Việt Nam sẽ "ghép đôi" với ai?

Thứ ba, 31/05/2016, 14:14
Chuyến thăm của ông Obama đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Việt Nam và Mỹ sẽ “ghép đôi” để kiềm chế hoặc chống lại Trung Quốc. Trong một bài viết mới đây trên tờ Global Times  (Thời báo Hoàn cầu), Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Quyền Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam quả quyết, chuyện này sẽ không  xảy ra.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, đã kết thúc chuyến thăm được đánh giá làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù.

Nhưng trong bối cảnh khu vực đang có sự chuyển hướng trong quan hệ Mỹ - Trung, vai trò ngày càng lớn của ASEAN như một người chơi chính trong quá trình xây dựng cấu trúc an ninh khu vực, và các diễn biến gần đây liên quan đến Biển Đông, chuyến thăm của ông Obama làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Việt Nam và Mỹ sẽ “ghép đôi” để kiềm chế hoặc chống lại Trung Quốc. Trong một bài viết mới đây trên tờ Global Times  (Thời báo Hoàn cầu), Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Quyền Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế quả quyết, chuyện này sẽ không  xảy ra.

Tiến sĩ Tùng phân tích, các nỗ lực tăng cường quan hệ Việt - Mỹ nên được đặt trong một bối cảnh rộng hơn là chính sách ngoại giao của Việt Nam từ đầu những năm 1990. Từ năm 1986, Việt Nam đã theo đuổi con đường cải cách toàn diện, trong đó có chính sách ngoại giao độc lập trong đa dạng và đa hướng, với quan điểm xây dựng một môi trường hợp tác và hòa bình với bên ngoài, tạo điều kiện theo đuổi các lợi ích quốc gia như phát triển kinh tế, đoàn kết nội bộ, chủ quyền quốc gia, cũng như mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế và xã hội.

Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện”, nhằm thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực.

Ông Obama thăm Việt Nam, Tổng thống Obama thăm Việt Nam, ông Obama, Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam

Quan hệ Việt - Mỹ phát triển không ảnh hưởng tới các mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ảnh: VietnamNet.

Đáng chú ý là việc cải thiện quan hệ Việt - Mỹ diễn ra song song với việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một nước láng giềng lớn có vai trò ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Việt Nam. Hai cường quốc này đã thiết lập nền tảng “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” năm 2008.

Quan hệ Việt - Mỹ phát triển không ảnh hưởng tới các mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thay vì phải chọn một bên nào, Việt Nam đang cố gắng hết sức để tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, và coi quan hệ với hai nước này là quan hệ các bên đều có lợi.

Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam coi trọng Mỹ như nguồn chính về thị trường, đầu tư, công nghệ và phát minh sáng chế. Các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều đã củng cố quan hệ với Mỹ vì lý do tương tự. Tăng cường quan hệ Việt - Mỹ cũng đem lại cho Việt Nam các nguồn lực ngoại giao và chiến lược mạnh hơn. Mỹ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các cấu trúc an ninh khu vực tại Châu Á - Thái Bình Dương và hỗ trợ các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, xây dựng năng lực hàng hải để cải thiện khả năng cảnh báo trong lĩnh vực hàng hải và các năng lực an ninh biển.

Tháng 9/2011, Việt Nam và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong 5 lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và viện nghiên cứu. Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ không đồng nghĩa với kiềm chế và chống lại Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự và đạn dược.

Hình ảnh độc lập của chính sách đối ngoại của Việt Nam chủ yếu dựa vào chính sách quốc phòng, theo đó Việt Nam theo đuổi nghiêm ngặt “nguyên tắc ba không” - Việt Nam sẽ không tham gia một hiệp định quân sự và trở thành một đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho phép bất kỳ nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, và không dựa vào bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác.

Gần đây, Việt Nam đang chịu sức ép trong nước phải xem lại nguyên tắc này, tuy nhiên, việc kiên trì theo đuổi nguyên tắc này vẫn là xu hướng chính sách của chính phủ Việt Nam.

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nỗ lực của Hiệp hội trong việc thu hút tất cả các nước lớn thông qua các cơ chế hợp tác do ASEAN đứng đầu, với chủ trương ASEAN không phải là một hiệp định quân sự hay nằm dưới sự ảnh hưởng của một nước lớn nào, mà là một tổ chức thúc đẩy ngoại giao để giải quyết những bất đồng.

Việc nghiêng về một bên nào đó là không hợp lý và không khả thi, vì cả Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những bất đồng của họ, đều đang phối hợp dựa trên một quan hệ kiểu mới coi trọng việc tránh đối đầu quân sự, đồng thời thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực.

Là một nước tương đối nhỏ theo dõi sát diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung, Việt Nam lo ngại nếu xảy ra các kịch bản Bắc Kinh và Washington trực tiếp đối đầu hoặc thỏa hiệp với nhau.

Lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở, vì lịch sử đã cho thấy Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vì vậy, lựa chọn chính sách tốt nhất đối với Việt Nam là là bạn với cả Mỹ và Trung Quốc, chủ động trong ASEAN, và tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu của luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực khu vực đã được thiết lập về cách hành xử và bộ quy tắc ứng xử. Sự cải thiện trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ củng cố xu hướng này.

Theo VietnamNet

Các tin cũ hơn