Triều Tiên bắt đầu "trận chiến kinh tế 200 ngày"

Thứ năm, 02/06/2016, 14:47
CHDCND Triều Tiên hôm 1-6 bắt đầu "trận chiến" kéo dài 200 ngày nhằm khởi động kế hoạch kinh tế 5 năm mới được công bố.

Chiến dịch mới nói trên được ca ngợi trên truyền thông nhà nước hôm 1-6. Bài xã luận của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, thúc giục mọi đảng viên, quân nhân và người dân tích cực tham gia "trận chiến" kéo dài 200 ngày.

Không có nhiều chi tiết được công bố, như các cá nhân, tổ chức phải làm gì trong thời gian tiến hành chiến dịch.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước đã chỉ rõ mối liên hệ giữa "trận chiến" với kế hoạch kinh tế 5 năm được nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố tại đại hội đảng vào tháng rồi. "Trận chiến 200 ngày là sự bảo đảm cho chính sách của đảng, mở ra bước đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm" - tờ Rodong Sinmun nêu rõ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một bệnh viện đang xây dựng. Ảnh: KCNA/Reuters

Kế hoạch kinh tế 5 năm nói trên đề ra mục tiêu tham vọng là thúc đẩy sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế nhưng lại không nói rõ những bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Trước đó một tháng, chiến dịch đẩy mạnh sản xuất kéo dài 70 ngày nhân dịp đại hội đảng đã khép lại.

Những hoạt động trên của Triều Tiên được tiến hành giữa lúc kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn vì những biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế sau vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1-2016 và một loạt vụ phóng tên lửa sau đó.

Mới nhất, chính quyền Tổng thống Barack Obama hôm 1-6 cảnh báo các ngân hàng nước ngoài sẽ đối mặt sự trừng phạt của Mỹ nếu làm ăn với Bình Nhưỡng.

Bằng cách gọi Triều Tiên là "mối quan ngại lớn về rửa tiền", giới chức Bộ Tài chính Mỹ đang có những bước đi nhằm cấm ngân hàng bên ngoài nước Mỹ xử lý những giao dịch bằng đồng USD cho Bình Nhưỡng, qua đó phong tỏa hoạt động giao thương quốc tế của họ. Những biện pháp trừng phạt mới này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày nữa.

Bước đi này chắc chắn tăng thêm sức ép lên Triều Tiên nhưng cũng có thể làm xuất hiện thêm rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng nên các công ty Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định trên.

Trong động thái cho thấy vụ việc có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu thêm, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lên tiếng phản đối bất kỳ hành động đơn phương trừng phạt nào có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn nữa.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn