Phía Công ty CP Sông Đà 11 đang tự đào móng để kiểm tra. (Ảnh chụp chiều 29/5). |
Công an tỉnh tiếp tục có mặt tại hiện trường
Chiều 29/5, có mặt tại cánh đồng Vồ (xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định), hiện trường thi công móng cột số 1 đã hoàn toàn khác với hiện trạng báo chí đăng tải (thời điểm ngày 25/5).
Tại đây, có sự xuất hiện của máy xúc và một nhóm công nhân làm việc. Xung quanh cột móng, toàn bộ phần đất thịt bao phủ đã được xới tung làm lộ ra phần móng bê tông.
Trước đó, sáng 27/5, phóng viên Báo GĐ&XH nhận được phản ánh của người dân thôn An Hưng, xã Đại An về việc một nhóm người mang máy xúc đến đào múc tại khu vực làm móng cột cao thế - nơi người dân tố cáo trong quá trình thi công nhóm thợ dùng bê tông trộn lẫn đất bùn.
Tại hiện trường, có 2 máy xúc cùng 6 – 7 công nhân đang làm việc. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc công ty cổ phần Sông Đà 11.7 cho biết đây là công nhân của công ty đang thi công.
Giải thích về lý do thi công thì ông Hải cho biết:
Nhận thấy sự việc khác thường, phóng viên đã gọi điện đến Đại tá Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định để phản ánh.
Trả lời chúng tôi, ông Toàn cho biết chưa nhận được thông tin về việc này và sẽ cử cán bộ đến kiểm tra.
Khoảng 15h chiều cùng ngày, đoàn công tác của Công an tỉnh Nam Định đã có mặt tại hiện trường. Sau khi ghi nhận tình hình tại đây, đoàn công tác của Công an tỉnh Nam Định rời hiện trường.
Sau đó ít phút, lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 cũng xuất hiện thì sự việc mới sáng tỏ.
“Đây là chúng tôi đang tự kiểm tra để đánh giá, có kết luận về việc tố cáo trụ móng cột số 1 có thi công gian dối, trộn đất là đúng hay sai”, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 cho biết.
Trước ý kiến cho rằng, việc nhà thầu tự kiểm tra chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”? ông Nguyễn Hữu Hải lý giải: “Do công trình chưa bàn giao, chúng tôi kiểm tra nếu vi phạm sẽ cho thi công lại rồi mới nhận bàn giao”.
Thi công khi chưa được cho phép (?)
Anh Vũ Văn Thuận (bên phải) và Vũ Ngọc Hồi lo ngại hiện trạng cột móng sẽ bị thay đổi khi không có sự giám sát của cơ quan chức năng. |
Liên quan đến sự việc, ngày 28/5, Báo GĐ&XH nhận được thông tin trả lời về việc thi công công trình của chủ đầu tư là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Theo đó, EVNNPT đã tìm hiểu thông tin các báo nêu và cử ngay đoàn cán bộ đến hiện trường kiểm tra thực tế.
Kết hợp với việc kiểm tra hồ sơ thủ tục liên quan đến quá trình triển khai thi công, phía EVNNPT cho biết: Ngày 9/3, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) – đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án nhận được văn bản của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường DVOR/DME và NDB Nam Hà, yêu cầu dịch chuyển tuyến để bảo đảm an toàn dẫn đường.
Trên cơ sở đó, NPMB đã yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà 11 dừng thi công từ ngày 9/3.
Sau khi làm việc với Công ty TNHH kỹ thuật quản lý bay, ngày 22/4 NPMB đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà 11 dừng thi công đọan tuyến từ G1 - G3.
Cho đến nay NPMB chưa có văn bản cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công phần móng vị trí số 1 và 2 do đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để điều chỉnh đoạn tuyến nêu trên.
Do vậy, việc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tự ý thi công là trái yêu cầu của NPMB.
“Vì những lý do nêu trên nên EVNNPT hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những vấn đề có liên quan đến các công việc đã thi công ở 2 vị trí móng cột số 1 và 2.
