Ông Trịnh Xuân Thanh nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013 sau khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc tại Tổng công ty này từ tháng 7/2007. Còn ông Vũ Đức Thuận là người kế nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trên cương vị Tổng giám đốc để điều hành PVC từ tháng 10/2009 đến ngày 1/1/2013.
PVC dưới thời bộ đôi Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã chứng kiến những thành tích về tăng trưởng nóng, tăng vốn chóng mặt nhưng cũng chính vì thế mà lao dốc không phanh ngay sau đó.
Theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương; thù lao, tiền thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì mức tiền lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách tại tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng; Tổng Giám đốc (Giám đốc) là 35 triệu đồng/tháng. Song theo quan sát của phóng viên Dân Trí thông qua báo cáo thường niên của PVC thời kỳ từ 2009 đến 2013, mức thu nhập hàng tháng của các sếp PVC nhận được ngay cả thời điểm công ty thua lỗ, bê bết nhất cũng cao vọt hẳn so với các con số nói trên.
Cụ thể, năm 2012 và 2013 là hai năm PVC ghi nhận con số thua lỗ khủng sau thời gian ăn nên làm ra trước đó, song thu nhập các thành viên trong Ban Tổng giám đốc PVC vẫn đạt 68,8 triệu đồng/người/tháng năm 2012 và đạt 54,27 triệu đồng/người/tháng vào năm 2013.
Ông Vũ Đức Thuận đã rời PVC vào đầu 2013, sau đó ông Trịnh Xuân Thanh cũng tìm được bến đỗ mới nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm với khoản lỗ nghìn tỷ tại Tổng công ty này |
Cùng nhìn lại thời gian PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc:
Năm 2009:
Trong năm 2009, thu nhập mà Ban Giám đốc PVC được hưởng đã tăng mạnh lên 6,15 tỷ đồng từ mức 2,57 tỷ đồng năm 2008 (tương ứng tăng 139%). Ban Tổng giám đốc PVC thời điểm đó có 8 thành viên với ông Vũ Đức Thuận là Tổng giám đốc và 7 Phó Tổng giám đốc. Tính ra, mỗi sếp thuộc Ban Giám đốc PVC trong năm 2009 nhận được xấp xỉ 770 triệu đồng (khoảng 64 triệu đồng/tháng).
Cũng trong năm này, PVC đã cử 4.901 lượt cán bộ, công nhân viên và người lao động đi đào tạo với tổng kinh phí đào tạo gần 9,7 tỷ đồng.
Trong năm này, PVC trúng thầu 40 gói thầu với tổng giá trị lên tới 12.535 tỷ đồng, ký kết được 34 hợp đồng kinh tế với tổng giá trị hợp đồng 7.553 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Trong đó, có 5 hợp đồng EPC với tổng giá trị 3.650 tỷ đồng, chiếm 48% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết. Điển hình là các hợp đồng thực hiện các dự án lớn như Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ Hải Phòng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol khu vực phía Bắc, Viện Dầu khí Việt Nam...
Năm 2009 được đánh giá là năm hoạt động thành công của PVC với sản lượng vượt 17% kế hoạch, tổng doanh thu vượt 18,5% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế vượt 22% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế vượt 29,3% kế hoạch. Vào năm này, PVC đang tiến hành các thủ tục để tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.
Năm 2010:
Năm 2010, vẫn với số lượng như trên nhưng thu nhập của Ban Tổng giám đốc PVC đã là 10,27 tỷ đồng (tăng 67% so với năm 2009). Tương ứng, mỗi sếp PVC lúc đó nhận 1,28 tỷ đồng/năm hay 107 triệu đồng/tháng.
Cũng trong năm này, PVC nâng thu nhập bình quân trong tổng công ty lên 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,6% so với kế hoạch đề ra. PVC đặt kế hoạch tăng mức thu nhập bình quân lên 9,1 triệu đồng/người/tháng trong năm 2011 (tương ứng tăng gần 14%).
Ngoài ra, tổng công ty cũng đặt ra kế hoạch táo bạo với tổng doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi (125%) so với thực hiện 2010, lãi ròng 1.246 tỷ đồng (tăng 68%).
Trong năm này, PVC đạt tổng doanh thu 8.002,8 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14,3%, song doanh thu công ty mẹ chỉ hoàn thành 79% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế vượt 29,2% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế vượt 9,25% kế hoạch.
Hàng loạt công trình được bàn giao như Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy Polypropylene Dung Quất, Văn phòng Viện Dầu khí, Rạp Kim Đồng, Trụ sở Bộ Nội vụ, Tòa nhà Vinafood, Nhà điều hành Vietsovpetro, Mở rộng giai đoạn 2 Tổng kho xăng dầu Nhà Bè...
PVC được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 1999 đến 2009 và được trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng như Top 10 "Sao vàng Đất Việt 2010", giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam 2010", "Báo cáo thường niên tốt nhất năm 2010"...
Năm 2011:
Năm 2011, PVC giảm thu nhập của Ban Tổng giám đốc xuống còn 9,14 tỷ đồng (tương ứng giảm 11%). Tuy nhiên, số lượng thành viên Ban Tổng giám đốc lại giảm còn 7 người, nên thu nhập bình quân mỗi cá nhân là tăng lên 1,31 tỷ đồng/năm tương đương 109,2 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong năm này, PVC lại không hoàn thành kế hoạch được giao. Dù đã hạ kế hoạch doanh thu 2011 xuống còn 11.000 tỷ đồng song kết thúc năm 2011, PVC vẫn chỉ đạt 87,9% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hoàn thành 41,7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 41,6% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động ở mức 8,95 triệu đồng/người/tháng, xấp xỉ kế hoạch đặt ra là 9,1 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù thị trường xây dựng, bất động sản khó khăn nhưng năm này công ty mẹ PVC vẫn trúng 9 gói thầu lớn, tổng giá trị hơn 63.900 tỷ đồng, trong đó có gói thầu Trụ sở Agribank chi nhánh Hoàng Quốc Việt, gói thầu EPC Cảng nhập than - Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, gói thầu EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gói thầu nạo vét cảng Nghi Sơn....
