Mỹ-Trung đối thoại thường niên sau những màn "đấu khẩu" về Biển Đông

Thứ hai, 06/06/2016, 10:35
Các căng thẳng gia tăng do các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có thể phủ bóng lên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung tại Bắc Kinh vào hôm nay 6/6, sau khi hai cường quốc gia tăng chỉ trích nhau liên quan tới vùng biển chiến lược thời gian gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Đối thoại Mỹ-Trung năm 2015 (Ảnh: Reuters)

AFP đưa tin, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8 sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/6 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Bắc Kinh vào tối qua để tham dự cuộc đối thoại, vốn cũng có sự hiện diện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương.

Đối thoại hôm nay dự kiến sẽ thảo luận một loạt các vấn đề ngoài Biển Đông, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống khủng bố, hợp tác kinh tế và thương mại.

Một tuyên bố của Bộ tài chính Mỹ cho hay các cuộc đối thoại sẽ tập trung vào “nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu liên quan tới lợi ích kinh tế và chiến lược trước mắt và dài hạn”.

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thường niên được xem là cơ hội để hai nền kinh tế thế giới thảo luận các vấn đề quan tâm, trong đó có việc tìm giải pháp cho những bất đồng giữa 2 nước.

Lời qua tiếng lại

Tuy nhiên, trước thềm đối thoại, một quan chức Mỹ cho hay: “Căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng so với năm ngoái. Chúng tôi vẫn rất quan ngại”.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực vừa kết thúc hôm 5/6 sau 3 ngày họp, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các chỉ trích nhằm về phía nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã hối thúc Bắc Kinh ngừng “tự cô lập” và tham gia vào một mạng lưới an ninh châu Á. Đáp lại, ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã cảnh báo “các hành động của một số quốc gia vì lợi ích ích kỷ của riêng họ”, Straitstimes đưa tin.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Bắc Kinh gần đây đã cải tạo đất ồ ạt để gia tăng đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền và phục vụ mục đích sử dụng quân sự.

Washington đã đáp trả bằng cách điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp.

Căng thẳng đã leo thang sau khi tờ Thời báo Hoa nam Buổi sáng của Hong Kong hồi tuần trước cho biết Bắc Kinh có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm tới Mông Cổ ngày 5/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc thiết lập như vậy có thể bị xem là “một hành động khiêu khích và gây mất ổn định”.

“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là không nước nào được hành động đơn phương để quân sự hóa khu vực”, ông Kerry nói trước báo giới tại thủ đô Ulan Bator.

Nhưng bất chấp những lời qua tiếng lại căng thẳng về Biển Đông, Ngoại trưởng Kerry khẳng định cuộc đối thoại tuần này là tìm cách thúc đẩy hợp tác.

Ông Kerry cũng kêu bật các lĩnh vực hợp tác giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran, việc đối phó với dịch Ebola tại Tây Phi và các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống lại Triều Tiên.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn