Trung Quốc bồi đắp trái phép tại bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS) |
Bloomberg đưa tin, một “trạm vũ trụ” dưới biển như vậy có thể nằm ở độ sâu 3.000m, theo một báo cáo gần đây của Bộ Khoa học Trung Quốc mà hãng tin này xem được. Dự án đã được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm hiện thời của Trung Quốc công bố hồi tháng 3 và được đánh giá là đứng thứ 2 trong danh sách 100 ưu tiên khoa học và công nghệ.
Giới chức gần đây đã kiểm tra việc thực hiện dự án và đẩy mạnh quá trình xây dựng, theo bản báo cáo.
“Một trạm có người ở lâu dài kiểu này chưa được thử nghiệm ở độ sâu như vậy, nhưng điều đó chắc chắn có thể xảy ra”, Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách ở Washington (Mỹ) nhận định. “Các tàu lặn có người lái đã xuống tới độ sâu đó trong gần 50 năm qua. Vấn đề là làm thế nào để vận hành nó trong nhiều tháng liên tục”.
Cho tới nay, có rất ít thông tin công khai về dự án, như lịch trình cụ thể, thiết kế, ước tính chi phí, hay địa điểm của phòng thí nghiệm.
Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường lưỡi bò" phi lý và gần đây đã ồ ạt tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp.
Các hành động bành trướng của Trung Quốc đã làm thổi bùng căng thẳng trong khu vực và buộc Mỹ phải điều tàu từ Hạm đội 7 tới Biển Đông để khẳng định tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược.
Mặc dù cơn khát tài nguyên thiên nhiên là động lực chính phía sau dự án trên nhưng báo cáo gần đây của Bộ Khoa học Trung Quốc lưu ý rằng phòng thí nghiệm có thể di chuyển được và có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Bắc Kinh đã đề xuất một mạng lưới các cảm biến có tên gọi “Dự án Vạn Lý Trường Thành dưới nước” nhằm dò tìm tàu ngầm Nga và Mỹ.
Xu Liping, một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã không úp mở kế hoạch rằng dự án phòng thí nghiệm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Trung Quốc được cho là đã lên kế hoạch về dự án trên trong 1 thập niên qua và phòng thí nghiệm cũng là tâm điểm trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu vào năm 2030. Việc hoàn thành dự án giúp Trung Quốc thu hẹp sự tụt hậu về công nghệ dưới nước so với Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Nga.
Báo cáo của Bộ Khoa học Trung Quốc không tiết lộ ước tính về chi phí, nhưng ông Bryan Clark, cựu cố vấn đặc biệt cho tham mưu trưởng hải quân Mỹ, cho hay chi phí của dự án có thể rất cao. Ông này cho biết thêm rằng nguy cơ dễ bị phát hiện khiến nó không thích hợp về mặt quân sự so với việc sử dụng tàu ngầm hay thiết bị không người lái.
Theo Dân Trí