các phương tiện vận chuyển nguyên liệu ra vào, hơi nước và hơi nóng bốc lên ở cơ sở Yongbyon.
“Chúng tôi không có các thanh sát viên trực tiếp trên mặt đất mà chỉ giám sát thông qua ảnh vệ tinh, nên không thể khẳng định chắc chắn”, ông Amano nói. Ông cũng không nêu cụ thể thời gian phát hiện những hoạt động ở cơ sở Yongbyon.
Tuần trước, các chuyên gia tại viện nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) dẫn ảnh vệ tinh cho biết đã phát hiện các xe nghi chở nguyên liệu phục vụ hoạt động tái chế di chuyển bằng đường ray gần khu vực thí nghiệm chất phóng xạ của cơ sở Yongbyon.
Hồi tháng 2, Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ James Clapper cảnh báo, Triều Tiên có thể bắt đầu tái chế plutonium tại Yongbyon.
Lò phản ứng tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đóng cửa từ năm 2007, tuy nhiên năm 2013 Bình Nhưỡng bắt đầu tân trang lại sau vụ thử hạt nhân lần 3. Hồi tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố cơ sở Yongbyon đang hoạt động để nâng cao chất lượng và số lượng vũ khí hạt nhân của nước này. IAEA cũng ghi nhận các hoạt động nối lại tại lò phản ứng ở Yongbyon vào năm 2015.
Hồi đầu năm nay, Triều Tiên bất ngờ thử hạt nhân lần 4 với tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch. Một loạt vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên cũng diễn ra sau đó khiến cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.
Tuy nhiên, đến tháng 5 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia “thù địch” và sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân miễn là chủ quyền quốc gia không bị đe dọa.
Theo Dân Trí