Toàn tổng công ty ký kết 102 hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư với tổng giá trị 65.609 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ PVC ký được 8 hợp đồng kinh tế lớn với tổng giá trị trên 51.778 tỷ đồng.
Trong năm này, Ban lãnh đạo của PVC vẫn thực hiện chủ trương sai lầm là tập trung tăng vốn đầu tư. Tổng số vốn góp của PVC vào các doanh nghiệp khác tính đến hết năm 2011 là 3.439,3 tỷ đồng, trong đó, góp vốn vào các công ty chi phối là 2.252,2 tỷ đồng, công ty liên kết là 633,7 tỷ đồng, công ty khác là 553,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC được PVN tạm ứng 1.312 tỷ đồng cùng 6,6 triệu USD nhưng sau khi nhận tiền thì PVC lại sử dụng 1.080 tỷ đồng cho những mục đích khác như trả nợ ngân hàng, thanh toán lãi vay, hỗ trợ vốn cho các công trình khác, góp vốn cho công ty con... Đây là một trong những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại PVC thời kỳ này nhưng phải tới nay mới được xem xét lại.
Năm 2012:
Do kết quả kinh doanh thua lỗ, thu nhập bình quân người lao động tại PVC sụt giảm thảm hại xuống còn 5,98 triệu đồng/người/tháng và mục tiêu tăng thu nhập cho người lao động trong năm 2013 cũng dè dặt ở mức 6,15 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập của Ban Tổng giám đốc giảm còn 5,78 tỷ đồng trong năm 2012, tương ứng mỗi nhân sự nhận 825,7 triệu đồng tương ứng mức thu nhập 68,8 triệu đồng/tháng.
Là một năm khó khăn nhưng PVC cũng đã dành tới 12,36 tỷ đồng kinh phí để đưa 6.070 lượt cán bộ, công nhân viên và người lao động đi đào tạo.
Trong năm này, PVC báo lỗ khủng 1.823,9 tỷ đồng hợp nhất, trong đó công ty mẹ góp lỗ 1.368,9 tỷ đồng, doanh thu chỉ hoàn thành 36,9% kế hoạch (công mẹ là 23,5% kế hoạch).
"Việc đấu thầu của PVC gặp khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế, các dự án bị dừng giãn rất nhiều, các doanh nghiệp xây lắp khác trên toàn quốc đề mong muốn tìm kiếm việc làm để duy trì hoạt động, nên nhiều doanh nghiệp khi đấu thầu đã bỏ thầu rất thấp, thậm chí lỗ để có công việc", Ban lãnh đạo PVC giải trình với cổ đông.
Lúc này, báo cáo thường niên của PVC cho rằng, mặc dù số liệu lợi nhuận của toàn tổng công ty còn tiếp tục tiềm ẩn lỗ (do chưa bao gồm các khoản rủi ro khó có khả năng thu hồi như khoản thu do tổng công ty đứng ra bảo lãnh và trả thay các đơn vị, khoản công nợ khó đòi của các đơn vị nợ tổng công ty, các khoản lỗ tại các đơn vị thành viên chưa thể hiện hết trong báo cáo sản xuất kinh doanh...) nhưng năm 2012 được đánh giá là bản lề cho những bứt phá và phát triển bền vững của PVC. Tháng 3/2012, PVC tăng vốn điều lệ thành công lên 4.000 tỷ đồng
Năm 2013
Ông Vũ Đức Thuận miễn nhiệm ngày 1/1/2013 và ông Trịnh Xuân Thanh miễn nhiệm ngày 19/5.
Trong năm này, thu nhập của Ban Tổng giám đốc giảm còn 5,21 tỷ đồng. Trong năm này, số lượng thành viên Ban Tổng giám đốc là 8 người, vị chi mỗi người chỉ còn nhận 651,2 triệu đồng/năm tương đương mức thu nhập hàng tháng là 54,27 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân người lao động toàn tổng công ty là 5,9 triệu đồng/người/tháng (công ty mẹ là 8,78 triệu đồng/người/tháng).
Mặc dù giá trị sản xuất kinh doanh thực hiện vượt 6,4% kế hoạch và doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng, vượt 17,8% kế hoạch song PVC ghi nhận lỗ trước thuế 2.158,7 tỷ đồng (trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 1.929,7 tỷ đồng); lỗ ròng 2.228,3 tỷ đồng.
Theo PVC, do khó khăn nên trong năm, chi phí quản lý cơ quan tổng công ty đã tiết giảm 20% so với kế hoạch đầu năm 2013, từ 115,7 tỷ đồng xuống còn 92,26 tỷ đồng; giảm 38% so với chi phí 147,96 tỷ đồng thực hiện trong năm 2012.
Tính đến 31/12/2013, giá trị đầu tư tài chính của PVC tại các đơn vị là 3.428,7 tỷ đồng. Năm 2013, tổng công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính 689,6 tỷ đồng. Trong khi cổ tức thu về chỉ là 33,12 tỷ đồng.
Theo Dân Trí