Ảnh vệ tinh chụp ngày 7/4 cho thấy 2 chiếc máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đậu trên đường băng ở đảo Phú Lâm mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Ảnh: ImageSat International |
Một nguồn tin nói rằng, thời gian tuyên bố ADIZ trên Biển Đông tùy thuộc tình hình an ninh ở khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao của Washington với các nước láng giềng của Trung Quốc. “Nếu quân đội Mỹ tiếp tục các động thái khiêu khích để thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực, đó sẽ là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố ADIZ trên Biển Đông”, nguồn tin nói.
Sẽ lập ADIZ ở vùng tranh chấp?
Thông tin này được tiết lộ trước thềm Đối thoại Shangri-La sắp diễn ra tại Singapore. Diễn đàn an ninh này sẽ thu hút sự tham dự của các quan chức quân sự từ nhiều nước, trong đó có Đô đốc Hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Các tranh chấp trên Biển Đông dự kiến sẽ nằm ở vị trí đầu tiên trong chương trình nghị sự của diễn đàn kéo dài 3 ngày, khai mạc hôm 3/6. Tuần tới, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ gặp nhau tại đối thoại kinh tế chiến lược thường niên diễn ra ở Bắc Kinh.
Trả lời câu hỏi của báo South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, việc lập ADIZ trên Biển Đông là “quyền của một quốc gia có chủ quyền”.“Khi nào tuyên bố một vùng như vậy tùy thuộc vào việc liệu Trung Quốc có đối mặt các mối đe dọa an ninh từ trên không hay không, mức độ đe dọa an toàn trên không như thế nào”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
Tạp chí quốc phòng Kanwa (trụ sở tại Canada) gần đây có bài viết nói rằng, Bắc Kinh đã khoanh vùng khu vực sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông, còn thời gian đưa ra tuyên bố này chỉ còn là quyết định chính trị. Theo bài viết, ADIZ mới sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và 7 đảo nhân tạo mới thuộc quần đảo Trường Sa, hoặc vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các đảo. “ADIZ mới của Trung Quốc sẽ chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia”, Tổng biên tập tạp chí Kanwa, ông Andrei Chang, nhận định.
Nhà bình luận Ni Lexiong ở Thượng Hải nói rằng, 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa đã tạo nền tảng cho Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia hàng hải Li Jie ở Bắc Kinh cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng khu vực sẽ hạ bớt nhiệt sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines. Tổng thống đắc cử Duterte hôm qua nói rằng, Philippines sẽ không dựa vào đồng minh an ninh lâu đời là Mỹ, cho thấy Manila có thể sẽ độc lập hơn với Washington trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc và các tranh chấp trên Biển Đông.
Malaysia lặng lẽ chuẩn bị đối phó Trung Quốc
Phát hiện một tàu lớn ngoài khơi bang Sharawak hồi tháng 3 năm nay, các sĩ quan trên một tàu tuần tra của Malaysia bị sốc khi bị chiếc tàu đó rồ máy bắn tung nước vào mặt họ, bấm còi ầm ĩ trước khi phóng đi và để lộ dòng chữ “Hải cảnh Trung Quốc” trên mạn tàu.
Theo một quan chức thuộc Cơ quan thực thi pháp luật biển Malaysia, các tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần xuất hiện quanh bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi thị trấn Miri giàu trữ lượng dầu mỏ. Tức giận vì vụ việc và sự xuất hiện của khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực cũng vào thời gian đó, một số người ở Malaysia đang thay đổi phản ứng của họ trước nước láng giềng Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao Malaysia cho rằng, nước này phải đứng lên chống lại những vụ xâm phạm khi Trung Quốc đang có nhiều hoạt động quanh hàng chục bãi san hô và đảo trên Biển Đông. Trước đây, Malaysia thường ca ngợi “quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc, và phản ứng của nước này trước hành động của Trung Quốc trong khu vực được giới ngoại giao phương Tây gọi là “lặng lẽ”, vì Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Malaysia. Nhưng sau những vụ việc gần đây, Malaysia đã triển khai lực lượng hải quân và triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để yêu cầu giải thích vụ việc.
Vài tuần sau, Malaysia thông báo kế hoạch mở căn cứ hải quân tiên phong gần Bintulu, phía Nam Miri. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định, căn cứ chứa trực thăng, máy bay không người lái và lực lượng đặc biệt này có nhiệm vụ bảo vệ nguồn tài nguyên dầu khí giàu có của Malaysia khỏi các vụ tấn công tiềm tàng từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng giới chuyên gia cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực là nguyên nhân quan trọng hơn nhiều.
Một quan chức cấp cao Malaysia nói rằng, nước này đã đề nghị Mỹ giúp đỡ thu thập thông tin tình báo và phát triển năng lực bảo vệ bờ biển một cách lặng lẽ để tránh làm Trung Quốc nổi giận, Reuters đưa tin. |
Theo Tiền Phong