Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón hơn 25 triệu lượt khách đến TP.HCM. Dự kiến, trong 5 năm tới, con số này được mong đợi đạt mốc 40 triệu/năm. Có cầu ắt có cung. Bên cạnh dịch vụ taxi, vận chuyển bằng xe gắn máy (còn gọi là xe ôm) là một nguồn cung cần thiết để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Tiếc thay, tình trạng các nhóm xe ôm tụ tập,“chèo kéo” khách, ẩu đả giữ chỗ diễn ra khá bát nháo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự và làm mất mỹ quan đô thị.
Xe ôm vào tận bên trong khuông viên sân bay Tân Sơn Nhất để chèo kéo khách |
“Đất có thổ công" , xe ôm có "bảo kê” (!)
Hai bên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng… dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn hiện diện một "lực lượng" xe ôm, taxi đậu thoải mái để đợi vào bắt khách. Bên cạnh các đội taxi đậu sẵn chờ “vào tài”, còn có một nhóm xe ôm hoạt động tự do, bao phủ quanh sân bay, thậm chí ngồi từng tốp ngay trước cổng thu phí nhằm… “đón lõng” khách.
Nằm vùng hơn 1 tuần liên tục ở khu vực này, phóng viên đã ghi nhận các nhóm xe này hoạt động khá tinh vi tại khu vực đối diện phía đầu đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) và một trạm xăng gần đó. Hai điểm nóng này luôn có “tay chân” của lực lượng xe ôm ngồi quan sát tình hình, nếu có “biến” thì sẽ chủ động báo cho tốp xe ôm trước cổng thu phí rút ngay.
Quan sát trong 2 giờ đồng hồ, có khoảng 20 lượt hành khách bước ra khỏi khu vực sân bay và đều được nhóm xe ôm này nhiệt tình vây quanh, ra giá cho từng cuốc xe theo kiểu “thấy gà là hét giá cao”. Cũng không ít hành khách vì liên tục bị cánh xe ôm này “gạ gẫm”, bám theo cả trăm mét nên cuối cùng cũng "tặc lưỡi" và đi cho xong. Với chiêu thức này, tỷ lệ khách “bị ép” đi xe đạt trên dưới 70%.
Không chỉ khu vực ngoài cửa sân bay, một số xe ôm còn đứng phục sẵn trong khu vực sân bay (đoạn trước khu vực bãi gửi xe máy). Cánh xe ôm này hoạt động xoay tua nhau để đảm bảo “đất sống” cho từng thành viên. Trước cửa thu phí giữ xe luôn có ít nhất một tài xế xe ôm đứng sẵn để canh gác.
Trong vai một hành khách, PV từ ga quốc nội ra khu vực cổng sân bay. Ngay lập tức, một nhóm tài xế nhìn khá lộn xộn chạy lại, vây quanh “chèo kéo”. Lấy lý do cần ngồi nghỉ một chút rồi đi, PV chọn một quán nước nơi cánh tài xế tụ tập đông đảo chờ khách.
Bắt chuyện cùng anh tài xế tên N.V.G (35 tuổi), PV được biết, anh này vừa có “cuốc” xe 100.000 đồng, khi chở khách từ sân bay đi huyện Hóc Môn về. Khi được khen cuốc xe khá rẻ, tài xế G. cho biết, dạo này đang phải cạnh tranh vì mới có một loại xe ôm “công nghệ” GrabBike. “Họ chạy giá quá rẻ, lại có doanh nghiệp đứng ra bảo đảm, thành ra chúng tôi mất khách”, G. nói. Đến đây, những tài xế xung quanh cho rằng, “đất có thổ công, xe ôm có… bảo kê”, gặp tài xế lạ nào bén mảng tới sân bay đón khách là “thoải mái” đánh luôn, không cần nói nhiều, đã có mấy anh “bảo kê”.
