'Chiếc ô' nào che ông Trịnh Xuân Thanh?

Thứ hai, 19/09/2016, 11:24
“Trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, phải xem có lợi ích nhóm, câu kết, bao che, dung túng hay không". Với một người bình thường, xin từ cơ quan này sang cơ quan khác đã là rất khó, đằng này họ không những “thoát hiểm” ở PVC mà lại còn nhảy hết bộ này sang bộ kia, tỉnh này sang tỉnh khác, chức vụ nhỏ lên chức vụ to rất dễ dàng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang đang bị truy nã quốc tế, hiện đang ở đâu?

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói như vậy khi trao đổi với chúng tôi.

Gần như lặp lại vụ Dương Chí Dũng

Liên quan sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận, đồng thời truy nã quốc tế nguyên Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh. Ông thấy sao?

Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh gần như lặp lại vụ việc của Dương Chí Dũng trước đây. Nghĩa là cứ sát ngày cơ quan công an ra quyết định khởi tố thì đối tượng bỏ trốn. Điều này đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự quyết liệt trong đấu tranh, xử lý vụ việc Trịnh Xuân Thanh.

Vấn đề thứ hai, có tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh không? Chứ trong quá trình xem xét sự việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh thì cơ quan Trung ương đổ cho địa phương rằng, không luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang; còn tỉnh Hậu Giang lại nói, nếu Trung ương không cử về thì ai về được? Đúng là “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Dân biết tin ai?

Ông vừa nhắc đến trường hợp của Dương Chí Dũng, vậy phải chăng việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và nhiều khả năng hiện đã ra nước ngoài thì cũng phải có tổ chức, hay cá nhân nào đó chịu trách nhiệm về việc này?

Vấn đề trách nhiệm khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn chắc chắn phải đặt ra với cơ quan đang điều tra. Không ít người cũng cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh hay ông Vũ Đức Thuận mới chỉ là đầu mối trong một mắt xích nào đó. Nếu chỉ là đầu mối mà nhiều tháng trời xử lý không xong thì còn xử lý được cái gì?

Trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, theo ông việc dẫn độ có gặp khó khăn không, đặc biệt khi ông Thanh trốn sang các nước mà chúng ta chưa ký kết hỗ trợ tư pháp, hoặc có ký nhưng đã hết hiệu lực?

Vấn đề này thì cơ quan tư pháp nắm rõ nhất, nhưng tôi được biết, Việt Nam đã ký hiệp định dẫn độ với nhiều nước. Nếu Trịnh Xuân Thanh trốn sang những nước đã ký kết thì sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, còn nếu ở quốc gia mà hiệp định đã hết hiệu lực thì hai bên cũng có thể thỏa thuận. Nhìn chung, ở những nước phát triển, họ thực hiện dẫn độ tương đối tốt, đặc biệt đối với các loại tội phạm tham nhũng, giết người...

GS. Nguyễn Minh Thuyết.

Chắc hẳn phải có “ô dù” rất to

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ một cá nhân thì người ta sẽ không thể làm được những việc “tày trời” như vậy. Ngoài trách nhiệm, mức độ vi phạm của hai cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận, phải chăng cần làm rõ xem có sự bao che, dung túng, hay lợi ích nhóm nào đó?

Việc này đương nhiên cần phải làm rõ. Nhưng dấu hiệu của sự bao che, câu kết thì khá rõ, bởi nếu không thì người ta chẳng thể nhảy nhót được như thế, cũng chẳng ngông nghênh đến mức đưa hẳn cái xe sang từ Hà Nội vào Hậu Giang như vậy. Chắc hẳn đằng sau ông Thanh này phải có “cái ô” rất to nên ông ấy mới chẳng ngán gì ai cả.

Việc ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam cũng như truy nã quốc tế chứng tỏ sự quyết tâm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?

Phải nói rằng, việc khởi tố vụ án, truy nã bị can hợp với lòng dân, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện là quá chậm. Đặc biệt, dư luận thắc mắc là tại sao suốt mấy năm trời, từ khi xảy ra vụ cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng ở PVC mà ông chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh vẫn vô tư bay nhảy từ chức vụ này đến chức vụ khác như vậy?

Còn với ông Vũ Đức Thuận, điều khiến người ta quan tâm bấy lâu nay là hành tung của nhân vật này rất bí mật, đến mức khi hỏi tới, ngay cả những người có trách nhiệm cũng không nói. Chẳng hạn khi nhà báo hỏi, sau một thời gian giữ chức Chánh Văn phòng ở Bộ Giao thông, ông Thuận đi đâu, Bộ Giao thông Vận tải lại “hồn nhiên” bảo … không biết.

Điều đó cho thấy công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo?

Bình thường thì có thể gọi là lỏng lẻo, còn ở đây là nói dối quanh, không dám nói sự thật. Với một cán bộ tầm cỡ của cơ quan như thế, rõ ràng cơ quan phải biết ông ta “luân chuyển” đi đâu chứ! Chỉ một việc nhỏ cũng loanh quanh như thế, thử hỏi làm sao chống được tham nhũng?

Xoay quanh vụ việc này, theo ông, điều quan trọng nhất tới đây cần phải làm là gì?

Trước tiên phải làm rõ tội danh và mức độ phạm tội của những người liên quan trực tiếp trong vụ việc này. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Thanh, ông Thuận ra sao. Cần phải xem xét đúng người đúng việc, đặc biệt phải xem có lợi ích nhóm, câu kết, bao che, dung túng hay không.

Với một người bình thường, xin từ cơ quan này sang cơ quan khác rất khó, đằng này đã “thoát hiểm” ở PVC lại còn nhảy hết bộ này sang bộ kia, tỉnh này sang tỉnh khác, chức vụ nhỏ lên chức vụ to dễ dàng như vậy thì không thể không làm rõ.

Cảm ơn ông.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn