Tôi chạy xe ôm ở sân bay Tân Sơn Nhất - Kỳ 2: Luật bến bãi, tình nghĩa

Thứ tư, 01/06/2016, 10:24
Giới xe ôm khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đều được phân cấp rõ ràng, lãnh địa của ai người đó hoạt động, không được bắt khách lộn xộn nếu không sẽ bị đàn anh cho ăn đòn ngay lập tức.
Hằng ngày, cánh xe ôm sân bay đi bộ dọc theo đường bê tông hướng vào ga quốc nội ngã giá bắt khách
Để tìm hiểu cách thức hoạt động xe ôm sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều ngày qua Thanh Niên đã nhập vai xin chạy xe ôm ở sân bay để tìm hiểu vụ việc. Bức màn bí mật về một nghề cạnh tranh khốc liệt ở đây cũng dần được hé mở.
Chạy xe ôm cũng phải... học nghề
Trong vai một người xin gia nhập vào đội xe ôm sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động, chúng tôi tìm đến một số cánh xe ôm đang đứng bắt khách dọc hai bên đường bê tông nhỏ dẫn từ bãi xe máy vào ga quốc nội.
Khi ngỏ ý muốn bắt khách khu vực này thì lập tức một xe ôm ở đây trợn mắt, hét: “Ai cho mày vào đây bắt khách, mày muốn gì, cút ra khỏi khu vực ngay. Mày ngon thì bắt thử một khách đi, nếu không bị an ninh bắt thì cũng bầm mặt với tụi tao. Nói xong người này đưa ngón tay chỉ vào mặt và hậm hực bỏ đi”.
Chúng tôi tiếp tục đến nói chuyện với một nam thanh niên khác tên S. cũng được anh này nói: “Tuyệt đối không được đâu em, trong này có bến bãi đàng hoàng, đâu phải ai muốn vào đây cũng được đâu. Em ra ngoài đường chạy xe đi, bắt khách ở đây sẽ bị đánh đó. Cuộc sống mưu sinh thì ai cũng khó khăn như nhau, anh thì không sao, nhưng những người khác ở đây ghê lắm, toàn anh chị ở ngoài vào, không bao giờ chấp nhận người lạ vào đây bắt khách”.
Mỗi khi có lực lượng an ninh sân bay đi qua, nhiều xe ôm phải né vội vào gốc cây hoặc công trình xây dựng gần đó
Sau một hồi kể khổ về những khó khăn trong cuộc sống, cuối cùng S. cũng chấp nhận cho tôi theo học nghề.

Nếu đàn anh bắt chuyện hỏi giá với khách, đi từ cổng nhà ga quốc nội xuống thì phải ngó lơ hoặc né ngay. Đừng bao giờ đi theo hỏi giá, nếu không sẽ ăn đòn nhừ tử. Phải liên tục chú ý lực lượng an ninh sân bay, nếu không sẽ bị “hốt” và giao cho công an phường 2.

S. truyền nghề cho chúng tôi

S. bảo: mới vào thì không được chạy hỏi khách lung tung mà phải tuân theo những quy tắc rõ ràng, nếu không sẽ bị đánh ngay. Nếu có người hỏi, ai đưa vào thì nói là anh thì sẽ được yên thân và chỉ được đứng bắt khách ở khu vực cuối đường (đoạn sát bãi giữ xe).
“Nếu đàn anh bắt chuyện hỏi giá với khách, đi từ cổng nhà ga quốc nội xuống thì phải ngó lơ hoặc né ngay. Đừng bao giờ đi theo hỏi giá, nếu không sẽ ăn đòn nhừ tử. Trong lúc hoạt động, phải liên tục chú ý lực lượng an ninh sân bay, phát hiện phải đi ngay vào khu vực nào đó tránh, đừng để chú ý nếu không sẽ bị “hốt” và giao cho công an phường 2 (Q.Tân Bình)”, S. hướng dẫn.
S. kể trước đây làm bảo vệ trong khu vực sân bay. Do quen mặt hầu hết cánh xe ôm ở đây nên khi nghỉ làm bảo vệ chuyển qua chạy xe ôm thì anh em đều không nói gì.
Làm nghề này nếu biết cách hét giá và bắt khách thì thu nhập rất khá, tầm 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Nhưng cũng nguy hiểm, nếu để công an bắt được thì bị phạt gần 1 triệu đồng, giữ xe 10 ngày mới ra.
Bờm luôn đeo khẩu trang kín mặt trong lúc bắt khách để tránh sự chú ý của lực lượng an ninh sân bay
Vào sân bay phải đeo khẩu trang
Trong những ngày chạy xe ôm, chúng tôi liên tục được cánh xe ôm tại đây hỏi thăm:“Mày mới vào hả? Ai đưa mày vào? Mày đã trình diện các đàn anh và biết luật bắt khách ở đây chưa?”. May mắn là nhiều khi các đàn anh cũng thương tình giới thiệu cho một số khách trả giá bèo để chạy... kiếm cơm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, một trong những người được xem là lái xe thâm niên trong sân bay là T. (còn có biệt danh là mắt cận). T. cao to, đen nhẻm, đeo kiếng cận và hay đi lang thang, dùng một ngón tay chỉ vào mặt khách ngã giá.
T. là một trong những xe ôm hăm dọa chúng tôi khi mới vào. Khi biết có người đưa vào, T. cũng dần thân thiện hơn và hay hỏi chúng tôi có chạy được chuyến nào không.
T. là một xe ôm thâm niên, hoạt động bắt khách tại sân bay từ sáng đến tối
Thu nhập tốt
"Làm nghề này nếu biết cách hét giá và bắt khách thì thu nhập rất khá, tầm 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Nhưng cũng nguy hiểm, nếu để công an bắt được thì bị phạt gần 1 triệu đồng, giữ xe 10 ngày mới ra", sư phụ S. chỉ dẫn.
Khi T. biết tôi dẫn khách ra xe theo đường bê tông đi bộ qua mặt chốt an ninh sân bay, liền mắng và chỉ cách: “Khi bắt được khách, mày phải khéo léo nói làm sao cho khách theo mày đi tắt vào cổng bãi đậu xe, sau đó chạy xe vào chở. Khi ra vào cổng sân bay, tuyệt đối phải đeo khẩu trang kín mặt và im lặng chạy thẳng, không được nhìn ngó quanh để tránh bị chú ý nếu không sẽ khó làm ăn”.
Ngoài ra, trong giới xe ôm thâm niên sân bay còn có Bờm. Hằng ngày, Bờm dẫn theo vợ mình vào sân bay đón khách. Hai vợ chồng thường chia nhau mỗi người một đoạn liên tục hỏi khách đi xe. Khi có khách, hai vợ chồng thay phiên chạy. Để tránh né lực lượng chức năng, Bờm luôn đeo khẩu trang và rất khó bắt chuyện. Mỗi lần chúng tôi bắt chuyện, Bờm đều lặng thinh và né đi chỗ khác.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù được phân đẳng cấp khác nhau và chia theo khu vực hoạt động, nhưng cánh xe ôm sân bay thường hay xảy ra cãi vã, chửi bới nhau mỗi khi giành khách. Đồng thời, hay thay đổi đồng phục mặc trên người để tránh sự chú ý của lực lượng an ninh.
Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn