Để chứng minh lời tố cáo của mình là đúng sự thật, anh Vũ Ngọc Hồi (SN 1974), trú tại thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản, cho biết: “Nếu được phép, tôi sẵn sàng thế chấp tài sản trong nhà để thuê người về kiểm nghiệm móng trụ điện cao thế 220kV để làm rõ vấn đề trên. Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tôi tố cáo phản ánh về việc móng của trụ điện của cột cao thế đổ bê tông trộn đất”.
Cánh đồng Vồ, xã Đại An – nơi thi công các trụ điện 220kV bị người dân tố cáo |
Trước sự việc phía đơn vị thi công tự kiểm tra chất lượng công trình vào ngày 27/5 mà không có cơ quan chức năng nào chứng kiến, anh Hồi bức xúc: “Đơn vị họ là người thi công, họ lại tự kiểm tra rồi họ đánh giá xem họ có sai hay không thì liệu có khách quan được không? Dù kinh tế của gia đình tôi không giàu có, nhưng tôi sẵn sàng thế chấp tài sản để thuê người ra kiểm nghiệm nếu được cho phép”.
Theo clip tố cáo, phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng (ảnh cắt từ clip) |
Nói về việc đoạn video mà anh Hồi và anh Vũ Đức Thuận (SN 1970) – anh trai của anh Hồi - quay lại, có người cho rằng đó có thể là dàn dựng, anh Hồi khẳng định: “Họ thi công 2 cột cao thế 220kV ở đây, mỗi cột gồm một khoang móng và 4 cọc trụ. Ngay sau khi đổ xong cọc trụ đầu tiên, thấy kiểu làm ăn gian dối, tôi đã kiến nghị với ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng Đội thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 không nên làm theo kiểu gian dối này. Tuy nhiên phía đội thi công vẫn phớt lờ đề nghị này, nên tôi và anh Thuận đã xin nghỉ làm ở đây".
Ngày 27/5 công ty thi công… tự kiểm tra chất lượng công trình. |
Theo lời anh Hồi, sau khi 2 anh em anh đã nghỉ làm, các anh phát hiện đơn vị thi công vẫn làm ăn theo kiểu gian dối nên đêm 21, rạng sáng ngày 22/5, các anh đã lội tắt qua ruộng lúa để quay cảnh đổ cọc móng thứ 2. Họ vẫn làm theo cách cũ, xúc cả đất đổ xuống rồi phủ lên trên một lớp bê tông thật dày hơn 10 phân. Cả quá trình đổ mấy trăm khối bê tông chỉ mất hơn 2 giờ.
Trong 4 cọc móng của cột cao thế thứ nhất, chỉ duy nhất cột ở hướng Tây Nam là đổ chắc chắn hơn, còn lại khoang móng và 3 cột còn lại đều kiểu bê tông trộn đất. Quá bức xúc vì kiểu làm trên nên anh đã gửi clip lên các cơ quan báo chí để tố cáo sự việc.
Anh Hồi cũng cho biết thêm: “Ở khoang móng, họ cũng đổ bê tông kiểu như trên, nhưng sau khi tôi tố cáo thì thấy dừng thi công, sáng ngày 26/5 mới bắt đầu thi công lại nhưng họ lập chốt, ngăn không cho bất cứ người dân nào tiếp cận khu vực thi công”.
Anh Vũ Ngọc Hồi rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm sáng tỏ sự việc |
Sau khi đứng ra tố cáo sự việc trên, từ sáng 25/5 đến nay, liên tục có khách đến hỏi thăm, động viên 2 anh em anh Hồi tiếp tục tố cáo hành vi sai trái trên của nhà thi công. Đồng thời, liên tục có một số người nói là người của Công ty CP Sông Đà 11 đã đến nhà nói chuyện với anh Hồi.
Vào ngày 26/5, có một đoàn cán bộ do ông Nguyễn Văn Đương, tự nhận là Chỉ huy trưởng công trình thi công cột cao thế 220kV đến đặt vấn đề “nói chuyện” với anh Hồi và gia đình. Phía ông Đương để đề nghị anh Hồi thừa nhận ảnh và các video quay là mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế chứ không phải là dùng để đổ bê tông. "Họ có ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi nhưng tôi đã không đồng ý ký vào biên bản này!”, anh Hồi nói.
Biên bản được cho là của ông Đương lập để anh Hồi ký |
Chị Vũ Quỳnh (35 tuổi), vợ anh Hồi cho biết: “Tôi ủng hộ về việc chồng tôi đứng ra tố cáo sự việc trên. Kể cả phải thế chấp hay bán nhà để tìm ra sự thật thì vợ chồng tôi cũng chấp nhận. Từ lúc phát hiện ra sự việc, 2 anh em nhà anh ấy đứng ngồi không yên, nhất là qua sự việc cột điện 500kV ở Bắc Giang bị đổ sau trận mưa giông, nên anh ấy mới quyết định việc tố cáo”.
Còn anh Hồi thì khẳng định: “Được người dân địa phương và gia đình ủng hộ, tôi sẽ đi đến cùng, khi nào tìm ra sự thật mới thôi. Tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra thuê kiểm tra chất lượng công trình này, nếu sai tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật!”.
Cũng liên quan đến sự việc trên, phía chủ đầu tư công trình là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã cử ngay đoàn công tác đến hiện trường kiểm tra thực tế.
Trong thông cáo báo chí mới đây, phía EVNNPT cho biết, ngày 9/3, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) – đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án nhận được văn bản của công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường DVOR/DME và NDB Nam Hà, yêu cầu dịch chuyển tuyến để bảo đảm an toàn dẫn đường. Trên cơ sở đó, NPMB đã yêu cầu công ty CP Sông Đà 11 dừng thi công từ ngày 9/3. Sau khi làm việc với công ty TNHH kỹ thuật quản lý bay, ngày 22/4 NPMB đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà 11 dừng thi công đọan tuyến từ G1 - G3.
Mặc dù Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đã yêu cầu công ty CP Sông Đà 11 dừng thi công từ 9/3 và chưa có văn bản hay chỉ đạo nào cho đơn vị thi công tiếp tục làm việc. Nếu như vậy, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tự ý thi công là trái yêu cầu của NPMB.
Theo Dân Trí