Lực lượng xe ôm bám theo khách "dai như đĩa" |
Để lần dò hỏi về quy trình nhập nhóm xe ôm tại sân bay, PV chọn một tài xế tên L.V.T (55 tuổi) chở đi bệnh viện quận 2, với giá 120 nghìn đồng. Do chặng đường cũng khá dài nên câu chuyện cũng khá rôm rả. Ông T. cho biết, để làm xe ôm ở sân bay không phải là chuyện đơn giản. “Nếu anh không có quan hệ hoặc người bảo lãnh, mà nếu có đi chăng nữa thì khi đủ số lượng rồi cũng không được vào nhóm, bởi tài xế xe ôm hạn chế ở số lượng nhất định”, ông T. khẳng định.
Ông T. bật mí thêm, để có chân xếp tài hoạt động tại khu vực sân bay, ông phải nhờ người quen dẫn đi nhậu với mấy “đại ca” và “quản lý” cánh xe ôm ở sân bay để xin được gia nhập. Nếu có quan hệ, có sự bảo lãnh của người làm xe ôm lâu năm thì mới được nhận vào.
Theo chia sẻ của một số người cư ngụ và làm việc tại khu vực này, bình thường cánh xe ôm vẫn chạy vào trong đón khách mà không vấp phải sự ngăn cản nào từ lực lượng chức năng. Thỉnh thoảng có đợt cao điểm, lực lượng công an địa phương và an ninh tại sân bay "truy quét" thì lực lượng này sẽ lòng vòng bắt khách ở ngoài, chờ vài hôm cho tình hình "lắng xuống" thì lại quay về nếp cũ.
Đóng 10.000-20.000 đồng/lần rước khách ở sân bay
Theo dòng câu chuyện, ông T. cho biết, với mỗi “cuốc” xe ôm đưa khách đi, về đến sân bay, tài xế phải nộp lại từ 10.000 – 20.00 nghìn đồng cho “ban điều hành”, gọi là phí “bảo kê” bến bãi. Trung bình mỗi ngày, một tài có thể kiếm được trên dưới 400.000 đồng, đồng nghĩa mỗi tháng thu nhập không dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền “chung chi” cho mấy đại ca.
Băn khoăn về việc nhóm “bảo kê” này hoạt động ra sao, bao nhiêu người, phân chia địa bàn ra sao… thì ông T. cho hay, ông và những xe ôm khác không được biết tường tận, chỉ cần hiểu “có mấy đại ca” thì cứ yên tâm bám địa bàn.
Để được gia nhập đội xe ôm trước sân bay thì phải đóng tiền bảo kê hàng tháng? |
Trong một lần “thực nghiệm” khác, PV tiếp cận một tài xế đang “lấm lét” đón khách. Chưa kịp ra khỏi khu vực sân bay đã gặp ngay một nhóm xe ôm quây sẵn lối ra và dằn mặt: “Mày ở đâu tới? Đây là đất của bọn tao sao mày dám bén mảng rước khách? Mày bỏ khách xuống ngay, nếu không thì không xong với bọn tao đâu”. Quá hoảng sợ, tài xế xe ôm này liền bỏ chúng tôi xuống và chạy mất hút.
Tài xế An, người chở thay cho biết, muốn hành nghề xe ôm ở đây cũng phải “làm luật” cho mấy đại ca quản lý khu vực. Hiện nay, quanh khu vực sân bay có 100 tài xế xe ôm hoạt động chia làm 2 ca/ngày, 50 ban ngày và 50 ban đêm. Trong quá trình hoạt động cũng có thể chủ động đổi ca cho nhau và hoạt động đều đặn hàng ngày.
Với thu nhập bình mỗi tháng khoảng trên 10 triệu đồng, các tài xế phải “chung chi” cho mấy đại ca “bảo kê” một tỷ lệ nhất định để đổi lại việc được xếp tài, hành nghề ổn định.
“Bây giờ số lượng anh em tài xế đông nên khó lòng mà gia nhập nhóm, anh em phải chia từng cuốc, đều đặn để đảm bảo thu nhập cho từng người, chưa kể các khoản “chung chi” khác” - tài xế An than thở.
Theo Dân Trí