Sau khi có quyết định hướng tuyến mới, EVNNPT sẽ cho tiếp tục triển khai thi công và cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình”, thông cáo của EVNNPT nêu rõ.
Người tố cáo lo “mất hiện trường”
Chiều 29/5, chúng tôi gặp hai anh Vũ Văn Thuận và anh Vũ Ngọc Hồi - người đã gửi thông tin và clip chứng cứ tố cáo việc thi công gian dối tại hai móng cột chạy qua địa bàn xã Đại An.
Là người chứng kiến từ đầu vụ việc, anh Hồi cho hay: “Mấy hôm nay nhóm công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, tôi ra quan sát thì thấy họ đã khoan một số vị trí nhưng chủ yếu là ở các móng cột bê tông.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc họ tự kiểm tra mà không có cơ quan chức năng giám sát thì khó mà khách quan.
Điều lạ nữa là chúng tôi cũng không được mời hợp tác để chỉ rõ vị trí chúng tôi quay video cho thấy bê tông lẫn đất”?!.
Còn anh Thuận tỏ ra lo ngại: “Mấy hôm nay gia đình chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì sợ đơn vị thi công tự ý đào móng sẽ thay đổi hiện trạng công trình rồi quay lại tố cáo chúng tôi tội dàn dựng, vu khống.
Chính vì thế, bất kể ngày đêm, chúng tôi đều cắt cử người ra đồng kiểm tra. Cứ thấy họ có động thái bất thường là chúng tôi lập tức báo cho chính quyền và báo chí”.
Anh Thuận đề nghị mọi động thái hoạt động ở công trường đều phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép và giám sát, thậm chí, cần niêm phong công trình để mời các cơ quan kiểm định có đủ thẩm quyền vào cuộc.
Phải lấy mẫu ở đế móng mới rõ trắng - đen
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Quang Viên, chuyên viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng cho biết: "Việc đơn vị thi công tự kiểm tra chất lượng công trình có thể chấp nhận được tuy nhiên phải lấy mẫu từ nhiều vị trí khác nhau.
Tôi theo dõi trên báo chí thấy hình ảnh thực tế đơn vị thi công đang lấy mẫu thí nghiệm ở trên đỉnh trụ móng.
Nếu lấy mẫu bê tông ở đây thì rất tốt, không có gì cần phải bàn cãi. Bây giờ phải lấy mẫu bê tông ở phía dưới đế móng – nơi người dân phản ánh có lẫn đất thì mới rõ trắng đen được".
Việc lấy mẫu giám định phải được nhiều bên chứng kiến
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Việc đơn vị thi công có hành động đưa máy móc đào móng cột điện để tự kiểm tra theo tôi là thiếu khách quan.
Cũng phải nói rõ đây là vấn đề rất nghiêm trọng chứ không đơn thuần là việc đơn vị thi công bị tố giác làm sai rồi họ tự kiểm tra để khắc phục là xong.
Để đảm bảo tính trung thực, khách quan thì khi lấy mẫu bê tông mang đi giám định nhất thiết phải có sự chứng kiến của các bên: Cơ quan công an, chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng những người tố cáo.
Sau khi lấy mẫu phải lập biên bản đồng thời thống nhất phương án giao cho cơ quan nào giám định. Việc làm này rất quan trọng vì đó còn là căn cứ để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không?" - LS Thái phân tích.
Cần bảo vệ người dân tố cáo tiêu cực
Về vụ việc này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ sự hoan ngênh trước phản ánh kịp thời của Báo GĐ&XH cũng như hành động dũng cảm dám đứng ra tố cáo của người dân.
Ông Hùng đánh giá đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng và cần điều tra thật kỹ lưỡng.
"Dư luận còn chưa hết lo lắng sau khi một số cột điện 500kV ở Bắc Giang bị đổ sập sau mưa bão, do vậy những công trình về điện lưới quốc gia cần tuyệt đối tuân thủ an toàn kỹ thuật.
Trong vụ việc này tôi lo lắng nhất về việc bảo vệ những người dân tố cáo tiêu cực. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần có những động thái tích cực hơn để sự việc sớm được sáng tỏ", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Gia đình và xã hội