Nguyễn Hiền sinh năm 1234 (có tài liệu ghi năm 1235), người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Ông mồ côi cha từ bé và được mẹ cho theo học sư thầy trong làng. Cậu bé Nguyễn Hiền sớm thể hiện tư chất vượt trội, học tập rất nhanh. 11 tuổi, Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh thần đồng.
Theo Việt Nam văn hóa sử cương của nhà sử học Đào Duy Anh, năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi đầu tiên nhằm chọn hiền tài phục vụ đất nước. Tuy nhiên, danh hiệu "trạng nguyên" chỉ có từ năm 1247.
Trong khoa thi năm đó, lần đầu tiên trong lịch sử có 3 sĩ tử đỗ đầu đều là những người trẻ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi và Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Vì vậy, Trạng nguyên Nguyễn Hiền được coi là “Khai quốc Trạng Nguyên” và là trạng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta.
Dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về vị trạng nguyên trẻ tuổi, trong đó có câu chuyện nặn voi đất biết đi, xâu sợi chỉ qua con ốc hay hai lần khiến triều đình phương Bắc nể phục, giúp đất nước tránh được họa chiến tranh.
Tranh minh họa trạng nguyên Nguyễn Hiền giải ý bài thơ của sứ giả phương Bắc. Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ. |
Sau khi đỗ đầu khoa thi, khi vào cung diện kiến nhà vua, vua Trần Thái Tông rất thán phục khả năng ứng đối trôi chảy của trạng nguyên nhỏ tuổi, bèn hỏi ông học thầy nào. Nguyễn Hiền bèn đáp ngay: “Tâu bệ hạ, thần sinh nhi tri chi, hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự” (Tạm dịch: Thần sinh ra đã biết, có một đôi chữ không hiểu thì hỏi ông sư ở chùa làng).
Cho rằng Nguyễn Hiền còn nhỏ tuổi, lại kiêu căng, không biết lễ phép nên vua hạ chỉ cho trạng về nhà học lễ 3 năm rồi mới bổ dụng. Thời gian này, sứ thần phương Bắc đưa sang một bài thơ ngụ ngôn để thử nhân tài nước Nam. Bài thơ chỉ gồm 4 câu chữ Hán:
Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.
Cả vua lẫn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mãi về sau có người nhớ đến Trạng Hiền, vua vội sai một viên quan văn đi mời ngay Trạng về triều để may ra có thể giải được bài thơ thách đố.
Tuy nhiên, khi tìm được Nguyễn Hiền, ông không chịu về kinh mà đáp: “Trước đây vua nói ta chưa biết lễ, thì nay chính vua cũng không biết lễ. Không ai đi mời trạng nguyên về kinh lại không có lễ nghĩa”. Sứ giả về tâu lại, vua giật mình nghĩ ra bèn sai mang mũ áo, cùng xe ngựa rước Trạng lên kinh.
Vừa lướt qua bài thơ, trạng hiểu ngay nội dung. Toàn bộ 4 câu thơ của bài thơ chỉ miêu tả một chữ Điền - ruộng. Bài thơ này có nghĩa:
“Hai mặt trời bằng đầu nhau (Hai chữ Nhật đặt cạnh nhau thì thành chữ Điền).
Bốn hòn núi nghiêng ngả (Bốn chữ Sơn quay đầu vào nhau thành chữ Điền).
Hai vua tranh một nước (Hai chữ Vương đặt ngang dọc và chồng lên nhau là chữ Điền).
Bốn miệng ngang dọc trong khoảng đó (Bốn chữ Khẩu xếp lại thành 2 hàng ngang dọc cũng là chữ Điền)”.
Đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở Nam Định. Ảnh:Wikimapia.org |
Lời giải của ông “trạng non” làm triều đình mát mặt còn sứ giả phải bái phục sự thông minh của người dân đất Việt và cho rằng chưa dễ gì đánh được. Sau lần này, Vua Trần Thái Tông phong cho Trạng Hiền ngay chức Ngự sử đài kiêm đông các đại học sĩ Thượng thư bộ Công.
Một lần khác, Triều đình phương Bắc lại mang sang nước ta bức thư chỉ có hai chữ “Thanh Thúy”. Trạng Hiền đọc xong liền phê ngay vào thư là “Thập nhị nguyệt xuất tốt” và tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh.
Nguyên chữ “thanh” gồm chữ thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới, chữ “thúy” gồm chữ xuất và chữ tốt ghép lại. Quân Mông Cổ đến đầu biên giới thấy ta đã có chuẩn bị nên lại rút quân về.
Ngoài hai lần đánh giặc bằng bút, về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ.
Ngày 14/8 năm Bính Tý (1256), trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là "Đại vương thành hoàng" và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hiện nay, đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt bảo tồn được cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của ông, trong đó có câu ca ngợi tài năng của Nguyễn Hiền: "Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc/ Vạn niên thiên tuế lập tam tài" (tạm dịch: Mười hai tuổi khai khoa hai nước/ Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài).
Theo Zing