Sau bài “Xe ôm “lộng hành” ngay cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất” mà PV phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng để chấn chỉnh vấn nạn này cần có sự phối hợp liên ngành để quy hoạch vận tải hành khách tại các điểm giao thông trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, ga, bến tàu... để giải quyết nhu cần đi lại an toàn, văn minh, đồng thời, giữ gìn an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
Xe ôm chèo kéo khách bên ngoài cổng sân bay Tân Sơn Nhất |
Doanh nghiệp “ôm đầu máu”
Trong những ngày "nằm vùng" điều tra, PV đã ghi nhận thực trạng cãi cọ, giành giật khách, thậm chí có cả ẩu đả, hành hung của các “xe ôm có chủ quyền” và “xe ôm công nghệ” khi vào đón khách tại khu vực sân bay, nơi được xem là “lãnh địa” làm ăn của giới xe ôm được “bảo kê”.
Một doanh nghiệp vận tải hành khách thông qua ứng dụng đặt xe online cho biết, từ tháng 11/2015 đến nay xảy khoảng hơn 20 vụ các tài xế hợp tác vận chuyển, đón khách theo đặt hàng từ ứng dụng điện thoại thông minh đã bị xe ôm hoạt động tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hành hung vô lý, nhẹ thì hăm dọa, nặng thì đánh đập, cướp mũ bảo hiểm, phá xe.
Anh Đặng T.S, một tài xế “không bảo kê” cho biết, sáng 4/4/2016, anh nhận khách từ ga quốc nội đi Công viên Làng hoa Gò Vấp. Khi đang hẹn khách tại bãi giữ xe máy trong sân bay thì có một xe ôm chạy tới, văng lời tục tĩu, quát nạt: “Ai cho mày vào đây” rồi đánh vào mặt anh S. Khi anh S. ra ngoài khu vực bãi giữ xe thì người này chạy theo, chặn đầu xe, tiếp tục giở thói côn đồ, đánh đấm anh S. lần nữa rồi mới chịu bỏ đi.
Tài xế bỏ xe bên ngoài, đi bộ vào sát hàng rào sân bay để "mồi chài" khách |
Theo thống kê của Trung tâm an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp tài xế xe taxi và xe ôm “chèo kéo” khách trong khi vực sân bay. Những trường hợp vi phạm này đều được Trung tâm an ninh sân bay chuyển hồ sơ đến công an phường 2 (quận Tân Bình) giải quyết.
Trên thực tế, các hãng taxi, honda tham gia vận chuyển hành khách có thương hiệu đều bị quản lý tư cách pháp nhân theo đăng ký tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư và tuân thủ các quy định của Nghị định 86 về luật vận chuyển hành khách đường bộ với giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải cấp. Khác với các tài xế kinh doanh xe chở khách tự phát, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định nộp thuế và kinh doanh theo quy định của nhà nước, ngay cả trong giai đoạn thí điểm. Thế nhưng, thực tế đã có doanh nghiệp đang phải “ôm đầu máu” vì nạn bảo kê ngang nhiên diễn ra như một thứ "luật bất thành văn" từ nhiều năm qua, tại khu vực sân bay.
Chống bảo kê bằng… công nghệ
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, kiêm Giám đốc Trung tâm an ninh hàng không thừa nhận tình trạng “chèo kéo” khách ngoài khu vực sân bay, đoạn đầu đường Trường Sơn hay ở khu vực trạm xăng gần đó đã diễn ra nhiều năm nay.
“Chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi chính quyền địa phương và lực lượng công an phường 2 (quận Tân Bình), đề nghị giải quyết tình trạng này, bởi khu vực ngoài sân bay thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng công an khu vực, chúng tôi chỉ phối hợp để đảm bảo an ninh, trật tự tại cửa ngõ sân bay”, ông Tiến nêu rõ.
Thậm chí, xe ôm vào bên trong bãi đậu xe máy của sân bay để bắt khách |
Theo Cảng vụ hàng không Miền Nam, hàng năm đều có quy chế phối hợp giữa lực lượng an ninh sân bay với chính quyền địa phương, Sở giao thông vận tải, Công an thành phố để ra quân xử lý thường xuyên đối với các trường hợp đưa đón và “chèo kéo” khách làm mất an ninh, trật tự quanh khu vực sân bay.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Nam, để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan về quản lý an ninh trật tự thì vấn đề quy hoạch, tổ chức và sắp xếp lại các đơn vị vận tải tham gia vào việc đưa đón khách tại sân bay mới là mấu chốt.
Cũng theo ông Tuấn, cùng với việc quy hoạch các hãng taxi tham gia vận chuyển đang dần đi vào nề nếp, cũng cần có thêm những quản lý, giám sát lực lượng xe ôm, thậm chí, cần phải thành lập nghiệp đoàn để quản lý tốt hơn và đưa hoạt động vào nề nếp, quy củ hơn.
Ông Tuấn cho rằng, bên cạnh các phương tiện truyền thống, việc quy hoạch cho các dịch vụ xe công nghệ dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh tham gia phát huy thế mạnh của mình, cùng chung tay với các cơ quan chức năng để cung ứng, giải quyết nhu cầu đi lại bằng dịch vụ vận chuyển mới, hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm và thân thiện là điều nên làm.
Theo Dân Trí